Pages

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

‘Tòa án chỉ muốn kết tội ông Vươn’


Gia đình ông Vươn trong phiên xử sơ thẩm
Vợ chồng các ông Vươn, Quý đã không thành công trong việc kêu oan
Luật sư bào chữa cho anh em ông Đoàn Văn Vươn cho rằng Tòa án Nhân dân Tối cao đã không làm đúng chức trách bảo vệ công lý mà dường như chỉ tìm cách kết tội các bị cáo.
Trong phán quyết đưa ra vào chiều 30/7 tại thành phố Hải Phòng, Tòa án khẳng định đủ cơ sở kết luận hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý phạm tội ‘Giết người’ nên vẫn duy trì bán án sơ thẩm 5 năm tù, còn hai bà Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương phạm tội ‘Chống người thi hành công vụ’ nên cũng y án là 18 và 15 tháng tù treo.


Hai bị cáo còn lại là Đoàn Văn Sịnh, anh ông Vươn, được giảm từ 3 năm rưỡi xuống còn 2 năm 9 tháng tù, trong khi cháu ông Vươn là Đoàn Văn Vệ cũng được giảm từ 2 năm tháng xuống còn 19 tháng tù.
Tuy nhiên, luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư đồng bào chữa cho tất cả bốn bị cáo, nói rằng phán quyết này là ‘không rõ ràng’ và ‘không có căn cứ’.

Không cho tranh luận

Nguyên nhân chính khiến ông Hải không cảm thấy thuyết phục trước phán quyết của tòa là việc chủ tọa phiên tòa đã không cho phép tranh luận giữa đại diện Viện kiểm sát và các luật sư biện hộ trên một số vấn đề mang tính quyết định.
“Bản án không thuyết phục,” ông Hải nói với BBC từ Hà Nội hôm 31/7, “Những gì chúng tôi nói ra và yêu cầu tranh luận thì đại diện Viện kiểm sát không tranh luận với chúng tôi.”
"Chúng tôi muốn có một ngày tranh luận. Tòa tìm cách giải thoát cho Viện kiểm sát."
Luật sư Trần Vũ Hải
Lý do phía Viện kiểm sát đưa ra để từ chối tranh luận, theo ông Hải, là ‘vì đây là các quan điểm khác nhau, đề nghị Tòa xem xét’.
Tuy nhiên, tòa án đã lấy quyền chủ tọa của mình để yêu cầu ‘mỗi bên giữ quan điểm của mình, tòa sẽ xem xét’ chứ không cho tranh luận trực tiếp.
“Chúng tôi muốn có một ngày tranh luận,” ông Hải nói, ý nhắc đến phiên tòa chấm dứt sớm một ngày so với dự kiến vì dường như ‘Tòa tìm cách giải thoát cho Viện kiểm sát’.
Các lập luận mà phía công tố đưa ra để kết tội các bị cáo ‘không phù hợp thực tế, chứng cứ, khoa học, pháp luật’, ông Hải cáo buộc.
“Lý luận của Viện kiểm sát rất yếu. Chúng tôi sẵn sàng tranh luận ở bất cứ nơi đâu,” ông nói, “Ngay cả các chứng cứ khoa học, chúng tôi cũng có thể mời các nhà khoa học đầu ngành ra phản biện.”

Công tố đuối lý?

Ông Vươn trong phiên phúc thẩm
Ông Vươn được luật sư biện hộ cho rằng là 'tìm mọi cách để không làm hại tính mạng người khác'
Ông Hải cũng nêu ra một số lập luận của các luật sư mà bên công tố không muốn tranh luận.
Thứ nhất, về cáo buộc ‘Giết người’, ông Hải nói các luật sư đã đặt vấn đề có hay không động cơ giết người, hành động có nhằm giết người không và tổn thương đối với bên bị hại.
“Anh em ông Vươn không có thù hằn gì với các chiến sỹ (cưỡng chế) mà chỉ muốn tạo tiếng vang để Trung ương quan tâm,” ông nói.
Vốn là một người có kinh nghiệm về vũ khí, bản thân ông Vươn đã đề ra một kế hoạch mà Luật sư Hải mô tả là ‘hoàn hảo’ để ‘không ảnh hưởng tính mạng của bất kỳ ai’ mà lại gây ra được tiếng vang.
Theo đó, ông Vươn đã cho dựng hàng rào, lót rơm rạ để mang cảnh báo lực lượng cưỡng chế đừng xông vào, sử dụng đạn nhỏ bắn chim cho hai khẩu súng hoa cải và chỉ bắn ở phạm vi 20 mét chứ không ở gần hơn, ông Hải thuật lại.
Trên thực tế khi lực lượng cưỡng chế vẫn vượt hàng rào tiến vào đến gần khoảng cách đó thì ông Quý đã ‘bắn liên tục hai phát không chậm trễ’ vì ‘nếu chậm trễ, các chiến sỹ đến gần hơn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng’.
Còn bình gas mà ông Quý dùng làm vũ khí ‘đã được rút hết gas’ và ‘được đặt ở vị trí ngang đầm để nếu có nổ lên thì cũng rơi xuống đầm chứ không rơi vào các chiến sỹ’, ông Hải giải thích.
Về phần người bị hại, ông Hải nói khi ra tòa ‘sức khỏa vẫn rất tốt’, ‘vẫn đang công tác’ để nhấn mạnh ‘hậu quả không lớn’.
"Lý luận của Viện kiểm sát rất yếu. Chúng tôi sẵn sàng tranh luận ở bất cứ nơi đâu."
Luật sư Trần Vũ Hải
Ngoài ra ông cũng đặt nghi vấn về ‘công vụ’ trong tội ‘Chống người thi hành công vụ’.
“Phải xét công vụ có đúng pháp luật và thi hành có đúng pháp luật hay không,” ông giải thích, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận công vụ sai pháp luật”.
Còn về thi hành công vụ, luật sư Hải khẳng định các lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã ‘cố tình cưỡng chế nhầm’ vào nhà và đầm mà ông Quý được ông Vươn giao coi sóc vốn nằm bên ngoài khu đầm có diện tích 19,3ha bị cưỡng chế theo quyết định.
“Mặc dù họ lập luận là họ chỉ tìm đường đi qua nhưng vào thời điểm đó rõ ràng họ đã cố tình cưỡng chế trái pháp luật,” ông nói.
“Các lãnh đạo huyện Tiên Lãng biết rõ là không thể cưỡng chế ở đấy sao họ lại xua lực lượng vào?” ông nói thêm, “Sau đó họ công bố cho báo chí là cưỡng chế cả 40 ha (trái với quyết định).”
Về việc hai bị cáo Sịnh và Vệ được giảm án trong khi các thân chủ của mình thì không, ông Hải cho biết trong lúc phiên tòa diễn ra các thẩm phán đã ‘nhắn nhủ’ với các bị cáo rằng phải kháng cáo giảm án thì mới được giảm án còn nếu kháng cáo kêu oan thì không.
Trên thực tế, trước Tòa bị cáo Sịnh đã ‘bày tỏ hối hận trước những hành vi vi phạm pháp luật’ vì ‘nhận thức pháp luật kém’ nên xin được giảm án để sớm về đoàn tụ với gia đình, ông Hải cho biết.

Không có nhận xét nào: