Ngành ngoại giao của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam lúc này tỏ ra tấp nập và nhộn nhịp khác thường. Mới cách đây hơn một tháng, ngày 19 tháng 6, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đã viếng thăm Trung Quốc, thế mà chỉ hơn một tháng sau, Ông Sang lại cùng với một phái đoàn hùng hậu, hơn 40 người gồm cả Bộ Trưởng lẫn Tướng Tá, đã lên đường công du viếng thăm Hoa Kỳ. Ông Sang đã hội kiến với Tổng Thống Obama ngày 25 tháng 7 vừa qua và sau đó một bản Tuyên bố chung đã được công bố.
Trước hết về phía Hoa Kỳ thì qua một bản tin từ tòa Bạch Ốc, ngày 11 tháng 7, người ta được biết là cuộc viếng thăm của Chủ Tịch Sang nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác giữa Hoa Kỳ, Việt Nam và những nước trong Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và đồng thời thảo luận về 3 vấn đề chính: nhân quyền, thay đổi khí hậu và hiệp định về thương mại xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership, TPP) đang trong vòng thương thảo giữa Hoa Kỳ và một số 11 nước khác trong vùng. Về phía Việt Nam thì người ta có vẻ chú trọng nhiều đến những vấn đề chính trị, chiến lược hay kinh tế nên không thấy nói nhiều đến những vấn đề khác và phải đợi đến những lời tuyên bố của ông Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sau những ngày hội nghị, người ta mới được biết một cách chính thức vể chủ đích của Việt Nam trong chuyến công du của ông Sang. Ông Minh nói về nhu cầu “triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương, đa dạng của Việt Nam”; ông cho rằng hội đàm với Tổng Thống Obama là cuộc gặp gỡ “cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua để xác lập quan hệ song phương đối tác toàn diện và trao đổi một cách thẳng thắn về quyền con người”.
Nói một cách thông thường thì sau một buổi họp cấp cao giữa nguyên thủ của hai nước, Tổng Thống Obama và Chủ Tịch nước Sang, thì bản thông cáo chung sau buổi họp cũng tạm đủ để ghi nhận kết quả của buổi họp. Thực ra, trong trường hợp này, bản tuyên bố (không phải thông cáo) chung cũng khá dài, 3 trang, ghi nhận đủ các vấn đề được thảo luận như chính trị kinh tế, an ninh vùng, quy tắc ứng xử v.v… kể cả chi tiết về một số những vấn đề linh tinh khác như văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch và thể thao. Nhưng trên thực tế từ ngữ ngoại giao nhiều khi chỉ tóm tắt một cách chung chung những vấn đề được mang ra thảo luận và ít khi nói đến những điều không đồng ý. Vì vậy mà để có một nhận định tương đối chính xác hơn người ta thường phải dựa vào những gì xẩy ra xung quanh hay sau buổi họp. Về phương diện này, mặc dầu có khi chỉ là những điều nhỏ nhặt không đáng để ý nếu đem so sánh với tính cách quan trọng của một buổi họp thượng đỉnh, nhưng nhiều quan sát viên quốc tế cho rằng chính những chi tiết nhỏ nhặt đó đã giúp họ hiểu rõ thêm được về thực trạng quan hệ Mỹ Việt vào thời điểm có cuộc họp thượng đỉnh, do đó họ đưa ra nhận định về thái độ không lấy gì làm đậm đà của chính quyền Mỹ khi tiếp đón ông Chủ Tịch nước Việt Nam.
Người ta để ý chẳng hạn đến từ ngữ được dùng trong bản tin ngày 11 tháng 7 của tòa Bạch Ốc vì bản tin này chỉ nói là Tổng Thống Obama sẽ tiếp Chủ Tịch Nhà nước Cộng Sản Việt Nam Trương Tấn Sang tại tòa Bạch Ốc (nguyên văn là “The President will host President Truong Tan Sang of the Socialist Republic of Vietnam at the White House”) chứ không dùng đến từ “invitation” với nghĩa là “mời” Chủ Tịch Sang. Như vậy người ta không hiểu sáng kiến về buổi họp thượng đỉnh bắt nguồn từ phía Hoa Kỳ hay từ phía Việt Nam ? Ngoài ra, ngoại trừ những trường hợp hết sức đặc biệt, thường thường người ta được biết về những buổi họp thượng đỉnh từ năm bẩy tháng trước (dầu chỉ là những tin không chính thức), còn trong trường hợp của ông Sang thì tin về chuyến công du của ông chỉ được đưa ra có vừa đúng hai tuần trước ngày ông đặt chân lên đất Mỹ. Phải chăng theo như nhận định của Giáo sư Thayer, chuyên gia tại Viện Quốc Phòng của Úc (thường viết về Việt Nam), vì lý do nội bộ nào đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã phải “vội vã” quyết định rồi kín đáo vận động với phía Mỹ để tổ chức chuyến công du sang thủ đô Hoa Thịnh Đốn ? Và có lẽ cũng vì “vội vã” nên phía Việt Nam phải chấp nhận những thiếu xót không bình thường về phía Mỹ như: không mời quốc khách dùng bữa trưa tại tòa Bạch Ốc như thường lệ sau buổi họp (ông Sang được mời dùng bữa trưa tại Bộ Ngoại Giao một ngày trước) hay tổ chức buổi họp báo trang trọng ngoài trời với sự hiện diện đông đủ của giới truyền thông quốc tế. Hơn nữa, buổi họp chỉ được dự trù 45 phút (về sau kéo dài thêm nửa giờ) và theo như các phóng viên ngoại quốc ghi nhận thì hai vị nguyên thủ, mỗi người chỉ nói từ 8 cho đến hơn 10 phút vì một phần không nhỏ thời giờ đã phải để các thông dịch viên làm việc và để ông Obama trả lời một vài phóng viên ngay tại nơi họp. Đặc biệt hơn cả là buổi họp được phía Việt Nam coi là quan trọng lại không được các báo và các đài truyền hình của Mỹ chú ý nhiều. Ngay cả trong trường hợp của tờ Washington Post, tờ nhật báo lớn nhất của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngoại trừ một trang quảng cáo do nhà nước Việt Nam trả tiền (trên dưới vài chục ngàn Mỹ kim) người ta không được thấy một mẩu tin nhỏ nào đáng kể vể buổi họp. Nếu có tin nào đáng kể thỉ chỉ là phóng sự của đài truyền hình Việt Nam SBTN đưa ra những hình ảnh về cuộc biểu tình tại công viên Lafayette, trước mặt tòa Bạch Ốc, của hai ngàn người Việt Nam đang sống trên đất Mỹ, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, trả lại tự do cho tất cả những người tù lương tâm hiện đang bị giam giữ. Thực ra, tình trạng này cũng dễ hiểu vì hàng ngày, nước Mỹ không thiếu gì những vấn đề, đối nội cũng như đối ngoại, phải đối phó, do đó nếu chính quyền Obama và dư luận Mỹ có lạnh nhạt hay thiếu sốt sắng trong việc tiếp đón ông Sang thì điều đó cũng không phải là ngoại lệ. Vả lại, nói cho cùng thì trên thực tế trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam cần Hoa Kỳ nhiều hơn là ngược lại. Nếu cần phải đo lường kết quả chuyến công du viếng thăm nước Mỹ của ông Sang thì phản ứng của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mới là điều đáng kể.
Về phương diện này thì người ta đặc biệt được thấy ông Phạm Bình Minh, Bộ Trưởng Ngoại Giao của chế độ, trong phần trả lời báo chí, sau khi trở về Việt Nam, đã đưa ra nhận định là chuyến công du viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đã “kết thúc tốt đẹp”, là một bước quan trọng nhằm “triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương, đa dạng của Việt Nam” và đồng thời đây cũng là một “buổi họp cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua”. Về mặt chính trị, ông Minh đã đề cao một số kết quả như: hai bên đã đồng ý “xác lập quan hệ đối tác toàn diện” và đặt ra “cơ chế đối thoại thường kỳ giữa bộ trưởng ngoại giao của hai nước”. Về vấn đề Biển Đông thì Việt Nam ghi nhận ý muốn của Hoa Kỳ muốn được thấy bản Tuyên Bố về cách ứng xử giữa các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Declaration on Code of Conduct, DOC) sớm trở thành một “Quy Tắc Úng xử “ (Code of Conduct, COC). Về kinh tế thì ông nói Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có “một nền kinh tế thị trường” và đã đồng ý với Hoa Kỳ về nhu cầu phải kết thúc trước cuối năm việc hoàn tất bản hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Riêng về vấn đề nhân quyền thì ông tỏ ra thoả mãn khi nói rằng Việt Nam “sẵn sàng trao đổi trong tinh thần thẳng thắn, cởi mở, và xây dựng về các vấn đề hai bên còn có khác biệt về quan điểm”.
Trên đây là những lời tuyên bố lạc quan và tự khen của ông Minh nhưng đối với những quan sát viên quốc tế nhìn vào tổng quát những kết quả mà ông đưa ra thì một cách khách quan có rất nhiều điều cần phải nói lại. Trước hết về mặt chính trị và về “quan hệ đối tác toàn diện” mà bản thông cáo chung đã đề cập tới thì nếu không lầm từ trước đến nay Việt Nam dường như vẫn muốn tiến tới một mối “quan hệ đối tác chiến lược“ với Hoa Kỳ, phải chăng lần này Việt Nam đã thất bại, không đạt được ý muốn vì từ “chiến lược” không được một lần nhắc tới trong bản thông cáo và Việt Nam phải bằng lòng vậy với “quan hệ đối tác toàn diện” với ý nghĩa chỉ là mở đường trong tương lai cho mối quan hệ song phương. Còn về mặt kinh tế thì cũng vậy, phái đoàn Việt Nam chỉ gặt hái được kết quả là chờ đợi đến cuối năm (như trong trường hợp TPP) hay đến một ngày trong tương lai tình hình trở nên thuận tiện hơn. Nếu có một điều an ủi nhỏ nào thì chỉ có trường hợp vấn đề nhân quyền: về vấn đề này thì không hiểu trong lúc riêng tư ông Obama có mạnh miệng chỉ trích Việt Nam không, điều này không ai được rõ, nhưng theo bản tuyên bố chung thì ông chỉ nói một cách chung chung rằng “Hoa Kỳ tin tưởng rằng mọi người đều phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp”.
Nói tóm lại, nếu cần phải đánh giá kết quả của chuyến công du viếng thăm nước Mỹ của ông Chủ Tịch Nhà nước Cộng Sản Việt Nam và phái đoàn tuần vừa qua thì một cách tương đối khách quan người ta có thể nói rằng điều Việt Nam muốn đạt được như “quan hệ đối tác chiến lược” thì không đạt được hay chỉ đạt được một phần là “quan hệ đối tác toàn diện” để mở đường cho ngày mai. Phần tích cực, nếu có, thì đây là cảm tưởng trên chính trường quốc tế là Việt Nam đã nâng cấp được lên một bậc mối quan hệ với Hoa Kỳ. Còn tất cả về những lãnh vực khác thì ngoài những mỹ từ như hợp tác, hòa bình, ổn định, tất cả toàn là những lời hứa hẹn trong tương lai và chỉ có tương lai mới có câu trả lời cho những cố gắng của Việt Nam muốn sáp gần lại với Hoa Kỳ.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 30 tháng 7, 2013
Bùi Diễm*
* Tác giả là cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ. Ông cũng là học giả tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson và Viện Doanh nghiệp Mỹ, giảng viên tại trường Đại học George Mason.
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét