Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Chủ tịch Sang đá đểu Tập Cận Bình sau khi bắt tay với chính phủ Obama?


Nhật Minh (Danlambao) - Thế giới đang bất ngờ với cú bắt tay của tổng thống Obama đối với chủ tịch Sang. Sau cú bắt tay đó, quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên tầm: “Đối tác toàn diện”.Đây là lần đầu tiên quan hệ giữa cộng sản Việt Nam (csvn) và (cựu thù + thế lực thù địch + diễn tiến hoà bình) Hoa Kỳ được đặt lên một tầm cao mới. Đặc biệt hơn, tại cuộc nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS), chủ tịch Sang đã bác bỏ yêu sách đường “lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông, hòng đá đểu Tập Cận Bình (?) ngay sau cú bắt tay với Tổng thống Barack Obama. [1] 

I. Sự chuẩn bị cho cú bắt tay của chủ tịch Sang và tổng thống Barack Obama


Để có được cuộc gặp gỡ chiến lược vào ngày 26.7.2013, cả chủ tịch Trương Tấn Sang và tổng thống Brack Obama đã chuẩn bị từ trước, chúng ta cùng điểm lại những sự chuẩn bị đó:

- Quay trở về năm 2011, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation) diễn ra tại Hawaii (Mỹ). Trong kỳ hội nghị đó, chủ tịch sang đã gặp gỡ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, và có cái bắt tay xã giao với tổng thống Brack Obama. Không ai trong chúng ta biết được những gì xảy ra đằng sau cú bắt tay tại hội nghị Apec 2011.[2] Và đây là cú bắt tay đầu tiên của chủ tịch Sang với tổng thống Brack Obama. 

Cú bắt tay đầu tiên của Tổng thống Barack Obama 
với chủ tịch Sang tại hội nghị Apec 2011

- Vào sáng 21.4.2013, Hoa Kỳ cho chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon (DDG 93) và tàu cứu hộ USNS Salvor của Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và có các hoạt động trao đổi với Hải quân Việt Nam trong 5 ngày [3]. Cũng vào thời gian đó hải quân "cựu thù" thăm viếng, ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu quân sự của các đồng chí 16 vàng 4 tốt Trung Quốc bắn ngoài biển Đông.

- Ngày 28.5.2013, chỉ một tuần sau đó, Việt Nam lại thoát khỏi danh sách CPC (danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo - Countries of particular concern), khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu những chuyển biến “tích cực” về tự do tôn giáo [4]. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ rất khó nói chuyện khi tiếp một nguyên thủ một quốc gia độc tài đang nằm trong danh sách CPC để hợp tác toàn diện. Và như vậy, phải chăng chính phủ đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chiến lược với ông Trương Tấn Sang vào ngày 26.7.2013

- Bất ngờ hơn, ngày 11.7.2013, Nhà Trắng đăng bản tin chính thức lời mời chủ tịch Trương Tấn Sang gặp gỡ tổng thống Obma tại Nhà Trắng vào ngày 25.7.2013 [5], dù trước đó ngày 19.6.2013, chủ tịch Sang đã đi sứ ở Bắc Kinh và ký kết bản tuyên bố chung Việt - Trung. Và tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam rất tồi tệ.

- Ngay sau khi có lời mời chính thức của Nhà Trắng, trên kênh BBC của Anh (một đối tác quân sự của Mỹ) bất mở một loạt chương trình TV về Việt Nam trước khi chủ tịch Trương Tấn Sang có mặt Washington. Động thái này có thể được xem là để mở cánh cửa thuận lợi cho chủ tịch Sang bước vào Nhà Trắng. [6]

- Càng bất ngờ, trong cuộc gặp gỡ chủ tịch Sang, chính phủ Hoa Kỳ quyết định nâng tầm quan hệ “đối tác toàn diện” đối với nhà cầm quyền Hà Nội, thậm chí tổng thống Obama còn hứa sẽ thăm Việt Nam trước khi chấm dứt nhiệm kỳ của mình. [7]

II. Trương Tấn Sang mang theo Điếu Cày để đối thoại với chính phủ Obama?


Với hiện trạng kinh tế VN đang xuống dốc, nhà cầm quyền Hà Nội đã nhiều lần nhòm ngó tới hiệp định TTP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement). Tuy nhiên điều kiện để trở thành thành viên chính thức, VN cần phải thay đổi, đặc biệt là tình trạng nhân quyền. Nhưng với thực trạng nhân quyền tại Việt Nam bị vi phạm trầm trọng, chủ tịch Sang không thể chứng minh rằng csvn có tiến bộ trong vấn đề cải thiện nhân quyền. 

Vậy chủ tịch Sang mang theo thứ gì để chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện?

- Để chuẩn bị hành trang là blogger Điếu Cày, chủ tịch Sang đã thăng chức cho 3 thứ trưởng bộ công an [8] phải chăng với điều kiện: “bộ công an phải ép Blogger Điếu Cày nhận tội”? (Chiêu bài nhận tội thường được dùng nhưng với trường hợp đặc biệt, gần đây là trường hợp của blogger Paulus Lê Sơn, họ đã bẽ gãy bằng chứng của RFS). Bởi sau phiên sơ thẩm xét xử blogger Điếu Cày, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố về phiên tòa xét xử:

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tin Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội và kết án blogger Điếu Cày 12 năm tù giam cho việc ông bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa. Cách chính phủ xử lý Điếu Cày dường như không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử theo đúng trình tự pháp lý.

Chính phủ Việt Nam cần phải trả tự do cho Điếu Cày và các blogger Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần là những thành viên đồng hành của Điếu Cày trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Như Tổng thống Obama đã nói về Ngày Tự do Báo chí Thế giới, chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ thực hiện các bước cần thiết để tạo ra xã hội mà ở đó các nhà báo độc lập có thể hoạt động tự do và không sợ hãi.” [9]

Không có lý do nào để đối thoại với chính phủ Hoa Kỳ khi phớt lờ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và đây chính là nguyên nhân để bộ Công an và cán bộ trại 6 Thanh Chương - Nghệ An, quyết tâm ép anh Điếu Cày ký vào bản nhận tội. Tuy nhiên anh Điếu Cày nhất quyết không nhận tội và anh quyết định tuyệt thực để phản đối. Chính vì hành động của anh Điếu Cày đã buộc cán bộ trại 6, Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An từ chối gặp gỡ gia đình chị Tân. Điều này đã buộc gia đình chị Tân phải tới tận cổng Tổng cục 8 để yêu cầu giải quyết. Lúc này Bộ Công an mới chịu nhận đơn, nhưng họ vẫn giữ thái độ chây lỳ, hòng kéo dài thời gian đến lúc kết thúc chuyến đi Mỹ của chủ tịch Sang. Đây là chiêu bài mà cộng sản Việt Nam thường dùng mỗi khi có lãnh đạo đi ngoại giao (Lần này hoãn phiên tòa xét xử Ls. Lê Quốc Quân với cáo buộc trốn thuế)[10].

Tuy nhiên, chỉ với blogger Điếu Cày, chủ tịch Sang khó có thể thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ, vì vậy, chủ tịch Sang và đàn em buộc phải hứa sẽ cải thiện vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sau chuyến thăm tổng thống Obama. Và chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi nhà cầm quyền Hà Nội nới lỏng vấn đề nhân quyền cho tới lúc họ chính thức trở thành thành viên của TTP, hòng chơi tiếp trò “hứa lèo” như lần gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, vụ việc Việt Nam thoát khỏi danh sách CPC, lần này ông Sang mang theo mục sư Đinh Thiên Tứ (ảnh bên) để khẳng định VN không nằm trong danh sách CPC, một con bài của chủ tịch Sang trong chuyến viếng thăm Wasgington. [11]

III. Trương Tấn Sang đá đít Tập Cận Bình? Và tiếp tục chơi trò “bắt cá hai tay”


Như chúng ta đã biết, tất cả các lãnh đạo cộng sản đều phải qua Tàu để đi sứ, và chủ tịch Sang cũng không phải ngoại lệ. 

Ngày 19.6.2013, chủ tịch Sang lên đường đi sứ Bắc Kinh theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong chuyến viếng thăm đó, chủ tịch Sang cúi sập mặt (ảnh bên) trước toán lễ nghi của quân đội Trung Quốc. Thậm chí ông còn ký bản tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc với hơn 29 lần nhất trí [12], chủ tịch Sang chấp nhận tất cả các yêu sách của Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc. Dường như chủ tịch Sang chỉ biết gật gù cho qua chuyện mặc cho những người yêu nước lên án cái hèn của ông đi sứ ở Tàu.

Nhưng, mọi chuyện thay đổi 180 độ. Ngay sau khi nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Hoa Kỳ bằng việc nâng cấp tầm quan hệ ngoại giao, giúp cộng sản Việt Nam trong vấn đề gia nhập TTP vào cuối năm nay và sẽ sang thăm VN trong thời gian đương nhiệm, ngay lập tức chủ tịch Sang quay qua đá đít Tập Cận Bình và cộng sản Trung Quốc bằng cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS), có trụ sở tại Washington. Thông thường lãnh đạo VN không dám mở miệng trước các cơ quan quan truyền thông quốc tế về vấn đề biển Đông - điều được xem như là điều tối kỵ nhất của các lãnh đạo khi đi ngoại giao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố bác bỏ đòi hỏi chủ quyền với yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông, ông nói:

“Chúng tôi không tìm thấy bất cứ cơ sở pháp lý hay khoa học nào đối với một đòi hỏi như thế và như vậy chủ trương của Việt Nam bác bỏ đòi hỏi chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông là hợp lý”. [13]

Tuy nhiên, chủ tịch Sang vẫn là kẻ đi nước đôi, bởi khi được hỏi về vấn đề VN có kết hợp với Philippines trên vấn đề tranh chấp biển Đông không? Chủ tịch Sang liền từ chối trả lời ngay. 

Và không quên lấy lòng chỉnh phủ Hoa Kỳ bằng câu nói:

“Vấn đề Biển Đông cũng đã được bàn bạc tới một cách thấu đáo. Chúng tôi hết sức hoan nghênh chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ lập trường Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN là giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, DOC tiến đến COC và cam kết bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông. Tôi cũng bày tỏ sự hoan nghênh Hoa Kỳ cũng như các nước khác hết sức quan tâm, chăm sóc sự nghiệp hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở Biển Đông nói riêng cũng như trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương” [14]

Với thái độ nửa vời, bắt cá hai của chủ tịch Sang và CSVN: Vừa muốn tiền của Trung Quốc vừa muốn gia nhập TTP và nhận tiền từ Mỹ. Vậy nên tình hình nhân quyền tại Việt Nam sẽ khó có thể cải thiện như trường hợp của Miến Điện.

IV. Kết luận


Bất chấp mọi thủ đoạn (kể cả việc đem anh Điếu Cày làm tốt), chủ tịch Sang quyết tâm dành được cú bắt tay với chính phủ Hoa Kỳ. Điều này càng chứng tỏ sự trơ trẽn của đảng cộng sản Việt Nam. Một mặt chấp nhận mọi yêu sách của Trung Quốc, mặt khác bắt tay với chính phủ Hoa Kỳ để nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, chủ tịch Sang cũng không quên đá đểu Tập Cận Bình ngay sau cú bắt tay với tổng thống Barack Obama. 

Và tình trạng nhân quyền tại Việt Nam cũng không cải thiện được là bao, bởi chủ tịch Sang và csvn chỉ muốn kiếm chác qua chuyến thăm Nhà Trắng, chứ không phải họ có thiện chí trong vấn đề cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. 

Để kết bài, tôi xin nhắc lại câu nói của cựu tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu để chúng ta đừng trông chờ vào những người cộng sản, mà hãy tự mình giành lấy quyền tự do:

“Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm!”

Và sau chuyến đi Mỹ trở về, chủ tịch Sang và csvn sẽ làm gì đối với trường hợp anh Điếu Cày nói riêng và vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, chúng ta cùng chờ xem. Chính phủ Hoa Kỳ nên cẩn trọng với những lời hứa lèo của lãnh đạo csvn, kẻo trở thành kẻ tiếp tay cho tội ác tại VN.

Nhật Minh 

Không có nhận xét nào: