Pages

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Lơi ích TPP: Dệt may VN không có “cửa”

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Trưởng đoàn đàm phán của đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ bà Barbara Weisel  (trái) và ông Trần Quốc Khánh đại diện của Việt Nam tham dự cuộc họp báo chung tại Singapore vào ngày 13 Tháng Ba năm 2013.
Trưởng đoàn đàm phán của đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ bà Barbara Weisel (trái) và ông Trần Quốc Khánh đại diện của Việt Nam tham dự cuộc họp báo chung tại Singapore vào ngày 13 Tháng Ba năm 2013.
AFP
Một khi trở thành hiện thực, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành phần trong số 12 nước tham gia đàm phán, sẽ mở ra một thị trường rộng lớn với 40% GDP toàn cầu (tổng sản phẩm nội địa).  Tuy vậy sản phẩm dệt may Việt Nam hầu như không thể hội đủ điều kiện để hưởng lãi suất ưu đãi của khu vực mậu dịch tự do này.
Hưởng thuế 0% của TPP không dễ
TPP ở vòng đàm phán thứ 18 diễn ra trong cánh cửa khép kín ở Malaysia từ 15-25/7/2013 với 11 quốc gia đối tác  bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chi Lê, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam.
Riêng Nhật Bản đối tác thứ 12 chính thức tham gia đàm phán từ ngày 23/7. Khu mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương khi có hiệu lực sẽ cắt giảm hầu hết thuế nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên. Tuy vậy TPP dự kiến những điều kiện khắt khe về môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ lao động, xuất xứ hàng hóa và nhiều thứ ràng buộc khác để một loại hàng hóa được miễn thuế hoặc chịu thuế suất thấp.
Hàng may mặc sản xuất xuất khẩu từ Việt Nam gọi chung là Dệt may có tổng kim ngạch hơn 17 tỷ USD năm 2012, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ đến 50%, phần còn lại là các nước EU (26%), Nhật Bản (12%) Hàn Quốc (6%). Tuy nhiên Dệt may Việt Nam đa phần là gia công cho nước ngoài và phụ thuộc một tỷ lệ rất lớn vật tư nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khu mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương khi có hiệu lực sẽ cắt giảm hầu hết thuế nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên. Tuy vậy TPP dự kiến những điều kiện khắt khe về môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ lao động, xuất xứ hàng hóa và nhiều thứ ràng buộc khác để một loại hàng hóa được miễn thuế hoặc chịu thuế suất thấp
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May thêu Đan TP.HCM nhận định:
“ Theo tinh thần của Hiệp định này thì sẽ có 90% dòng thuế sẽ trở thành 0%,  tuy nhiên để hưởng được điều này thì là một vấn đề rất lớn. Cụ thể đối với ngành dệt may phía Hoa Kỳ đưa một yêu cầu phải thực hiện chính sách họ gọi là tính từ sợi “yarn forward rule of origin ”. Theo chính sách này để hưởng được cái gọi là xuất xứ nội vùng, tức là bao gồm những vật liệu mua trong nước, những vật liệu mua trong vùng. Xuất xứ nội vùng này đối với ngành dệt may là phải có sợi ở trong nội vùng.
Công nhân một xưởng may ở TP. HCM
Công nhân một xưởng may ở TP. HCM

Hay nói cách khác chúng ta phải mua sợi của các nước thành viên TPP mà cụ thể tức là mua sợi của Mỹ, vì trong các nước TPP khác thì không thấy có trồng bông hay làm sợi. Đây là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam khó mà đạt được khi TPP có hiệu lực, cả hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ chưa thống nhất được với nhau tuy nhiên cũng có tin là Hoa Kỳ có nhượng bộ đôi chút, họ có thể cho chúng ta một thời gian để thực hiện chính sách Yarn forward còn thời gian bao lâu và những loại vật liệu nào được loại trừ thì vẫn đang trong đàm phán và chưa có kết thúc cụ thể. ”
Theo sự giải thích của ông Diệp Thành Kiệt, sợi của Mỹ có giá bán cao sẽ khiến sản phẩm dệt may Việt Nam mất tính cạnh tranh. Việt Nam hiện nay không có nhiều nhà máy sợi và sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng 1% nhu cầu toàn ngành. Thông thường doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một số lượng bông vừa đủ để các nhà máy kéo sợi. Đối với phần lớn nhu cầu, Việt Nam phụ thuộc việc nhập sợi từ các nước như Trung Quốc, Pakistan, Uzebekistan, những nơi có giá thành thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ.
Mục đích của TPP là gì, là phát triển thương mại nội vùng. Do đó các nước sẽ phải ràng buộc làm sao để cho các thành viên khác mua những sản phẩm của mình...Chính vì vậy họ phải đưa ra các chính sách làm sao để sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm bông sợi của họ được tiêu thụ
ông Diệp Thành Kiệt
Dệt may Việt Nam không hội đủ điều kiện
Theo lời ông Diệp Thành Kiệt, nếu Việt Nam tham gia TPP mà riêng ngành dệt may không được hưởng lãi suất ưu đãi cho hàng xuất vào Hoa Kỳ thì thật đáng tiếc và đối với dệt may thì sẽ không có gì khác trước. Nhận định về sự kiện các nước đều phải có sự nhân nhượng lẫn nhau để TPP hiện thực, ông Diệp Thành Kiệt phát biểu:
“ Mục đích của TPP là gì, là phát triển thương mại nội vùng. Do đó các nước sẽ phải ràng buộc làm sao để cho các thành viên khác mua những sản phẩm của mình. Nếu mà đứng một cách khách quan, Hoa Kỳ là nước sản xuất ra nhiều bông sợi, mà giá thành bông sợi của họ tương đối không rẻ lắm so với các nước, vì giá nhân công họ cao các chi phí khác của họ cao.
Chính vì vậy họ phải đưa ra các chính sách làm sao để sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm bông sợi của họ được tiêu thụ. Các bên cũng phải có sự nhượng bộ thì mới xích lại gần nhau được. Hoa Kỳ đã có nhân nhượng một chút và Việt Nam thì có các giải pháp tích cực, thí dụ hiện đang điều tra xem nhưng vật tư nào không thể mua được trong nội vùng, thì đề nghị cam kết trong bao lâu sẽ tự túc được, hoặc nếu không tự túc được thì phải mua trong nội vùng, nếu không sẽ không được hưởng lãi suất bằng 0%.”
Do nguyên tắc đàm phán của TPP là không công bố kết quả nên khó biết được các bên sẽ nhân nhượng thế nào, cho đến khi mọi việc trở nên chính thức. Ông Diệp Thành Kiệt cũng nói tới một khả năng khác mang tính nhân nhượng, theo sự hiểu biết của ông:
“Các nhà đàm phán thì cũng đang cân nhắc, nếu mà Hoa Kỳ chỉ đặt vấn đề là “yarn forward” tính từ sợi mà chấp thuận bông được nhập từ nước ngoài vào kéo sợi ở trong nước, thì tôi nghĩ bài toán sẽ có thể giải quyết trong vòng từ ba đến năm năm. Còn nếu phải giải quyết kể cả bông thì tôi cho là  khó khả thi vì trồng bông thì không phải chỉ vấn đề vốn liếng, thiết bị mà còn về giống thổ nhưỡng mà trồng bông thì trước đây Việt Nam đã tổ chức trồng bông nhiều lần rồi nhưng mà thực sự không có vùng nào trồng bông thành công hết.”
Theo các chuyên gia rất nhiều khi các thỏa thuận kinh tế lại dựa trên những trao đổi chính trị, từ nhân quyền cho tới một sự mở rộng ảnh hưởng nhất định nào đó. Nếu như dệt may Việt Nam không hội đủ điều kiện để hưởng lợi từ hiệp định TPP mai hậu, thì ngành công nghiệp thu hút 1,5 triệu công nhân này phải tự bằng lòng với việc đứng vũng và có tăng trưởng trong những năm kinh tế suy giảm vừa qua. Dù trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may hơn 17 tỷ USD, phần giá trị thật mà các doanh nghiệp đem về có thể chỉ được vài tỷ USD
.

Không có nhận xét nào: