Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

"Ván bài" Biển Đông chưa thể lật ngửa

Chẳng có nhà phân tích nào đón đợi đột phá. Tuy cả Trung Quốc lẫn Mỹ đã công khai lập trường về Biển Đông khiến dư luận như có một khoảnh khắc bình yên, nếu không nhìn vào "phần chìm" của tảng băng đang đè nặng an ninh và phát triển trong khu vực.

Sáng 2/7, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đã xảy ra một sự cố bất ngờ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vắng mặt trong khai mạc họp hẹp (vì lý do kỹ thuật) và do thiếu thời gian, phiên họp toàn thể sau đó cũng bị hủy.

ARF là một nội dung quan trọng trong toàn bộ nghị trình từ 29/6 đến 2/7 tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei. Ngoại trưởng John Kerry trước đó tuyên bố: ARF sẽ đề cập tất cả những vấn đề an ninh nóng hổi như an ninh biển, an ninh mạng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như bất ổn chính trị ở Syria.

Theo kế hoạch, Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á (EAS) họp vào buổi chiều cùng ngày. Bên lề ARF và EAS, Ngoại trưởng John Kerry và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương.

"Ván bài" Biển Đông chưa thể ngã ngũ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tiếp tục "pháo hạm" và "câu giờ"

Theo nhiều nguồn tin, "ván bài" Biển Đông vẫn chưa thể ngã ngũ sau các hội nghị khu vực và quốc tế vừa qua ở Brunei (Họp cấp Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 - AMM46, Diễn đàn Khu vực lần thứ 20 - ARF20 và Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á lần thứ ba - EAS3). Điều dễ gây ảo tưởng là một số hãng thông tấn đều chạy tít lớn: "Mỹ ủng hộ, còn Trung Quốc đồng ý 'tham vấn' bộ Quy tắc COC về Biển Đông". Ngoại trưởng Thái Lan tuyên bố "đây là một diễn tiến rất quan trọng".

Nghe vậy tưởng mọi chuyện phần nào được an bài. Thật ra, "phần chìm của tảng băng" là lợi ích của mỗi quốc gia, tức là "cái gốc" gây chia rẽ và căng thẳng bao lâu nay trên Biển Đông hầu như vẫn còn nguyên vẹn mà chưa đạt được thỏa thuận căn cốt nào.

Lợi ích quốc gia (nay lại thêm hình dung từ "cốt lõi") của mỗi bên ở đây là gì? Trung Quốc vẫn chưa hề từ bỏ yêu sách vô lý và phi pháp, đòi chiếm hữu hơn 80% diện tích Biển Đông.

Mỹ tuy có trao đổi trực tiếp với Trung Quốc về an ninh hàng hải, nhưng vẫn đứng ngoài các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa các nước, vẫn thể hiện sự không chắc chắn về các cam kết, ngay đối với các "đồng minh ruột" như Nhật Bản hay Philippines.

Giới nghiên cứu gọi đây là thái độ "ỡm ờ chiến lược" (strategic ambiguity) của Mỹ, nước vẫn tự nhận là quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. "Ỡm ờ" vì quan ngại cho rằng, Mỹ khó có thể hy sinh các lợi ích kinh tế lẫn thương mại với Trung Quốc để bảo vệ các đồng minh mỗi khi có sự cố trên các biển Đông.

Đúng là Mỹ có trao đổi với Trung Quốc về an ninh hàng hải tại Hoa Đông lẫn Biển Đông. Ngày 1/7, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định: Washington giữ vững cam kết bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á và thắt chặt mối quan hệ với khu vực này.

Phát biểu trước các ngoại trưởng ASEAN, ông Kerry nhắc lại quan điểm của Washington rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật quốc tế, quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở tại Biển Đông. Ông Kerry bày tỏ sự hậu thuẫn đối với COC trong việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của COC sẽ giúp duy trì ổn định khu vực.

Về phần mình, trong tuyên bố chung sau khi họp với mười nước ASEAN ngày 30/6, Trung Quốc khẳng định đồng ý tổ chức "tham vấn chính thức" quanh đề nghị về Bộ quy tắc COC. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 9 tới.

TS. Ian Storey, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói, các tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với ASEAN về COC. Nhưng nhà nghiên cứu này không xem đây là bước tiến quan trọng, ông nói: "Trung Quốc không mặn mà gì với một bộ quy tắc hiệu quả và chính thức này, các viên chức của họ sẽ kéo dài hội họp càng lâu càng tốt". Ý kiến khác cho rằng, Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt kiểm soát lãnh hải trên biển thông qua các ưu thế hải quân.

Khi đồng ý "tham vấn" về bộ Quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý (COC), Ngoại trưởng Vương Nghị đã hứa với ASEAN: "Đây là cam kết mà Trung Quốc đưa ra với mười nước thành viên ASEAN và sẽ giữ lời hứa này". Nhưng ngay tại phiên họp nói trên, Philippines đã tố cáo Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Philippines lên tiếng cảnh báo về tình trạng Biển Đông ngày càng bị "quân sự hóa" bởi sự hiện diện đông đảo của quân đội Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp.

Các động thái trước và sau chuỗi hội nghị AMM46, ARF20 và EAS3 cũng cho thấy, Trung Quốc sẽ không thay đổi trong các chủ trương "ngoại giao pháo hạm" và "chiến thuật câu giờ" đối với tranh chấp biển đảo.

Ngày 3/7, chính Tân Hoa Xã đưa tin, TS. Katherine Tseng từ Viện Đông Á (Singapore) vừa có một bình luận đáng quan tâm: "Các nỗ lực song phương, đa phương, cũng như sự can dự của các cường quốc lớn ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông đã khiến tình hình phức tạp hơn so với cách đây một vài năm". Vì vậy, một số học giả cho rằng, dù các bên cam kết COC, song không nên quá hy vọng, một văn kiện như vậy sẽ khiến cho vấn đề ngay lập tức được giải quyết.

TS. Lee Mingjiang, chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế của đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cũng nói: "Dù có đạt được COC thì vẫn còn một câu hỏi là, nó sẽ có hiệu quả đến đâu khi nhiều nước sẽ viện vào các yếu tố kỹ thuật để không tuân thủ bộ Quy tắc".

Bi quan hay lạc quan?

Ngày 2/7, khi trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia VTV1, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh việc Trung Quốc lần này nhất trí "tham vấn chính thức" về COC và tổ chức họp SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6 và Nhóm Công tác lần thứ 9 tại Trung Quốc vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, theo ông Phạm Bình Minh, "chúng ta cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tiến hành thảo luận chính thức, để sớm có được Bộ quy tắc COC, bảo đảm hiệu quả hoà bình và an ninh ở Biển Đông".

Như vậy là có sự khác giữa "tham vấn" và "thảo luận chính thức". Các nước trong/ngoài khu vực hy vọng, kịch bản 2012 sẽ không lặp lại. Vào phút chót, viện dẫn "thời gian chưa chín muồi", Trung Quốc đình hoãn việc thảo luận về COC.

Một thông tin lạc quan khác: ngày 2/7, theo Reuters, bác bỏ một số quan ngại rằng Mỹ có thể lại sẽ "lơ là" châu Á, ngoại trưởng Kerry cho biết, sắp tới ông đang có kế hoạch đi thăm Indonesia và Việt Nam. Ông Kerry bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào chính sách "chuyển trục" sang châu Á của Tổng thống Obama.

Một quan chức Mỹ cấp cao khác (giấu tên) thừa nhận các nước châu Á đang có hoài nghi về "sự tái can dự" của Mỹ vào khu vực. Tuy nhiên, theo nhân vật này, sự quan tâm của Mỹ giờ đây đi vào thực chất, chứ không chỉ dừng lại ở mức tượng trưng. Bằng chứng là mới đây, Tổng thống Obama đã nghênh tiếp nhiều vị lãnh đạo châu Á như các thủ tướng Nhật Bản, Singapore, các tổng thống Hàn Quốc, Myanmar, quốc vương Brunei.

Và như để xua đi bầu không khí bi quan, Ngoại trưởng Kerry khẳng định: Hoa Kỳ hy vọng "nhìn thấy tiến bộ tức thì" trong các nỗ lực giữa các nước ASEAN với Trung Quốc tiến tới một bộ quy tắc hành xử mang tính ràng buộc pháp lý để giải tỏa các căng thẳng. Bác bỏ những lo lắng cho rằng công cuộc tái cân bằng chính sách ngoại giao của Washington hướng về châu Á có thể đang bị yếu đi vì cắt giảm ngân sách, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định chính sách đó không những tiếp tục, mà sẽ còn được tăng cường mạnh mẽ hơn. Ông Kerry tin rằng, một phần quan trọng của lịch sử thế kỷ 21 sẽ được viết lên tại châu Á, mà phần lớn là tại Đông Nam Á và đó là lý do vì sao Mỹ cho rằng mối quan hệ với các nước ASEAN được đặt mức ưu tiên cao nhất.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong các cuộc họp kín, nhiều nước đã ra tuyên bố chỉ trích "những hành động khiêu khích" gần đây của Bắc Triều Tiên và đòi phải thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp hạn chế của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Nhưng tại diễn đàn, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên cũng phản pháo và tuyên bố Bình Nhưỡng chỉ ngừng các chương trình vũ khí hạt nhân khi nào Washington từ bỏ lập trường "thù địch". Nhưng hôm 1/7, ngay sau khi hội đàm với các đồng nhiệm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định bốn quốc gia này đã có lập trường thống nhất trên vấn đề "phi hạt nhận hóa" Bắc Triều Tiên.

Hẳn nhiên, đừng quên "những khúc nhôi" đối với hai vấn đề an ninh thiết yếu này. Thứ nhất, chừng nào Trung Quốc chưa từ bỏ quyết tâm "gạt Mỹ ra khỏi bàn cờ khu vực" thì chừng đó mọi thoả thuận ngoại giao vẫn chỉ là văn bản. Thứ hai, chừng nào hai "kỳ phùng địch thủ" vẫn coi vấn đề "phi hạt nhân hóa" là phương tiện trong chiến lược toàn cầu của mỗi nước, thì dù là diễn đàn ba/bốn/hay sáu bên cũng chỉ là những kịch bản để hai đại cường đổ trách nhiệm cho nhau trong cuộc tranh hùng thế kỷ.

Vận mệnh các nước vừa và nhỏ, một phần chủ yếu đúng là nằm trong bàn cờ và thế cờ của quý vị. Nhưng đừng quên, một tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra đám cháy dữ dội khi các đụn cỏ khô của quý vị đang nằm cạnh các thùng xăng lớn./.

Hải Đăng

(Tuanvietnam)

Không có nhận xét nào: