Pages

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Báo cáo kinh tế của thủ tướng Việt Nam đầy mâu thuẫn

HÀ NỘI (NV) - Báo cáo của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Quốc Hội về tình hình kinh tế-xã hội chín tháng vừa qua đầy mâu thuẫn. Khác với trước đây, Quốc Hội Việt Nam đã công khai bày tỏ nghi ngại.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội chín tháng đầu năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng công bố hàng loạt số liệu để chứng minh “tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực”: Tốc độ tăng giá tiêu dùng chỉ có 2.25% - thấp nhất trong mười năm vừa qua. Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách tăng 17.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ nần của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép. Xuất cảng tiếp tục tăng trưởng...



Một phụ nữ tưới nước trên một cánh đồng trồng rau ở huyện Khoái Châu, ngoại thành Hà Nội. Ông thủ tướng đọc bản báo cáo kinh tế tài chính tại Quốc Hội ngày 20 tháng 10, 2014 khoe “chuyển biến tích cực.” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, cũng chính ông Dũng thừa nhận, “kinh tế vĩ mô và các yếu tố giúp cân đối nền kinh tế chưa vững chắc”: Tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm. Bội chi cao. Nợ nần của quốc gia tăng nhanh. Nợ xấu còn cao. Ông Dũng thú nhận: “Khó khăn thách thức rất lớn!"

Ðáp lại, trong báo cáo thẩm tra báo cáo của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, vừa công khai bày tỏ sự nghi ngại, vừa bác bỏ những “thành tích” mà thủ tướng đưa ra. Ông Giàu nói thẳng, chính phủ “chưa có giải pháp phù hợp bảo đảm tăng trưởng hợp lý,” chưa đánh giá hết các tác động nguy hại của chính sách đến sản xuất, kinh doanh của doanh giới và dân chúng.

Cũng theo khuynh hướng vừa kể, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn chỉ trích nhận định “tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực” trong báo cáo của chính phủ Việt Nam. Tờ báo này cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội “cần được chẩn đoán sát thực tế” và “giấu bệnh thì không thể điều trị được.”

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, từ 2004 đến nay, năm nào chính phủ Việt Nam cũng báo cáo “tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực,” “kinh tế tiếp tục hồi phục, quí sau tăng trưởng cao hơn quí trước.” Năm nay, theo báo cáo của chính phủ, tăng trưởng kinh tế của chín tháng đầu năm đạt 5.62%.

Tuy nhiên, theo kết quả thẩm tra của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, số doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc xin giải thể hiện chiếm hơn 20% tổng số doanh nghiệp. Trong 80% còn lại, có 39% thua lỗ, không thể nộp thuế. Nói cách khác chỉ có chừng 31% số doanh nghiệp đang hoạt động có lãi. Vậy thì chính phủ dựa vào đâu để tính toán và công bố GDP chín tháng đầu năm tăng 5.62%?

Giả dụ GDP chín tháng đầu năm tăng 5.62% nhờ khai thác thêm một triệu tấn dầu và than thì không thể xem việc đem tài nguyên đi bán là “chuyển biến tích cực.” Chưa kể, từ 2012 đến nay, chính phủ Việt Nam phải liên tục vay đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ), các khoản vay năm sau luôn cao hơn năm trước.

Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn còn lưu ý, tuy báo cáo của chính phủ cho biết, nợ nần quốc gia xấp xỉ 60% GDP, nhưng con số đó vô nghĩa vì GDP có thể “nở” ra. Nếu so sánh nợ nần quốc gia với tổng thu ngân sách thì nợ nần quốc gia hiện là 25.9% tổng thu ngân sách và sẽ là 31% trong năm tới, vượt xa mức an toàn là 25%. 

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: