Pages

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Biển Đông : Thủ tướng Việt Nam tìm kiếm hậu thuẫn của châu Âu

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (P) được nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nghênh tiếp tại Berlin ngày 15/10/2014.REUTERS/Fabrizio Bensch
    Ngoài hồ sơ kinh tế - trọng tâm vòng công du Liên Hiệp Châu Âu lần này - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những ngày qua đã không quên tìm kiếm hậu thuẫn của các đối tác Châu Âu đối với lập trường của Việt Nam trên hồ sơ tranh chấp Biển Đông. Sau Bỉ và Liên Hiệp Châu Âu, vào hôm nay, 15/10/2014, đến lượt Thủ tướng Đức chính thức lên tiếng kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.






    Theo bản tin trên báo Điện tử của chính phủ Việt Nam, nhân cuộc hội đàm tại Berlin vào hôm nay với đồng nhiệm Việt Nam, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định sự ủng hộ của Đức đối với lập trường của Việt Nam về Biển Đông. Cụ thể là : « Giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ». 
    Đối với Đức, đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt.
    Quan điểm hậu thuẫn của Đức cũng là lập trường chung của toàn Liên Hiệp Châu Âu. Theo tiết lộ của Thủ tướng Merkel, nhân Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu ASEM trong hai ngày 16-17/10 tại Milano (Ý), Đức và các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận vấn đề an ninh ở Biển Đông và quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
    Như tại Bruxelles ngày 14/10, nơi ông cũng đề cập đến hồ sơ Biển Đông với tất cả các đối tác, từ giới lãnh đạo Bỉ, cho đến Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lại lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không để tái diễn tình trạng căng thẳng, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

    Không có nhận xét nào: