Pages

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Bùi Anh Trinh – NGHỊ QUYẾT 15 TRONG THƯ TỐ CÁO CỦA BÀ BẢY VÂN

1Thư tố cáo của bà Bảy Vân, trang 6, có nói rằng nằm 1959 ông Lê Duẩn đã soạn ra Nghị quyết 15, chủ trương đánh vào Miền Nam;  nhưng sau này ông Võ Nguyên Giáp đã nhận vơ là mình đã soạn ra nghị quyết đó ( Không thấy bà Bảy nói VNG nhận vơ trong dịp nào ? ).
Vậy nghị quyết 15 là gì mà Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp đều tự nhận mình là tác giả ?
Những người tập kết ra Bắc đòi trở về Miền Nam
Năm 1956, ngày 14-5, Pháp gởi thông báo đến hai đồng chủ tịch hội nghị Geneve (Anh, Liên Xô) cho biết kể từ ngày 28-4-1956 Pháp không còn chịu trách nhiệm thi hành Hiệp định Geneve nữa và quân đội Pháp sẽ rút khỏi Miền Nam Việt Nam.

Nghe được tin này các cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc đòi trở về Nam, họ nói rằng cho họ về Nam đánh Mỹ cứu nước.  Thật ra thì họ quá ngán chế độ khắc nghiệt và tình hình kinh tế đói kém của chủ nghĩa Cọng sản, lại thêm thái độ bất thân thiện của nhân dân Miền Bắc.  Bằng mọi giá họ phải trở về Miền Nam, trở lại với đời sống vô tư giữa thiên nhiên với những cánh đồng vô tận, không bao giờ lo lắng tới cái ăn, cái đói.
*Chú giải : Trước phản ứng đòi làm loạn của hai sư đoàn bộ đội Miền Nam tập kết do Tướng Đồng Văn Cống và Tướng Tô Ký chỉ huy, các nhà lãnh đạo Hà Nội  cũng tính tới chuyện cho họ trở về Nam (hồi kết) bắt đầu kháng chiến chống Mỹ.  Dĩ nhiên là những cán binh hồi kết sẽ tự nuôi ăn bằng cách xin thân nhân của họ tiếp tế.
Còn nếu như họ chết thì chẳng trách ai được.  Được như vậy thì Hà Nội khỏi phải nuôi ăn và khỏi phải hứng chịu những trận “làm reo” của đám bộ đội Miền Nam.  Nhưng vấn đề là súng đạn ở đâu và quân trang quân dụng ở đâu?  Dĩ nhiên là đành phải trông chờ vào các đàn anh Liên Xô và Trung Quốc, nhưng hai ông này chủ trương khoan đánh cái đã, nhất là ông Krushchev đang chủ trương chung sống hòa bình với Mỹ.
Những cán bộ Cọng sản Miền Nam giả từ Cọng sản
Trong khi đó tình hình Miền Nam được ông Mai Chí Thọ , Ủy viên Bộ chính trị ĐCSVN cho biết :“Tuy nhiên trong thời kỳ từ năm 1954 cho tới 1959, Đảng đã phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Miền Bắc và trong đấu tranh cách mạng ở Miền Nam.  Sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Miền Bắc sau đó đã ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân Miền Nam đối với “Cách mạng”.
 Lúc bấy giờ nhiều người rất lo ngại cho bà con thân thuộc ở Miền Bắc cũng như cảm thấy sợ hãi nếu phải sống dưới một chế độ có đường lối, chủ trương đấu tranh giai cấp ác liệt và khắc nghiệt như thế…” (Mai Chí Thọ, Theo bước chân lịch sử, quyển 2, trang 55).
Diễn biến tình hình trên đây đã làm cách mạng Miền Nam chịu tổn thất hết sức nghiêm trọng… Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ từ 21 ngàn đảng viên, đến khi đồng khởi vào đầu năm 1960 chỉ còn không tới 800 đảng viên (3,8%), trong đó chỉ còn lại ba chi bộ của tỉnh Gia Định và một chi bộ của tỉnh Biên Hòa, số đảng viên còn lại đều sinh hoạt đơn tuyến (Theo Bước Chân Lịch Sử, quyển 2, trang 54).
Nghĩa là vào năm 1960 con số 21 ngàn đảng viên CSVN chỉ còn lại 800 người và chỉ có 4 nhóm nhỏ còn hoạt động.  Điều này chứng tỏ chế độ Miền Nam thực sự no ấm, hạnh phúc; người dân hoàn toàn hài lòng với những gì mà họ có được,  những cán bộ Cọng sản không còn lý do gì để tiếp tục đi theo Cọng sản, họ trở lại người dân bình thường của chế độ Việt Nam Cọng Hòa.
Mao Trạch Đông không cho phép Hà Nội đánh vào Miền Nam
Năm 1959, ngày 5-1,  theo hồi ký của Mai Chí Thọ : “Tháng 01/1959 Trung ương họp và đồng ý cho phép cuộc cách mạng đấu tranh ở Miền nam được sử dụng hình thức võ trang tuyên truyền và võ trang tự vệ…Cuộc họp tuy có biên bản nhưng chưa ra được văn bản nghị quyết”… “Cuối năm 1959 văn bản Nghị quyết 15 mới tới Xứ ủy Nam Bộ” ( quyển 2, trang 91 và 92).
* Chú giải :  Văn bản nghị quyết được ký chính thức là ngày 31-1-1960, sau khi bà Nguyễn Thị Định tổ chức một cuộc nổi dậy của lực lượng Cọng sản tại 3 huyện Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre vào ngày 17-1-1960 ( Almanach Những Sự Kiện Lịch Sử Việt Nam, trang 984 ).  Và sau trận Mai Chí Thọ tấn công Trung đoàn 32 của VNCH tại Tua Hai, Tây Ninh vào ngày 26-1-1960.
Các nhà nghiên cứu sử đã đánh một dấu hỏi tại sao nghị quyết 15 chỉ có biên bản nhưng không ra được văn bản?  Rồi đến khi ra văn bản lại có một văn bản dõm đưa vào Miền Nam vào cuối năm 1959 trong khi giấy tờ lưu cho thấy văn bản thật được ký vào ngày 31-1-1960? (Almanach Những Sự Kiện Lịch Sử Việt Nam, trang 112).
Thực ra không có gì khó hiểu.  Tất cả các cuộc họp của Trung ương đảng đều có người của ông Mao Trạch Đông ngồi ở đó, cho nên các văn bản nghị quyết của Trung ương đều được chuyển về Bắc Kinh.  Nhưng Bắc Kinh luôn luôn phản đối chuyện vũ trang chiến đấu tại Nam Việt Nam.  Tập tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” do Nhà nước Cọng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố năm 1979 cho thấy:
“Tháng 11 năm 1956 Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam : “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn, mà cần phải trường kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”(trang 38).
“Tháng 7 năm 1957, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có.  Phải giữ vĩ tuyến 17… Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt”(trang 37).
Nói tóm lại, ngày đó TQ và LX không muốn bỏ của đầu tư vào chiến tranh VN bởi vì chỉ có lỗ chứ hoàn toàn không có lời.  Trong khi cả hai nước LX và TQ đang khổ sở vì lo khắc phục hậu quả chiến tranh, lại thêm đang bị Thế giới Tự do bao vây kinh tế.  Rõ ràng là họ lo nuôi ăn cho dân chúng còn không đủ thì lấy đâu ra tiền bỏ vào một cuộc chiến tranh mà biết chắc là chẳng đem lại một điều gì có lợi cho họ.
Lén Mao Trạch Đông soạn ra Nghị quyết 15
Tự truyện của Đại tướng Lê Đức Anh kể lại năm 1957 ông gặp Lê Duẩn từ Miền Nam ra, ông hỏi tại sao không tổ chức võ trang chiến đấu cho Miền Nam?  Ông Duẩn đáp : “Ở trỏng, quân Mỹ ngụy bắn giết, tàn sát dân mình quá thể, sau một vài trận đầu ta thử nghiệm có hiệu quả, chừ khắp miền Nam đang rậm rịch chuẩn bị và nóng lòng chờ lệnh cho hoạt động võ trang.
“ Nhưng từ hôm ra Miền Bắc tới nay mới chỉ một vài tháng mà tôi đã thấy tình hình quốc tế, tình hình trong nước nó phức tạp quá, và càng thấy rõ một điều rằng, dù mình rất muốn nhưng không thể nôn nóng được” (Khuất Biên Hòa, Đại Tướng Lê Đức Anh, trang 57).
Lê Đức Anh giải thích thêm về “tình hình quốc tế” : “Liên Xô thì khuyên ta thi đua hòa bình, hãy bảo vệ Miền Bắc, còn ở Miền Nam thì đấu tranh bằng hòa bình, thi hành hiệp định”.  Còn Trung Quốc thì bảo ta hãy “Kiên trì mai phục, xây dựng làm cho Miền Bắc mạnh lên sẽ phát huy tác dụng với Miền Nam”.  Cả hai người bạn lớn của ta đều không muốn ta phát động đấu tranh vũ trang (trang 59).
Sau đó LĐA đi theo Văn Tiến Dũng là Tổng Tham mưu trưởng quân đội CSVN sang Trung Quốc để xin họ giúp tàu thủy chở súng đạn vào Miền Nam vũ trang cho quân kháng chiến nhưng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc là Hoàng Khắc Thành từ chối.  Ông chỉ cấp cho một số súng trường K44, bắn phát một; dành cho quân du kích chống càn (trang 60).
Không có súng đạn, không có chiến phí thì lấy gì phát động chiến tranh ở Miền Nam ?  Rõ ràng nghị quyết 15 là một văn bản dõm nhằm xúi bà Nguyễn Thị Định ở Bến Tre và các ông du kích Miền Nam hãy hăng hái làm tới luôn.  Hễ đám du kích trong Nam mà làm tới thì ngoài Bắc các ông ấm cẳng, không lo chuyện Mỹ Diệm hô hào “Bắc tiến”.
Một khi du kích Miền Nam liều chết thì Hà Nội chẳng mất gì hết, chẳng phải bỏ tiền mà cũng chẳng phải bỏ công sức.  Chỉ cần “ừ” một tiếng là xong. Và chỉ ừ suông mà thôi chứ thực ra đâu có vũ khí, đâu có tiền bạc gì đâu mà yểm trợ cho chiến tranh ở Miền Nam.
Cũng tự truyện của Đại tướng Lê Đức Anh cho biết mãi đến cuồi năm 1966 ông ta và Phạm Văn Đồng mới sang Bắc Kinh xin viện trợ súng đạn và xin tiền mua gạo của Thái Lan để nuôi quân.  Mao Trạch Đông chấp thuận, kể từ đó CSVN mới thực sự phát động chiến tranh tại Miền Nam.
Vì vậy nghị quyết 15 vào năm 1959 chỉ là một nghị quyết dõm nhằm bịp đám Cọng sản Miền Nam.  Người nào soạn ra nghị quyết đó thì chỉ là một tay bịp đời, hay ho gì đâu mà tranh nhau quyền tác giả.
BÙI ANH TRINH

Không có nhận xét nào: