Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Cựu tù chính trị Lê Văn Tính được thả trước thời hạn

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Cựu tù chính trị Lê Văn Tính (thứ 2 từ trái) tại làng Hòa Hảo, An Giang

Cựu tù chính trị Lê Văn Tính (thứ 2 từ trái) tại làng Hòa Hảo, An Giang cùng một số bạn đến thăm ông ngày ông được trả tự do.
 Courtesy fvpoc.org

Nghe Bài Này
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính, 74 tuổi, từng là một dân biểu trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa và mới được trả tự do hồi cuối tháng 9 vừa qua trước thời hạn cùng một số tù nhân lương tâm khác như ông Trần Tư, Bảo Giang- Trần Tuấn Nam, Nguyễn Long Hội, Trần Hoàng Giang.
Ông Lê Văn Tính từng bị tù hai lần. Lần thứ nhất là đi học tập sau năm 1975 thời gian 10 năm tại Trại giam ở Tân Lập, Vĩnh Phú ngoài bắc. Lần thứ hai ông bị bắt vào tháng 11 năm 96 sau khi sang Thái Lan tham gia đại hội của Đảng Nhân dân Hàng Động; bị dẫn độ về nước và ra tòa với tội danh ‘trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân’.
Gia Minh hỏi chuyện ông Lê Văn Tính về thời gian ở tù kéo dài trong những năm qua. Trước hết ông nói về việc được tự do trước thời hạn mấy năm như sau.
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Tôi tuyên bố thẳng thừng tôi không bao giờ yêu cầu giảm án hay đặc xá gì cả. Vì hai yếu tố đó là một trong bốn tiêu chuẩn của tù nhân là phải nhận tội mới được xếp loại khá giỏi và mới được giảm án. Đối với cá nhân tôi thì 18 năm mà 14 năm bị biệt giam, giam riêng rồi; chỉ có 4 năm sống chung với tập thể thôi. Tôi không nhận tội.
Nhưng nay chính sách ‘tình người, nhân đạo’ gì đó của Đảng cộng sản Việt Nam mà họ trả tự do cho tôi thì tôi cám ơn. Thế thôi.
Gia Minh: Ông có nghĩ là có sự can thiệp nào từ bên ngoài thì vừa rồi mới có đợt một số tù nhân được về trước thời hạn như thế không?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Cái đó có hai yếu tố. Thứ nhất yếu tố bên ngoài, tất cả những tiếng nói bên ngoài cũng có sự lên tiếng, can thiệp, quan tâm đến anh em tù nhân. Điều đó là thứ nhất, chúng tôi ghi nhận điều đó.
Tôi tuyên bố thẳng thừng tôi không bao giờ yêu cầu giảm án hay đặc xá gì cả. Vì hai yếu tố đó là một trong bốn tiêu chuẩn của tù nhân là phải nhận tội mới được xếp loại khá giỏi và mới được giảm án
Ông Lê Văn Tính
Điều thứ hai là theo tiến trình tự do- dân chủ bây giờ, chính phủ của đảng cộng sản Việt Nam bây giờ họ cũng đang đi trong tiến trình cởi mở. Phối hợp cả hai nên tôi được trả tự do sớm hơn.
Gia Minh: Trong thời gian ông bị biệt giam và đi qua hai nơi, gia đình ông có được thăm nuôi thường xuyên không?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Lúc đầu cũng có trở ngại vì cuộc sống của hai người con trai của tôi khi đó cũng khó khăn lắm nên hầu như không có thăm nuôi gì. Thứ đến là biện pháp ‘cấm vận’: thư từ, quà cáp không có. Sau này khi ra sống chung thì cuộc sống thoải mái hơn.
Gia Minh: Khi được ra ( sống chung), ông bị giam với những ai?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Nhiều người lắm, tôi không nhớ hết. Có số được về, có số ở lại. Tôi nhớ người của mấy đảng chính trị: Việt Nam Tự do của ông Nguyễn Hữu Chánh, Đảng Nhân dân Hành động, Đảng Vì Dân, 8406, Đảng Dân chủ Nhân dân… Số lượng người khoảng 40-50 người.
Gia Minh: Tù chính trị của các đảng phái bị giam chung như vậy, việc liên lạc- trao đổi ra sao?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Nói ngay, ban đầu xét về khuôn khổ cũng khắc khe; nghĩa là chưa có mở cửa để anh em có sự tiếp cận, giao tiếp với nhau một cách thoải mái. Sau đó anh em phản ứng nên cuối cùng họ cũng mở cửa và anh em cũng gặp nhau, cũng tiếp xúc theo kiểu thân quen nhiều ít. Cũng có thể ngồi chung với nhau cà phê, trà lá, tâm sự với nhau…
Gia Minh: Việc đối xử với tù nhân chính trị ra sao?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Nói thật ra qui định của người ta vậy rồi; nhưng sau này cũng thấy người ta có những chính sách cởi mở hơn. Những yêu cầu mình đòi hỏi về những cái thiết thân cho cuộc sống lần lượt người ta cũng thỏa mãn.
Gia Minh: Trong thời gian ông sống trong tù, có những người phải suy kiệt và ‘ra đi’ trong nhà tù không?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Giữ kín hay biệt tích thì không, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng, chết chóc cũng có một số. Gần nhất,trước khi tôi về có Đinh Đăng Định. Anh ta còn tuổi trẻ và tinh thần rất cứng rắn, là người đáng khen. Anh bị bệnh và tôi có làm đơn kiến nghị và cộng thêm nhiều yếu tố nữa nên anh được tạm hoãn thi hành án, nhưng khi ra ngoài thì anh ta chết.
Gia Minh: Sau thời gian ở trong nhà giam và nay về lại địa phương, ông thấy cuộc sống của người dân và đặc biệt là những đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo của ông không theo chi phái Nhà nước thì ra sao?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Về đây tôi cũng được sự quan tâm đặc biệt từ huyện đến tỉnh, nói về cách ứng xử họ cũng dành cho tôi ưu ái trong cách làm việc từ vấn đề nhập khẩu đến làm giấy chứng minh nhân lại, làm bảo hiểm y tế họ cũng sẵn sàng ủng hộ. Nhưng cũng còn bị ràng buộc bởi chế độ quản chế ‘đi thưa, về trình’ nên cũng thấy ngột ngạt.
Chưa đâu, cần phải làm nhiều việc nữa. So với những nước lân cận thì mình còn tụt hậu hơn so với người ta, phải phấn đấu hơn nữa và chưa phải lạc quan lắm đâu
Ông Lê Văn Tính
Gia Minh: Còn về đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Vì tôi mới về nên ‘đầu hôm, sớm mai’ cũng không nắm vững rõ ràng đâu. Tuy nhiên, người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, họ trở về tín ngưỡng tu tâm, dưỡng tánh một cách mà tôi thấy phấn khởi. Nhưng nói về mặt tổ chức của giáo hội thì còn phức tạp lắm, nên tôi chỉ ghi nhận bước đầu thế thôi. Còn nhiều phe cánh phức tạp lắm.
Gia Minh: Trước năm 1975 ông đã là một dân biểu quốc hội, nay về qua tiếp cận thông tin, ông thấy đời sống của người dân địa phương thế nào so với những năm trước đây?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Nói về mức độ phát triển trong cuộc sống thì phải ghi nhận bây giờ có đổi khác, tức có tiến một vài bậc.
Gia Minh: Với thời gian gần 40 năm, thì mức độ phát triển như vậy đã thỏa đáng chưa?
Cựu tù nhân chính trị Lê Văn Tính: Chưa đâu, cần phải làm nhiều việc nữa. So với những nước lân cận thì mình còn tụt hậu hơn so với người ta, phải phấn đấu hơn nữa và chưa phải lạc quan lắm đâu.
Gia Minh: Cám ơn ông
.

Không có nhận xét nào: