∇ Nghe Bài Này
|
Campuchia vừa lên tiếng sẽ tăng cường kiểm soát rau quả nhập khẩu của Việt Nam qua các cập cửa khẩu biên giới.
Phù hợp luật pháp quốc tế?
Một quan chức không muốn nêu tên thuộc Tổng cục thanh tra xuất nhập khẩu và chống gian lận hải quan của Campuchia (Camcontrol) cho biết Camcontrol của Campuchia đã tăng cường lực lượng thanh tra tại các vùng biên giới giáp Việt Nam để tăng cường kiểm soát hàng gian lận, hàng hết hạn sử dụng, thiếu chất lượng và thiếu vệ sinh; đặc biệt các loại hàng rau gia vị mà Liên minh Châu Âu từng phát hiện 3 lô hàng nhiễm các loại côn trùng gây hại.
Quan chức Campuchia nói rằng các biện pháp kiểm tra nghiêm khắc này phù hợp với luật pháp địa phương và quốc tế. Mọi quốc gia đều có quan ngại riêng sau khi có thông tin nước láng giếng xuất khẩu rau quả bị nhiễm một số loại côn trùng như bọ phấn trắng, ruồi đục quả…
Còn đối với Campuchia, đối tượng này là bình thường. Nó không phải đối tượng kiểm dịch thực vật ở Campuchia. Có thể họ hiểu chưa đúng thông tin thực tế như thế nào.
-Nguyễn Xuân Hồng
Quan chức của Tổng cục thanh tra xuất nhập khẩu và chống gian lận hải quan của Campuchia nói với RFA: “Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách Việt Nam tăng cường hợp tác kiểm soát các loại rau gia vị trồng trọt ở Việt Nam. Hướng dẫn người trồng trọt sử dụng phân bón hóa học phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và kỹ thuật trồng trọt. Nâng cao cảnh giác các thương lái không nên dùng chất hóa học gây độc hại đến người tiêu dùng hoặc có chứa dư lượng thuốc Bảo vệ Thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Đồng thời cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rau, quả và bao bì đóng hàng xuất khẩu đảm bảo vệ sinh khi vận chuyển qua Campuchia, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch thực vật. Khi nào phía Việt Nam thông báo đã kiểm dịch và an toàn thực phẩm trở lại thì hàng hóa Việt Nam sẽ nhập khẩu vào Campuchia trở lại như thường.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật (Bộ NN và PTNT) cho biết những côn trùng này ở Việt Nam là rất phổ biến. Cục BVTV cũng đã nhiều lần kiến nghị EU rằng các loại ruồi đục quả là côn trùng bình thường ở nước nhiệt đới và không gây độc hại.
Ông Nguyễn Xuân Hồng nói với RFA: “Không phải là EU cấm. Họ cảnh báo trong một số các lô hàng rau quả của mình đã có nhiễm một số đối tượng sâu bệnh. Ở mình thì bình thường nhưng ở EU thì họ coi đó là đối tượng kiểm dịch thực vật.
Còn mình với Campuchia là bình thường vì đó không phải là đối tượng kiểm dịch thực vật của Campuchia đâu bởi vì ở Campuchia cũng có và Việt Nam cũng có. Để hạn chế đối tượng trên, mình phải áp dụng biện pháp kiểm tra chặt. Trong quá trình sản xuất thì mình có thể áp dụng các biện pháp coi vùng không bị nhiễm đối tượng sâu bệnh đó, hoặc sản xuất trong nhà lưới để mà kiểm soát các đối tượng ấy lẫn tạp ở trong rau gia vị xuất khẩu sang EU.
Còn đối với Campuchia, đối tượng này là bình thường. Nó không phải đối tượng kiểm dịch thực vật ở Campuchia. Có thể họ hiểu chưa đúng thông tin thực tế như thế nào. Công việc này, nếu cần thiết bên cơ quan quản lý của Campuchia sẽ có các ý kiến với cơ quan quản lý kiểm dịch thực vực Việt Nam. Bởi vì các loại bên EU cảnh báo không phải là đối tượng kiểm dịch thực vật Campuchia vì Campuchia cũng có. Nếu mình nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Campuchia thì phải lo, còn đối tượng họ cũng có, mình cũng có thì không lo.”
Khó kiểm soát?
Tiến sĩ Yang Saing Komar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia cho rằng an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu của Việt Nam đang là vấn đề rất khó kiểm soát. Theo tiến sĩ, hiện hầu hết rau quả của cung cầu nội địa đã nhập khẩu của Việt Nam vì Campuchia không đủ người trồng đáp ứng thị trường.
Vẫn theo vị tiến sĩ này, mặc dù các loại vi khuẩn nói trên thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật hay không nhưng chính phủ cần tăng cường kiểm soát và kiểm tra chất lượng, không để gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Rau quả này chở từ Việt Nam. Một xe vậy chở từ 10 đến 30 tấn gồm có đu đủ, ớt cay, cà rót, quay tây, trái cây… Toàn là đồ Việt Nam lấy từ Đà Lạt. Nhưng trong mấy ngày gần đây bán không được, không biết tại sao?
-Đỗ Văn Hòa
Tiến sĩ Yang Saing Komar nói tiếp: “Để tránh việc nhập khẩu rau quả nhiễm vi khuẩn và không lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, Campuchia cần tăng cường trồng trọt và sản xuật trong nước vì nhiệt độ phù hợp và đất đai rộng rãi.
Song, chính phủ cần có chương trình đào tạo trồng trọt cấp quốc gia. Hỗ trợ nông dân trong sản xuất rau quả theo đúng kỹ thuật; tìm thị trường cho dân và ủng hộ sản phẩm địa phương.”
Gần đây, phong trào tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam của người Campuchia đã gia tăng. Nhưng dù muốn hay không, xứ chùa Tháp vẫn không thể không nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
Thực tế, tại Phsar Deum Kor ở thủ đô Phnom Penh đã cho thấy rõ điều đó, cứ bắt đầu từ 6 giờ tối tới 4 giờ sáng, xe chở rau quả từ Việt Nam nối đuôi nhau vào chợ này để cung cấp cho các đại lý và nhà hàng ở Campuchia.
Anh Đỗ Văn Hòa, một trong những chủ Đại lý bán rau quả lớn nhất tại Phsar Deum Kor chia sẻ: “Rau quả này chở từ Việt Nam. Một xe vậy chở từ 10 đến 30 tấn gồm có đu đủ, ớt cay, cà rót, quay tây, trái cây… Toàn là đồ Việt Nam lấy từ Đà Lạt. Nhưng trong mấy ngày gần đây bán không được, không biết tại sao? Chợ này là lớn nhất, phần lớn họ mua đi bán lại. Nếu không nhập khẩu rau quả của Việt Nam thì ở Campuchia thiếu tiêu thụ. Không nhập một ngày, hai ngày là hút giữ lắm, giành giật, lên giá giữ lắm. Nhờ rau quả của Việt Nam không. Nếu không có của Việt Nam thì có gì mà ăn.”
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, do lo ngại mất thị trường EU, Việt Nam phải tạm ngưng thủ tục xuất khẩu 5 loại rau gia vị gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng) và ngò gai cho đến ngày 01/02/2015. Cục yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu rau quả và bao bì đóng hàng xuất khẩu bằng gỗ cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của EU.
Đối với việc Campuchia tăng cường kiểm tra soát rau quả, ông Hồng cho biết: “Campuchia lên tiếng, các nước khác cũng thế và mình cũng thế, khi phát hiện thấy Trung Quốc hoặc ở các nước nào có thông tin như thế thì mình cũng tăng cường việc kiểm tra kiểm soát của mình. Đó là phản ứng bình thường của các cơ quan kiểm dịch của các quốc gia.”
Theo Tổng cục thanh tra xuất nhập khẩu và chống gian lận hải quan của Campuchia, nước này đã nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ 80 đến 100 tấn/ngày. Ngoài ra, rau và trái cây tiêu thụ tại Campuchia còn được nhập từ Thái Lan và Trung Quốc.
Quốc Việt tường trình từ Campuchia
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét