Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Dệt may Việt Nam dựa Ấn thoát Trung?

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg8537919-305.jpg

Một phụ nữ làm việc tại một xưởng may nhỏ ở Hà Nội vào ngày 02 tháng 5 năm 2013.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Nghe Bài Này

Dệt may Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc, vấn đề đa dạng hóa nguồn cung cấp trở nên khẩn thiết sau biến cố giàn khoan Hải Dương 981. Hiện nay Ấn Độ nổi lên như một chọn lựa mới cùng lúc Hà Nội mở rộng quan hệ với New Delhi một cách đáng chú ý.

Lựa chọn thứ hai?

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới, trị giá xuất khẩu năm 2013 khoảng 20 tỷ USD. Tuy vậy trong cùng năm các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 14 tỷ USD nguyên liệu dệt may đầu vào như vải, sợi, bông, xơ và phụ liệu. Điều quan trọng là phần lớn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may có xuất xứ Trung Quốc, đặc biệt các loại vải chiếm tỷ trọng 50%. Có thể nói ngoại trừ bông được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và một vài nước khác, về xơ sợi Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Đài Loan và Trung Quốc, một phần nhỏ từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần giảm dần tình trạng phụ thuộc nguyên liệu sản xuất dệt may từ một số quá ít thị trường cung cấp.
Sản phẩm của Ấn Độ có phần hơi kém cạnh tranh hơn, thứ nhất về giá của Ấn Độ có phần cao hơn. Thứ hai mặt hàng của Ấn Độ không phong phú bằng Trung Quốc.
-Ông Diệp Thành Kiệt
“Lâu nay hàng dệt của Việt Nam nhập chủ yếu từ Trung Quốc, kể cả có một số trường hợp Việt Nam nhập sợi,  nhập xơ từ Mỹ nhưng rồi lại đưa sang Trung Quốc để kéo sợi để dệt vải. Việt Nam vào giai đoạn này rất cần tự mình phát triển ngành dệt của mình và có thể tìm kiếm những con đường hợp tác với các đối tác khác nữa chứ không nhất thiết chỉ có Trung Quốc… ”
Báo chí Ấn Độ giật tít Việt Nam mong muốn Ấn Độ giúp đỡ để giảm lệ thuộc Trung Quốc. Tờ New Indian Express ngày 11/10/ 2014 mô tả chuyến viếng thăm Ấn Độ dự kiến vào cuối tháng 10/2014 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chú trọng thiết lập mối liên kết với Ấn Độ, cũng như với nguồn cung cấp nguyên liệu dệt may và giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Được biết Ấn Độ là nhà sản xuất dệt may lớn trên thế giới, Ấn Độ có thế mạnh về bông sợi và dệt, cung ứng cho thế giới trên 25% mặt hàng vải cotton và nguyên phụ liệu. Tuy vậy đối với thị trường Việt Nam khát nguyên liệu dệt may nhưng Ấn Độ lại mới chỉ cung cấp khoảng 3% nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam.
det-may-305
Công nhân ngành dệt may Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, ngành dệt Ấn Độ đã thâm nhập ngành dệt may Việt Nam từ khoảng 10 năm nay rồi, hàng năm họ đều tổ chức những đoàn doanh nhân Ấn Độ qua Việt Nam giới thiệu nguyên liệu dệt may nhưng sự tiêu thụ không đáng kể. Ông Diệp Thành Kiệt phát biểu:
“Sản phẩm của Ấn Độ có phần hơi kém cạnh tranh hơn, thứ nhất về giá của Ấn Độ có phần cao hơn. Thứ hai mặt hàng của Ấn Độ không phong phú bằng Trung Quốc và điểm thứ ba là nó có bất tiện trong xuất khẩu, chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm về vấn đề này. Nếu xét ở thủ tục bình thường, hàng cùng xuống cảng một lượt thì rõ ràng hàng từ Trung Quốc như Quảng Châu, Thượng Hải về Việt Nam nhanh hơn từ Ấn Độ. Ngoài ra thủ tục hải quan của Ấn Độ thì thường chậm hơn so với Trung Quốc. Đó là những nhược điểm trước đây so sánh vải Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi mà sự lệ thuộc ngành vải Việt Nam vào Trung Quốc nhiều quá thì đây là lựa chọn thứ hai. Trong thời gian vừa qua phía Ấn Độ cũng có cải tiến về chủng loại hàng.”

Cần nghiên cứu hàng hóa Ấn Độ

Trong bối cảnh như thế ông Diệp Thành Kiệt vừa với tư cách Hiệp hội vừa là chủ nhân doanh nghiệp vẫn muốn tìm cách tháo gỡ những khó khăn để đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu dệt may, đặc biệt từ Ấn Độ. Theo lời ông Kiệt, để làm được với Ấn Độ, phía doanh nghiệp cần có nghiên cứu những mặt hàng mà Ấn Độ có ưu thế. Ở Ấn Độ có những mặt hàng Trung Quốc không làm được, thí dụ mặt hàng vải len, Ấn Độ có vùng chăn nuôi cừu và dê cashmere rất lớn ở miền Bắc, họ dệt được các loại vải pha len chất lượng rất tốt và tất nhiên giá cũng rất cao. Ông Diệp Thành Kiệt nhấn mạnh:
Làm sao các doanh nghiệp Việt Nam có được thông tin về những nhà sản xuất vải ở Thái Lan, Indonesia, kể cả ở Ấn Độ để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm sự lựa chọn tốt hơn.
-Ông Diệp Thành Kiệt
“Nếu doanh nghiệp nào sản xuất từ nguyên liệu này hoặc điều chỉnh để sản xuất thì tôi nghĩ đó là lợi thế. Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhập một số mặt hàng vải mà Trung Quốc không sản xuất được. Tôi nghĩ đó là cách chúng ta tận dụng được lợi thế mà Ấn Độ có sẵn đồng thời nâng được sản phẩm lên, bởi vì Ấn Độ không cạnh tranh nổi với Trung Quốc trong những dòng sản phẩm cấp thấp như vải thường, cotton polyester, cotton tissue… Nhưng đối với những loại vải may áo veston cái đó có thể là nguồn vật tư hiếm có Trung Quốc không cạnh tranh được với Ấn Độ. Nhưng để làm được chuyện này phải có nhiều thông tin để so sánh không chỉ với Trung Quốc mà cả với những nước khác, để từ đó khai thác được thế mạnh của Ấn Độ.”
Ông Diệp Thành Kiệt trình bày một số giải pháp từng bước để ngành dệt may bớt lệ thuộc một thị trường cung cấp nguyên liệu duy nhất. Ông nói:
“Chúng tôi có trách nhiệm để làm sao các doanh nghiệp Việt Nam có được thông tin về những nhà sản xuất vải ở Thái Lan, Indonesia, kể cả ở Ấn Độ để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm sự lựa chọn tốt hơn để có thể chủ động bớt dần sự lệ thuộc vào một nguồn duy nhất là Trung Quốc. Đấy là giải pháp thứ nhất, giải pháp trong ngắn hạn. Giải pháp thứ hai trong dài hạn, hiện nay Chính phủ và Vinatex Hội dệt may Việt Nam cũng đang có những giải pháp tích cực đầu tư vào một số mặt hàng mà chúng ta thường có nhu cầu sử dụng để xuất khẩu như vải cotton hoặc phải polyester-cotton hoặc vải dệt kim.”
Theo lời ông Diệp Thành Kiệt, bên cạnh giải pháp tích cực và lâu dài như vừa nêu, Doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận trở thành một thành viên của một chuỗi sản xuất, trong đó những thương hiệu lớn là người đưa ra thiết kế. Sau đó họ chỉ định những nhà sản xuất vật tư, chỉ định những nhà sản xuất thành phẩm, may quần áo và cả ba bên này liên quan mật thiết với nhau. Thông thường đối với những sản phẩm cấp cao, vật tư được chỉ định tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trong trường hợp này thì doanh nghiệp vẫn phải làm theo kiểu cao hơn gia công một chút, nhưng doanh nghiệp dệt may sẽ không bị lệ thuộc Trung Quốc. Đó là làm những sản phẩm có chuỗi chất lượng cao hơn. Còn nếu tiếp tục sản xuất những sản phẩm cấp trung và cấp thấp thì lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và một phần từ Việt Nam. Còn nếu làm sản phẩm cao hơn thì có thể trực tiếp nhập vải từ châu Âu, Hàn Quốc hoặc Đài Loan.
Với thông tin từ phía Ấn Độ cho rằng Việt Nam muốn Ấn Độ hỗ trợ để giảm lệ thuộc nguyên liệu dệt may của Trung Quốc, ông Diệp Thành Kiệt lại có nhận xét ngược lại. Theo đó nếu Ấn Độ muốn trở thành nhà cung cấp nguyên liệu dệt may lớn cho Việt Nam chia bớt miếng bánh lớn 14 tỷ USD mà Việt Nam phải chi cho nhập khẩu nguyên liệu dệt may mỗi năm, thì phía Ấn Độ phải làm thế nào để cho sản phẩm của mình hấp dẫn hơn với doanh nghiệp Việt Nam
.

Không có nhận xét nào: