Tân tổng thống Indonesia, Joko Widodo, đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày thứ Hai 20/10.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt trong buổi lễ.
Hoa Kỳ và Indonesia có quan hệ gắn bó trong lịch sử. Những năm gần đây, Hoa Kỳ đặt hy vọng vào Jakarta như một quyền lực đang lên ở Đông Nam Á để đối phó Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông.
Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng vùng đặc quyền kinh tế của nước này, xung quanh đảo Natuna, có chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc.
Phóng viên BBC Karishma Vaswani đã ra thăm đảo Natuna và gửi về bài tường thuật:
Bình minh nhẹ nhàng hiện lên trên đảo Natuna. Một vài con tàu đánh cá đơn độc đi ra biển, trong khi một nhóm người đang tất bật sửa con tàu gỗ cũ.
Một ngày bình thường trên đảo Natuna bình yên.
Ông Boy cả đời làm nghề đánh cá – nó nằm trong máu ông rồi. Cuộc sống yên ả, ngày qua ngày. Nhưng bên dưới bề mặt quen thuộc ấy, có cơn bão âm ỉ.
“Tôi nhận ra trong vài năm qua, quân đội tăng cường có mặt ở đây,” ông kể tôi nghe khi chúng tôi ra biển trên chiếc tàu ọp ẹp của ông.
“Chúng tôi thấy nhiều lính hơn trên đảo. Tôi nghĩ họ có mặt ở đây vì đảo này nằm sát biên giới. Có thể có đe dọa từ Trung Quốc và các nước khác.”
Khi quay lại đất liền, nhìn ra Biển Nam Trung Hoa rộng lớn, thật khó hình dung làm sao nơi hẻo lánh này có thể trở thành điểm nóng nếu có xung đột.
Chưa đầy 100.000 người sống trên đảo Natuna, đa số là ngư dân và nông dân.
Cuộc sống trôi đi rất chậm nơi này, nhưng nguy hiểm chực chờ ở vùng biển ngoài khơi đảo Natuna.
Ở đó có hàng tỉ đôla nguồn cá và khí gas tự nhiên mà Indonesia tuyên bố của mình.
Gia tăng lực lượng
Quân đội Indonesia đang gia tăng lực lượng trên đảo. Họ đã điều trực thăng Apache mua của Mỹ tới và sẽ đưa thêm một tiểu đoàn đến đây năm 2015.
“Natuna là đảo xa nhất ở Indonesia,” theo lời Bambang Hendratno, sĩ quan quân đội tại Natuna.
“Chúng tôi cần thêm lực lượng tại đây. Không nên chờ cho đến khi có biến.”
“Malaysia và Trung Quốc đã va chạm vì tranh chấp chủ quyền. Trước khi chuyện tương tự xảy ra, chúng tôi cần hành động.”
Biển Nam Trung Hoa là nơi có tranh chấp – Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam đều đòi hỏi chủ quyền.
Indonesia nói nước này không có lợi ích lãnh thổ trên vùng biển này. Nhưng khi ta nhìn kỹ bản đồ, câu chuyện có khác.
Iis Gindarsah, nhà nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Jakarta, nói chuyện với tôi.
“Đảo Natuna nằm ở phía bắc của Indonesia trong vùng biển Nam Trung Hoa. Đây là khu vực có thể xảy ra xung đột vì đường 9 đoạn của Trung Quốc chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.”
Ông nói tiếp: “Nếu biên giới trên biển không được làm rõ, vẫn sẽ còn tiềm năng đẩy lên thành xung đột.”
“Đã xảy ra một số trường hợp khi Trung Quốc tìm cách đi vào lãnh hải của Việt Nam, và chuyện này cũng có thể xảy ra ở đây.”
Ngoại giao
Nhưng chính phủ Indonesia nhấn mạnh Indonesia và Trung Quốc sẽ không đụng độ trên Biển Nam Trung Hoa mà sẽ giải quyết bằng đường ngoại giao.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói với tôi: “Có thể không có ý định xâm lăng hay chiếm đất theo nghĩa cổ điển, nhưng tính toán sai thì có thể xảy ra.”
“Khi đó người ta sẽ có hành động và tái vũ trang. Ban đầu chỉ mua sắm vũ trang, rồi biến thành chạy đua vũ trang. Chúng tôi không phải đi theo kịch bản đó – chúng ta đã thịnh vượng chính vì có ổn định.”
Trở lại đảo Natuna, rõ là người dân ở đây rất mong ổn định.
Hòn đảo yên bình nhưng lại nằm ở đầu sóng ngọn gió, nơi có thể xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Indonesia.
Mặc dù hiện nay khả năng đó có vẻ xa vời, nhưng Indonesia vẫn phải thận trọng cân bằng lợi ích của nước này đồng thời phải bảo vệ biên giới của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét