Chính quyền Bắc Triều Tiên cho biết lãnh đạo Kim Jong-un vẫn ‘khỏe mạnh’.
“Chẳng có nghi ngờ gì cả,” đại sứ Bắc Triều Tiên ở Anh nói với BBC, mặc dù vị lãnh đạo tối cao đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 03/09.
Đại sứ Hyon Hak Bong cũng nói nhà truyền giáo người Mỹ Kenneth Bae vẫn đang bị giữ trong “viện cải tạo”, khác với trại lao động thông thường.
Ông Bae bị lĩnh án 15 năm lao động cải tạo vào năm 2013.
Ngài đại sứ viết trong thư điện tử trả lời BBC: “Chúng tôi có các viện cải tạo nơi người vi phạm chịu án phạt cải tạo bằng lao động do luật pháp quy định – bị giam giữ và giáo dục bằng lao động. Một số cơ quan truyền thông phương Tây cho đó là ‘trại lao động’, nhưng đó là các viện cải tạo.”
“Lấy ví dụ, nơi công dân người Mỹ Bae Jun Ho (Kenneth Bae) đang bị giam giữ là một viện cải tạo.”
Một tháng trước, dưới sự theo dõi của quan chức Bắc Hàn, ông Bae đã trả lời phỏng vấn truyền thông phương Tây ở nơi ông tả là được đối xử “nhân đạo hết sức có thể”.
Gia đình ông Bae nói mặc dù vậy, ông từng viết trong thư rằng sức khỏe của ông ngày càng xuống cấp và ông bị bệnh tiểu đường.
"Không cải thiện"
Đại sứ ở London có thể là một phần trong chuỗi các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở khắp thế giới buộc phải trả lời những chỉ trích về tình hình nhân quyền của quốc gia này.
Hồi đầu năm nay, Liên Hiệp Quốc (UN) cáo buộc Bắc Hàn tội ác chống lại nhân loại, trong đó gồm tiêu diệt có hệ thống, tra tấn, hãm hiếp, ép buộc phá thai và bỏ đói.
Đã có nhiều động thái nhằm đưa vị lãnh đạo đất nước ra trước Tòa Hình sự Quốc tế.
Đại sứ nói cáo buộc trên là sai sự thật và do Mỹ điều khiển nhằm lật đổ thể chế ở Bình Nhưỡng.
“Để tôi làm rõ nhé,” ông viết. “Chúng tôi không có tù chính trị hay các trại giam giữ chính trị.”
Tổ chức Human Rights Watch nhận xét hồi đầu năm nay: “Không có cải thiện rõ rệt về nhân quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha ông qua đời vào năm 2011. Chính quyền vẫn tiếp tục áp dụng luật toàn trị.”
Khó có thể biết được liệu lá thư dài về tình hình đất nước ông là do những lo ngại hiện hữu - chẳng hạn như chỉ trích sắp tới của UN - hay đây là dấu hiệu thay đổi chính sách thực sự.
Các nhà ngoại giao Bắc Hàn tiếp cận Liên minh châu Âu và nói họ đã chuẩn bị để bàn về nhân quyền ở Bắc Hàn.
Dù điều gì đang xảy ra ở Bình Nhưỡng đi nữa, ít có khả năng xảy ra thay đổi lớn từ phương Tây nếu Bắc Triều Tiên vẫn theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ngài đại sứ cho biết: “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi không có biện pháp thay thế mà phải củng cố thêm khả năng phòng vệ của DPRK nhằm ngăn chặn và bảo vệ hệ thống và chủ quyền.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét