Biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông ngày 11/10/2014. Bắc Kinh sợ Cách mạng Dù lan sang Trung Quốc.Reuters
Phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông trong những ngày qua đã bất ngờ được sự ủng hộ của một số người trong cộng đồng người Hoa lục đang sinh sống tại đặc khu này. Họ đã mạnh dạn thách thức cả chính quyền Bắc Kinh lẫn các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan tại Trung Quốc. Hiện tượng này không khỏi làm Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ lây lan, được gọi là hiệu ứng đôminô.
Nhìn chung, do thông tin bị kiểm duyệt và bị hệ thống tuyên truyền Nhà nước tại tác động, người dân tại Trung Quốc nhìn chung, hoặc là thờ ơ, hoặc là chế nhạo các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông, phản đối việc Bắc Kinh nuốt lời hứa cho vùng lãnh thổ này quyền tự do chọn lựa người lãnh đạo. Một vài tiếng nói ủng hộ đã lập tức bị guồng máy an ninh kiểm duyệt ngăn chặn.
Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 13/10/2014, một số người đến từ Hoa Lục đã dũng cảm xuất hiện tại các cuộc biểu tình nổ ra cách đây hai tuần, góp sức cho phong trào đòi dân chủ cả về mặt hậu cần lẫn tinh thần. Những người này đã bộc lộ công khai những gì bị cấm đoán nghiêm ngặt tại Trung Quốc : thái độ cổ vũ cho dân chủ.
Phát biểu với hãng tin Pháp, một nữ sinh viên xã hội học 21 tuổi đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, cho biết : « Tại Hoa lục, ai cũng có thể bị tống vào tù vì niềm tin của mình ».
Người nữ sinh viên xin được giấu tên này đã tỏ ý hết sức hoan hỉ : « Xuống đường biểu tình tại Hồng Kông, được hô to các khẩu hiệu dân chủ, đứng lên đấu tranh cho những gì bạn thực sự tin tưởng, đây quả là một kinh nghiệm giải tỏa ức chế tuyêt vời !».
Nữ sinh viên này tuy nhiên rất thận trọng khi tham gia biểu tình, cô không bao giờ trò chuyện bằng tiếng quan thoại, chỉ dùng tiếng Quảng Đông lơ lớ ‘giọng Đài Loan’, và luôn tập hợp với các bè bạn phương Tây trong cùng trường đại học của cô ở Hồng Kông, và nhất là che mặt để cha mẹ của cô ở Quảng Đông không bị « bất kỳ rắc rối nào ».
Theo AFP, rất khó mà xác định được xem có bao nhiêu người đến từ Hoa Lục ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông như trường hợp nữ sinh viên kể trên, nhưng bản thân sự tồn tại của những người này đã củng cố thêm kịch bản ác mộng đối với chính quyền Bắc Kinh, vốn hết sức lo sợ về một hiệu ứng đôminô, với phong trào từ Hồng Kông lan truyền vào đất liền.
Tuy vậy, theo một nữ sinh viên khác thuộc trường Đại học Hồng Kông, khả năng phong trào dân chủ mở rộng qua Đại Lục rất ít nếu căn cứ vào các phản ứng trên mạng Facebook từ nhiều sinh viên tại Trung Quốc, số công khai ủng hộ việc cảnh sát dùng hơi cay tấn công người biểu tình như sự kiện ngày 28/09 vừa qua đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Nữ sinh viên 24 tuổi này thú nhận là trang Facebook của cô đã biến thành bãi chiến trường từ khi cô bắt đầu công bố hình ảnh của các cuộc biểu tình từ nơi cô ở tại Hồng Kông.
Những phản ứng từ Hoa Lục rất dữ dội, nào là « Hồng Kông là đồ hư hỏng và vô ơn », « Hồng Kông sẽ sống nổi một ngày nếu không có Trung Quốc », nào là « Dân chủ gì ? Chúng ta đã cho các người quá nhiều tự do rồi. »
Thậm chí có người đã thể hiện nỗi giận dữ trước việc nữ sinh viên này ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông bằng việc từ bỏ theo trang Facebook của cô.
Tuy nhiên cô nữ sinh viên đến từ Hoa Lục này rất thông cảm. Sở dĩ có nhiều người từ Hoa Lục đả kích phong trào Hồng Kông, đó là vì họ chỉ được tiếp cận một cách rất hạn chế với thực tế tại Hồng Kông, do chế độ kiểm duyệt tại Trung Quốc.
Một ví dụ được nữ sinh viên này nêu lên : « Tôi gọi về cho mẹ tôi và bà ấy tò mò hỏi tôi : Tại sao người Hồng Kông lại hành xử rất tệ như vây ? Bà ấy hoàn toàn không biết gì về những gì đang xẩy ra ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét