Khi các ứng cử viên Thượng Viện, Dân Biểu gửi thư xin tiền yểm trợ tranh cử (từ 3/5/10/20…đến 100/200… dollar), bạn nghĩ sao? Bạn sẽ đóng góp bao nhiêu? Cho ứng cử viên nào? Mỗi mùa bầu cử, bạn tham dự ra sao?
Người Mỹ gốc Việt đã sống trên đất Mỹ gần 40 năm, trải qua gần 10 lần tranh cử. Chúng ta học được gì?
Đừng quên là chúng ta là những người đi tìm tự do. Nền dân chủ tại Mỹ cho phép chúng ta thể hiện sự tự do lựa chọn người đại diện điều khiển sinh hoạt của quốc gia. Vậy chúng ta tham dự như thế nào?
Những năm đầu, chúng ta thường nghĩ, cứ đến phòng phiếu,… bầu đại nhân vật nào đó cho xong. Nghĩ rằng mình là thiểu số, sự chọn lựa của mình nào có nghĩa lý gì.
Thế rồi năm 2000 đến, cuộc tranh cử Gore-Bush cho thấy chỉ một phần số phiếu nhỏ có thể quyết định ai làm Tổng Thống. Rồi biến cố 9/11, rồi chiến tranh Iraq, A Phú Hãn… rồi cuộc sụp đổ tài chánh 2008 khiến chúng ta phải nghĩ lại sự chọn lựa vị đại diện dân cử.
Cùng lúc đó, tỷ số người da trắng càng ngày càng giảm, tỷ số các sắc tộc thiểu số càng tăng. Các đảng chính trị và các chính trị gia bắt đầu chú ý vận động trong các cộng đồng thiểu số.
Chính trị Mỹ không phải chỉ nói xuông. Phải có tiền.
Hàng trăm triệu đô la quyên góp trong các cuộc tranh cử .
Thế rồi Tối Cao Pháp Viện cho phép các công ty cũng như các nhóm tài chánh (super PAC) bỏ tiền ra yểm trợ các ứng cử viên. Có người nghĩ rằng như vậy thì giới nhà giàu mua hết các ứng cử viên. Anh nào yếu tiền là chỉ có thua mà thôi. Nhưng Tối Cao Pháp Viện cho rằng chưa có dấu hiệu là đồng tiền có thể mua các ứng cử viên.
Sự thử thách này đòi hỏi ứng cử viên phải cẩn thận với vấn đề tiền bạc, xuất xứ cũng như mục đích của chủ nhân số tiền đóng góp.
Rồi cuộc bầu cử 2008 và 2012 cho thấy mạng lưới vận động hạ tầng cơ sở của đảng Dân Chủ với chiến thuật xin tiền 3 hay 5 đồng đã thắng đảng Cộng Hòa của giới nhà giàu với bạc triệu.
Tiền tranh cử đã lên tới 700 triệu đô la và không có dấu hiệu suy giảm.
Càng nhiều tiền thì tin tức, hỏa mù tung ra càng nhiều. Vậy đâu là sự thực để chọn người đại diện?
Điều này cho thấy chúng ta không thể chỉ nhắm mắt bầu đại cho xong hay nghe bạn bè, chồng con xúi là làm theo. Hay dựa theo cảm tính: đảng Cộng Hòa chống Cộng nên tôi bầu cho đảng Cộng Hòa??? Hay ứng cử viên X đã từng tham chiến tại VN nên tôi bầu cho ông này.
Chúng ta phải tìm hiểu về các nhân vật, ứng cử viên, chủ trương của cá nhân cũng như chính sách của đảng về từng vấn đề.
Chúng ta phải tìm hiểu về các chương trình của ứng cử viên.
Vậy chúng ta quan tâm về chủ đề, khuynh hướng nào?
Kinh tế, công ăn việc làm, y tế, an sinh xã hội, môi sinh, giáo dục….
Xin đừng đem vấn đề VN ra làm trò cười. Vì sau 40 năm ở Mỹ, chúng ta đã hiểu VN chỉ là vấn đề rất nhỏ trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Và để ảnh hưởng chính sách đối nội-đối ngoại của Mỹ thì chúng ta phải chơi (tham dự) từ gốc: từ trường học, quận (county), tiểu bang (states)… thì mới nói đến cấp liên bang.
Tham dự không phải chỉ nói xuông, Bạn phải bỏ tiền ủng hộ, tham dự gây quỹ, vận động cộng đồng của bạn tham dự…
Có người chê chính trị là trò chơi bẩn, không nên dính vào.
Nếu bạn không tham dự dân chủ đã mở ra cho bạn thì bạn đòi hỏi dân chủ cho VN làm gì? Không tham dự dân chủ thì đất nước rơi vào tay của một đảng hay một nhân vật độc tài thì bạn kêu ai? Chẳng lẽ lại tỵ nạn lần nữa?
Bạn đã thấy sinh hoạt dân chủ tại Mỹ có ảnh hưởng đến cả thế giới.
Khi còn ở VN, bạn đã từng than thở: Tại sao Mỹ (tổng thống, quốc hội) không làm thế này, thế kia??? Bây giờ ở Mỹ, bạn có cơ hội tham dự để thay đổi quyết định như vậy. Tại sao không chơi?
Bạn không chơi thì cộng đồng Do Thái, Trung Hoa, Nhật… vươn lên đè đầu, đè cổ chúng ta thì đừng có than.
TCL
8/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét