Pages

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Trung Quốc không phải “thế lực thù địch” thì là ai đây?

H1Như tin tức đã loan báo, từ ngày 16-18/10 Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao gồm 13 tướng lĩnh sang thăm chính thức TQ. Trả lời báo chí bên lề phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết mục đích chuyến đi là nhằm “tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước”. Giải đáp mối lo ngại của nhiều chuyên gia trước việc TQ xây dựng căn cứ quân sự và đe dọa an ninh hàng hải trong khu vực, Bộ trưởng cho rằng “đó là lo ngại của các nhà nghiên cứu”, nhưng theo ông “điều quan trọng nhất là hai bên đã thỏa thuận phải hợp tác theo tinh thần hữu nghị của lãnh đạo 2 Đảng, Nhà nước, giữ gìn môi trường ổn định, hòa bình và kiểm soát hoạt động của lực lượng vũ trang của hai nước trên biển, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển”. Khi có người hỏi phía họ có hứa gì không, ông Thanh nói “Hứa thì không hứa, nhưng nói chung là…”.

Bất cứ ai theo dõi tình hình quan hệ Việt-Trung đều cảm nhận chuyến đi nặng về hình thức hơn là thực chất. Đã nhiều lần hai đảng, nhà nước, quân đội hai nước thỏa thuận như vậy rồi, nhưng đều bị phá vỡ do tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ. Thôi thì, dù sao cũng có thể hiểu được chuyến đi theo tinh thần truyền thống mềm dẻo, khôn khéo của dân tộc Việt Nam ngàn đời nay vẫn thế. Tuy nhiên, về thực chất chuyến đi cho thấy bước thụt lùi cơ bản về thế và lực của VN trước đối phương.
Một là, trong nội dung làm việc, phía VN đưa ra một số đề nghị không quan trọng mang tính chất đơn phương theo kiểu “xin cho” như mở lại cửa khẩu du lịch, thực hiện nhân đạo với ngư dân, v.v… nhưng không phản đối việc TQ mở rộng sân bay quân sự tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đồng thời ráo riết đẩy nhanh tiến độ nhằm biến các đảo và bãi ngầm họ vừa chiếm được tại quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Trong bối cảnh này thì lời đề nghị “giữ nguyên hiện trạng” trên biển đồng nghĩa với sự khuất phục của Hà Nội đối với Bắc Kinh.
Hai là, việc người đứng đầu quân đội VN kêu gọi hai bên (VN và TQ) không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình Biển Đông… đã phát đi một thông điệp nhầm lẫn nguy hiểm. Cụm từ “thế lực thù địch” nếu nói trong nước hoặc tại một diễn đàn quốc tế ai muốn hiểu sao cũng được, nhưng với Bắc Kinh mà nói vậy thì chỉ có cách hiểu Mỹ hoặc nước a, b, c nào đó là thù địch, còn TQ không phải là thù địch. Nó cho thấy não trạng mơ hồ về địch/ta giống hệt câu chuyện truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy của ngàn năm trước. Điều nguy hiểm là, từ nay quân và dân ta không biết chĩa súng vào đâu để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thật đáng buồn thay cho dân tộc vừa mất 1/2 thế kỷ liên tục hy sinh phấn đấu vì độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà nay vẫn chưa ra khỏi vòng u mê của thời truyền thuyết. Buồn cho đất nước mãi luẩn quẩn trong vòng kim cô “ý thức hệ”. Những tưởng bài học từ vụ Giàn khoan 981 đã là bài học cuối cùng để chú gà con tránh xa cái hang ổ của con cáo già. Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là một bài học nữa trong chuỗi bài học mà Đặng Tiểu Bình muốn dạy Việt Nam mà thôi./.

1 nhận xét:

người Việt già đau khổ nói...

Anh em cùng một mẹ VN nhưng kẻ ở miền Bắc kẻ ở miền Nam theo hiệp ước đình chiến năm 1954 mà tên lãnh đạo ở miền Bắc còn nghe lệnh và xin súng đạn,bom mìn để đánh miền Nam tơi tả .Nay bọn này tin vào lời thằng TQ(thằng xúi chia đôi đất nước,thằng cho vay súng đạn lương thực)về đủ thứ thì không phải là đã thỏa thuận bán nước từ mật nghị Thành Đô còn gì ?Trớ trêu là cuộc họp lại ở làng Kim Ngưu : con trâu vàng .