Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫy tay chào đón giáo dân tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 08/10/2014.Reuters
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khởi sự vòng công du châu Âu từ hôm nay, 13/01/2014 tại Bruxelles với chuyến thăm nước Bỉ và Liên Hiệp Châu Âu. Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục vòng công du qua Đức và Ý, nơi Thủ tướng Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu tại Milano (16-17/10/2014). Một trong những sự kiện được chú ý nhất là chuyến thăm Tòa thánh Vatican ngày 18/10/2014, nơi Thủ tướng Việt Nam sẽ được Đức Giáo hoàng tiếp kiến.
Trả lời báo chí hôm 11/10/2014 trong khuôn khổ một cuộc họp báo liên quan đến Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, đang được tổ chức tại Roma, cha Federico Lombardi, Giám đốc Báo chí Tòa Thánh, xác nhận rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Tòa Thánh Vatican ngày 18/10 tới đây lúc 12g30.
Theo Cha Lombardi, cuộc tiếp xúc sẽ « giúp đào sâu những quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tòa Thánh ».
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải là người xa lạ gì với Vatican. Ông từng được người tiền nhiệm của Đức Giáo hoàng Phanxicô là Benedicto 16 tiếp kiến ngày 25/01/2007.
Theo giới quan sát, chuyến công du Vatican của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là biểu hiện mới nhất của một động lực tích cực đang thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican.
Gần đây nhất, ngày 22/03, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có một cuộc gặp riêng tại Tòa thánh với Chủ tịch Quuốc hội Việt Nam, Nguyễn Sinh Hùng, trên nguyên tắc là nhân vật số 4 trong chính quyền Việt Nam, và một phái đoàn gồm mười bốn người.
Chuyến thăm Vatican của ông Nguyễn Sinh Hùng cũng nối tiếp theo một chuyến thăm trước đó một tháng của một phái đoàn chính phủ Việt Nam do ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu, đến Vatican dự lễ phong tước cho 19 Hồng y, trong đó có Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa thánh, người theo dõi hồ sơ Việt Nam từ cả chục năm nay.
Nhận định về xu thế cải thiện quan hệ rõ nét giữa Hà Nội và Vatican, ông Regis Anouil, Tổng biên tập tạp chí Eglises d’Asie của Hội Thừa sai Paris, đã nêu bật một ví dụ điển hình : Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli tại Singapore, sau một thời gian đầu gặp trở ngại trong việc đi thăm các giáo phận tại Việt Nam, hiện gần như được hoàn tự do đi lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét