Việc Trung Quốc ngang nhiên vẽ lại biên giới hàng hải khiến láng giềng và cả Mỹ lo ngại, vì nguy cơ xung đột thậm chí là chiến tranh. Nhưng liệu sự gây hấn ấy là để phản ánh một nước đang tăng cường sức mạnh hay một quốc gia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng pháp lý?
Tại bến cảng yên tĩnh ở bờ biển của Palawan, hòn đảo phía tây Philippines, tàu bè đông đúc người qua lại, người bán dạo bận rộn vận chuyển các sản phẩm tươi sống tới chợ. Mỗi chủ nhật, nhà thờ đông nghịt người. Các biển hiệu trên những cửa hàng nhỏ hoặc nhà hàng viết bằng nhiều thứ tiếng như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc hay tiếng Tagalog (Philippines).
Hòn đảo này nằm trong vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới, trải dài từ mũi nam của bán đảo Triều Tiên đến quần đảo Indonesia. Vùng biển ấy luôn là lộ trình mở cho giao lưu văn hóa, thương mại. Và giờ đây, cách bờ biển Palawan không xa có một khu vực ngày càng trở nên nguy hiểm và khó lường. Mọi thứ xuất phát từ việc Trung Quốc đẩy mạnh "tái tạo' các biên giới hàng hải của khu vực.
Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đã bắt đầu khẳng định yêu sách chủ quyền với hơn 80% Biển Đông, vùng biển mà họ coi thuộc về quyền sở hữu của mình qua cái gọi là "bản đồ đường chín đoạn". Bản đồ này là "dấu tích" của kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa đầu thế kỷ 20 tại Trung Quốc. Nó không có sự công nhận của quốc tế và bị lãng quên cho tới khi Trung Quốc gần đây hồi sinh nó. Đường chín đoạn giờ đây hiện diện trong mọi bản đồ Trung Quốc. Thậm chí, kể từ năm 2012, nó còn được đưa vào hộ chiếu mới cấp cho công dân Trung Quốc.
Còn đường gọi là đường lưỡi bò (theo cách 'khoanh vùng' từ bờ biển phía nam Trung Quốc với toàn bộ khu vực chiếm gần 40% giao thương thế giới và gồm những lộ tình nhập khẩu dầu quan trọng của Trung Quốc thông qua eo biển Malacca). Một nhà quan sát từ thế kỷ 16 đã nói rằng "Bất kể ai là chúa tể của Malacca người đó để tay lên cổ họng Venice" - để diễn giải về tầm quan trọng trong hàng hải của khu vực này.
Một đội tàu hải quân TQ tập trận tác chiến ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil |
Cư dân ở những tiền đồn như Palawan ở rìa phía đông của "9 đoạn" cảm thấy bị bao vây. Ngư dân vào vùng biển mà tổ tiên họ bao thế hệ trước được tự do đi lại nay tự cảm thấy rủi ro và nguy hiểm trong một cuộc tranh chấp. Dân địa phương sợ hãi vì có rất nhiều tàu thuyền Trung Quốc và các tàu quân sự. Edwin Seracarpio là chủ thuyền 52 tuổi nói: "Người Trung Quốc nói nó thuộc về sở hữu của họ".
Chiến dịch bành trướng
Nếu Trung Quốc có thể áp đặt ý chí của họ ở Biển Đông với các bên cạnh tranh khác trong tuyên bố chủ quyền đều là những nước châu Á nhỏ và yếu hơn, thì họ sẽ có được sự đảm bảo an ninh lớn hơn cho lội trình cung cấp dầu thô và các loại hàng hóa khác. Họ có quyền tiếp cận độc quyền với các ngư trường phong phú và trữ lượng dầu lớn, có 'tầng đệm' tốt hơn để chống lại cái mà Trung Quốc gọi là sự xâm nhập của hải quân Trung Quốc, và thứ vị thế họ tìm kiếm bấy lâu nay là bá chủ Thái Bình Dương.
Có thể cho rằng, họ sẽ đạt được sự bành trướng lãnh thổ lớn nhất hơn bất kỳ quốc gia nào kể từ khi Nhật Bản chiếm giữ những vùng đất châu Á rộng lớn vào nửa đầu thế kỷ 20.
Sự bành trướng của Trung Quốc đã được dự đoán từ lâu. Theo rất nhiều nhà quan sát, một cuộc chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc đang trỗi dậy tìm cách gạt bỏ ảnh hưởng quân sự Mỹ khỏi tây Thái Bình Dương là không thể tránh khỏi. Cuộc xung đột như thế tất nhiên sẽ gây nguy hiểm dù xảy ra ở bất kỳ lúc nào vì Mỹ chắc chắn sẽ nỗ lực đáp trả. Nhưng ngạc nhiên và đáng lo lắng ở chỗ, dường như khả năng cuộc xung đột ấy đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết trong hai năm qua.
Đột ngột và mạnh mẽ, Trung Quốc bắt đầu khuếch trương các lợi ích quân sự của mình ra khắp khu vực khiến láng giềng và Mỹ phải cảnh giác và thận trọng.
Kể từ giữa 2013, Trung Quốc dường như không phân biệt chọn lựa, áp dụng mọi cách để thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở vành đai phía đông. Tháng 7, một nhóm tàu chiến Trung Quốc từ cảng phía nam lần đầu tiên đã 'chu du' quanh Nhật Bản. Bắc Kinh có lẽ muốn gửi đi hai thông điệp: rằng họ sẵn sàng đứng lên đấu với đối thủ 'truyền kiếp lịch sử' và rằng Trung Quốc không còn kiềm chế ở những gì họ gọi là Chuỗi đảo đầu tiên đang cản trở sự tiếp cận dễ dàng của hải quân với vùng biển mở Thái Bình Dương.
Ngay trước lễ Tạ ơn năm ngoái, Bắc Kinh ra thông báo bất ngờ về "vùng nhận diện phòng không", đòi kiểm soát không phận phía trên vùng biển nằm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, không chỉ bao gồm các khu vực mà Nhật tuyên bố chủ quyền mà còn gồm cả vùng thuộc chủ quyền Hàn Quốc. Lầu Năm Góc đã điều đóng máy bay giám sát qua khu vực này thường xuyên để khẳng định không để ý tới hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ cũng khuyến cáo các hãng hàng không thương mại chú ý đến quy định mới của Trung Quốc.
Không 'tha' cả đối tác
Chỉ ít ngày sau khi vùng nhận diện phòng không được công bố, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh lần đầu tiên đã ra biển với đầy đủ nhóm tàu tác chiến hộ tống. Hành động này đã tái hiện lại nền ngoại giao pháo hạm mà các nước phương Tây tiến hành ở thế kỷ trước. Đầu tháng 12, một tàu hộ tống Liêu Ninh đã có sự đối đầu nguy hiểm với tàu tuần dương Mỹ Cowpens. Tàu Mỹ có nhiệm vụ dõi theo hoạt động của Liêu Ninh ở vùng biển quốc tế thì tàu Trung Quốc đột ngột xuất hiện ngay phía trước, buộc Cowpens chuyển hướng để tránh một vụ va chạm. Báo chí Trung Quốc cho rằng, Cowpens đã vi phạm "lớp bảo vệ nội tuyến". Sau vụ việc này, Hải quân Mỹ tuyên bố việc né tránh tàu không nên được xem là tiền lệ. "Quân đội Mỹ, lực lượng của tôi ở Thái Bình Dương sẽ hoạt động tự do ở vùng biển quốc tế", Đô đốc Samuel J. Locklear, đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định "Chúng tôi hoạt động ở đây... và đó là thông điệp cho mọi quân đội đang hoạt động trong khu vực".
Tháng 1/2014, một nhóm tàu khác của hải quân Trung Quốc đã tới tận James Shoal, nơi Malaysia tuyên bố chủ quyền. Và trong buổi lễ trên boong tàu, các thủy thủ đã khẳng định "quyết tâm bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc".
Tháng 2, ba tàu chiến Trung Quốc thực hiện tuần tra ở Ấn Độ Dương, lần đầu tiên đi qua Eo Sunda nằm giữa Java và Sumatra của Indonesia và cuối cùng là tới cả Đảo Christmas thuộc lãnh thổ Australia mà không hề có thông báo trước. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia đã không hài lòng với thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Úc cho phép Mỹ điều động luân phiên lực lượng lính thủy đánh bộ tới một căn cứ ở phía bắc Úc.
Thẩm Đinh Lực - nhà phân tích an ninh nổi tiếng Trung Quốc giải thích việc tuần tra này trên tờ Sydney Morning Herald: “Mỹ có lợi ích trong sự can thiệp Trung Quốc thống nhất Đài Loan, và việc họ liên minh quân sự trong khu vực là để phục vụ mục tiêu này. Australia nằm trên bàn cờ chiến lược của Mỹ cho mục đích ấy. Australia sẽ không trông mong đi theo Mỹ để đe dọa Trung Quốc mà không tự gây tổn thương".
Những tháng sau đó, Trung Quốc đã tăng tốc hơn với các hành động khiêu khích. Đầu tháng năm, với gần trăm tàu hộ trống và gồm cả tàu hải quân, Trung Quốc đã kéo giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỉ USD ra khu vực cách bờ biển VN chỉ 120 hải lý để sẵn sàng hoạt động. Trung Quốc tuyên bố giàn khoan này được triển khai ở lãnh hải của họ cho dù nó rất gần bờ biển VN và nằm trong phạm vi 200 hải lý của VN, khu vực được luật quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế với các nước ven biển.
Trung Quốc cũng đang sử dụng các chiến thuật ít gây hấn quân sự hơn nhưng lại không kém phần trắng trợn để khẳng định sự kiểm soát ở Thái Bình Dương. Đó là làm đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa. Họ hy vọng sử dụng sự hiện diện của mình trên các đảo này để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền với vùng nước lân cận.
Một khi Trung Quốc làm theo cách của mình trong giai đoạn đầu sẽ chủ yếu diễn ra ở Biển Đông với các láng giềng nhỏ hơn ở Đông Nam Á thì cuối cùng, cuộc 'chinh chiến' sẽ mở rộng hơn sang cả với Nhật Bản và vùng phụ cận.
Và kỳ tiếp theo sẽ là những nhìn nhận của các nhà ngoại giao, quân sự ở các nước láng giềng Trung Quốc trước các vụ xâm nhập của Trung Quốc cũng như đánh giá khả năng đáp trả của Mỹ.
Còn nữa
Minh Tâm(Theo theatlantic)
(Tuần Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét