Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2010-12-13
Đại lộ Thăng Long, con đường hiện đại nhất và dài nhất Việt Nam cuối cùng cũng đã chính thức được phát lệnh thông xe vào đầu tháng 10/2010.
Photo of chinhphu.vn
Lễ thông xe Đại lộ Thăng Long hôm 3/10/2010.
Song phía sau những lời ca tụng hào nhoáng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, cũng giống như bao công trình để “chào mừng”, để “kỷ niệm” thì đại lộ này cũng không phải là một ngoại lệ với những tai tiếng vốn có trong ngành xây dựng Việt Nam.
Do lỗi thiết kế ...
Những bất cấp tồn tại ở con đường chào mừng Đại lễ không chỉ xuất hiện ở đường dành riêng cho người đi bộ và hệ thống thoát nước với hàng loạt sai phạm trên hành lang an toàn giao thông hay những ngổn ngang của xây dựng đang dang dở trên nhiều tuyến cao tốc chưa hoàn thiện, mà còn nổi cộm lên với vấn đề chi phí xây dựng “đại lộ Thăng Long đội giá nghìn tỉ đồng”
Ngay từ khi còn trên bản vẽ, những sai phạm kỹ thuật trong khâu quy hoạch, thiết kế đã là lời cảnh báo dẫn tới những chậm trễ và lơ là trong khâu thi công sau này. Với một bản thiết kế con đuờng thiên niên kỷ lên đến nhiều ngàn tỉ đồng ngân sách, mà người thiết kế lại chỉ chú tâm đến quy hoạch chiều ngang mà không thiết kế đến chiều đứng, Dưới góc nhìn của một nhà kiến trúc cảnh quan, KTS Trần Thanh Vân nhận xét:
"Đã quy hoạch, thì có quy hoạch chiều ngang và quy hoạch theo chiều đứng, riêng quy hoạch đại lộ Thăng long họ chỉ làm được một việc là quy hoạch theo nằm ngang, người ta chưa quan tâm đến chiều đứng. Nên từ ngày làm đường đến nay, qua trận lụt 2008, chứng tỏ người ta không nghĩ đến chiều đứng, nên đường bị ngập.
Và khi đường bị ngập thì xảy ra rất nhiều chuyện liên quan đến nền móng, đến hạ tầng ở xung quanh, các mối giao thông, các mối nối đường ngang, đường chéo, nên việc xảy ra hôm nay tôi cho là tất yếu. Tôi không phải là dân kỹ thuật, tôi không thể biết những con số cụ thể, nhưng chỉ cần liếc qua là chúng tôi thấy ngay rằng khâu thiết kế rất có lỗi. Đó là những cái thiết kế rất dốt, đầu tiên phải nói thẳng như thế."
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cho rằng những lỗi kỹ thuật nảy sinh từ bản thiết kế sai cộng với những thực tiễn trong khi sử dụng đã tạo nên nhiều bất cập hơn, bà nói:
"Đầu tiên là do chỉ đạo về thiết kế, thiết kế không chu đáo. Đã là quy hoạch thì phải quy hoạch theo cả chiều đứng lẫn chiều ngang. Nối từ điểm A đến điểm B, chỗ nào là thấp, cao, trũng, sông, suối thì phải nghiên cứu hết. Con đường hiện nay kém chất lượng là ở chỗ đó. Vạch một con đường, nhưng người ta không nghĩ đến mưa thế nào, lụt thế nào, cho nên người ta cho rất nhiều các xí nghiệp, nhà máy bám hai bên đường.
Hôm nay các công ty xí nghiệp, nhà máy đó lại nằm ở dưới gầm các đường, để tránh đường khỏi ngập thì đường cứ nâng lên. Các công trình nằm dưới mặt đường rất sâu, đường không có cầu vượt, cầu chui không giải quyết được."
Cũng chính vì những sai phạm như thế mà giờ đây, ở nhiều đoạn đường trên đại lộ Thăng Long vừa mới được đưa vào sử dụng ít ngày đã bị sụt lún, rạn nứt hay những thiết kế rất bất hợp lý đã khiến cho người dân phải bê xe qua dải phân cách khi không có ngã rẽ hoặc “nhìn thấy cây xăng phía bên kia đường nhưng phải đi thêm đến 10 cây số rồi lộn lại mới đổ được xăng” là lời chia sẻ của KTS Vân.
... lẫn thi công!
Người dân lưu thông ở Hà Nội dịp lễ hội 1000 năm Thăng Long. AFP photo Thiết kế công trình là như thế, thế còn thi công thì ra sao, KTS Trần Thanh Vân nhận xét:
"Thi công là bước thứ hai. Nếu thi công tốt, thì người ta đã biết dừng lại để yêu cầu thiết kế bổ sung, khắc phục, nhưng người ta cũng thi công lấy được, để thanh toán, để làm theo tiến độ nên mới xảy ra những hậu quả như vậy. Thi công, tôi dùng chữ là “điêu” ví dụ 140 mét bây giờ chỉ 134 mét, chứng tỏ ăn bớt ăn xén. Chuyện ăn bớt ăn xén đó có rất nhiều lý do, thứ nhất là ngại chuyện đền bù, thứ hai là cũng không lường trước được chuyện đền bù là nó đẻ ra rất nhiều phát sinh."
Tuy bớt xén khổ rộng của con đường không đúng thiết kế ban đầu để rút ngắn được thời gian hoàn thành dự án, thế nhưng trên thực tế dự án lại còn chậm hơn rất nhiều so với tiến độ trong quyết định đầu tư, và hợp đồng ký kết lần đầu là bốn năm, được khởi công vào tháng 5/2005 và dự kiến sau 30 tháng sẽ hoàn thành, còn lần thứ hai khoảng gần một năm, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 12/2010.
Rõ ràng là thiếu sót này nối tiếp sai phạm kia, người thiết kế đã bắt đầu một bản vẽ sai, còn nhà thi công thì chậm trễ. Song những sai phạm đó dường như vẫn còn chưa đủ, mà vấn đề lựa chọn nhà thầu xây dựng cũng lại là một dịp để dư luận một lần nữa phải lật lại câu hỏi những dự án xây dựng tiền tỉ của Việt Nam sử dụng Ngân sách Nhà nước có mức tiêu cực đến thế nào? Chính vì vậy mà KTS Trần Thanh Vân phải lên tiếng:
"Thầu chính lại là POSCO E&C mà POSCO E&C là ai, đó lại là một công ty con của tập đoàn thép POSCO Hàn Quốc, nghĩa là họ chỉ mang cái nghĩa là họ giầu có, đấu thầu đâu cũng trúng thôi, nhưng họ lại không có chuyên môn. Họ chỉ là nhánh của tập đoàn thép, họ có thể thuê vài người có tên tuổi, họ có thể kể ra những công trình họ đã dính vào nhưng họ không phải là người giải quyết tốt."
Cả một hệ thống từ bản thiết kế, đến việc lựa chọn nhà thầu và thi công xây dựng đều có vấn đề. Vậy thì chuyện “đội giá tiền tỷ” cũng không phải là vấn đề khó để tìm được câu trả lời.
Căn bệnh khó chữa
Giao thông trên đại lộ Thăng Long. Photo courtesy of kienviet.net
Tuy thế, những người trong cuộc vẫn tìm ra những lý do cho việc “đội giá tiền tỷ” như trượt giá khi thi công so với dự toán, hay chuyện quỹ đất giao cho nhà đầu tư, mà ở đây là công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khai thác tạo vốn xây dựng hạ tầng chưa đúng nguyên tắc, hay chuyện nhà đầu tư chưa đủ khả năng tài chính nên dẫn đến việc thi công bị chậm hơn so với kế hoạch dự án, giải phóng mặt bằng phức tạp vân vân và vân vân. Cuối cùng để có một phác thảo sơ bộ về những công trình xây dựng tại Việt Nam, KTS Trần Thanh Vân đúc kết
"Có những lĩnh vực mà trong nghề không nói chúng tôi cũng hiểu, người ta dùng đấu thầu, thật ra chỉ là hình thức, thực chất, người ta sắp xếp với nhau, có thoả thuận ngầm với nhau, đấu thầu không đảm bảo chất lượng là chuyện bình thường. Khi đấu thầu là số 1 và khi quyết toán là số 10, người ta có rất nhiều cách để tính phát sinh là hợp lý.
Đây là một cái bệnh nặng suốt cả quá trình từ trên xuống dưới. Khi chi ra thì bao giờ người ta cũng chi ít đi, nhưng thực tế lại chi nhiều lên, cho nên là các hạng mục khi đề xuất là 10 hạng mục nhưng cắt dần chỉ 5 hạng mục. Kém chất lượng, xuống cấp chỉ ở chỗ là sự cắt xén đó và sự cắt xén đó không có nguyên tắc nào cả."
Những “căn bệnh” trong các dự án xây dựng tiền tỉ đã được “bắt mạch” KTS Vân mô tả:
"Những người có quyền quyết định là những người không có nghề, không có kinh nghiệm làm việc mà chỉ khoán làm sẵn thôi, cho nên nó mới nảy sinh ra như thế. Cứ coi như có chức là có thể làm rất nhiều điều, mà không có một chút kiến thức chuyên môn nào cả.
Người ta coi thành tích, ngày nọ tháng kia mà không coi chất lượng công trình là quan trọng. Nó thành một hệ thống rồi, bây giờ sửa rất là khó vì sửa việc này xong, mai nó lại đẻ ra việc khác. Quả thật đó là đầu đề 1000 tỷ chứ nếu như 500 tỷ nữa chưa chắc đã chữa được."
Dư luận cho rằng quy cho đến cùng chính là vấn đề ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của ngân sách Nhà nước? Xét về bản chất, thì số tiền “đội giá” đó chính là tiền đóng thuế của người dân, không thể vì chuyện nhà thầu chậm trễ mà Chính phủ phải “bù lỗ” được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét