Pages

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Vương Hàn Lĩnh lại tiếp tục điêu ngoa

Đinh Kim Phúc


Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) bằng tiếng Anh xuất bản tại Hongkong trích nguồn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay đã có bốn vòng đàm phán giữa quan chức hai bên và vòng thứ năm sẽ diễn ra trong tháng 12 năm 2010.

Tin cho hay Trung Quốc kiên quyết không bàn về quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm hoàn toàn của Việt Nam từ năm 1974. “Trung Quốc luôn nói rõ là quần đảo này thuộc về Trung Quốc và không có gì để thương lượng cả”.

Vương Hàn Lĩnh, Phó Viện trưởng Viện Luật pháp quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói tranh chấp về Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, đã “hoàn toàn được giải quyết” vì Trung Quốc quản lý quần đảo này. “Trung Quốc sẽ chỉ thương lượng về tranh chấp liên quan Nam Sa (Trường Sa) mà thôi”. Vương nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích việc cùng phát triển tại các vùng đặc quyền kinh tế tuy không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền”.

Thế là một lần nữa, phát ngôn của Vương Hàn Lĩnh đã cho thấy tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không bao giờ thay đổi.

Nhìn dưới góc độ luật quốc tế, việc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và hành vi cưỡng chế, hành động của Trung Quốc chính là loại trọng tội đã được gọi tên là xâm lăng (aggression), theo định nghĩa từ giữa thập niên 1970 của Liên Hiệp Quốc.

Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Quốc tế Công pháp đã cấm mỗi quốc gia thành viên không được xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác. Khi có những sự vi phạm luật quốc tế, hòa bình và an ninh thế giới, chỉ Hội đồng Bảo An mới có thẩm quyền thẩm định và đưa ra các biện pháp chế tài. Các quốc gia không được tự ý hành động ngoài những điều luật quốc tế cho phép.

Điều 2 (4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc quy định:

“Tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc hay dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hiệp Quốc.”

Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về việc trao trả nền độc lập cho các nước và các đân tộc thuộc địa đã viết: “Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hòa bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”.

Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hiệp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”. “Mọi hành động thủ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.

Điều này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tái xác định trong Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24.10.1970 khi đưa ra “Tuyên ngôn các nguyên tắc quốc tế về sự liên đới và hợp tác anh em giữa các quốc gia theo tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Nguyên tắc đó như sau:

“Không một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất cứ lý do gì, vào các việc quốc nội hay quốc ngoại của bất cứ quốc gia nào khác. Do đó, sự can thiệp bằng vũ khí hay tất cả những hình thức can thiệp khác, hay những âm mưu đe dọa chống lại nhân vật của quốc gia hay chống lại các yếu tố về chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó, là vi phạm luật quốc tế.”

Nghị quyết số 3314-XXXIX (Resolution 3314 - XXIX) ngày 14.12.1974 đã định nghĩa tội xâm lăng như sau:

“Xâm lăng là việc một quốc gia dùng quân lực chống lại chủ quyến, sự toàn vẹn lãnh thổ, hay sự độc lập chính trị của một quốc gia khác, hay bằng bất cứ cách nào khác không phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, như được nêu ra trong định nghĩa này”.

Chương VII của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc dành cho Hội đồng Bảo an quyền áp dụng các biện pháp chề tài đối với các quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, phương hại đến hòa bình và an ninh của thế giới.

Điều 39: “Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Điều 41: “Hội đồng Bảo an có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện các nghị quyết của Hội đồng, và có thể yêu cầu các thành viên Liên Hiệp Quốc áp dụng những biện pháp ấy. Các biện pháp này có thể là cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện thông tin khác, kể cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao”.

Điều 42: “Nếu Hội đồng Bảo an nhận thấy những biện pháp nói ở Điều 41 là không thích hợp, hoặc tỏ ra không thích hợp, hoặc đã mất hiệu lực, thì Hội đồng Bảo an có thẩm quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân mà Hội đồng xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa, và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng của hải, lục, không quân của thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện”.

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với mỗi dân tộc. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia lại là hai yếu tố gắn bó với nhau như hình với bóng do đó pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia.

Để có được giang sơn gấm vóc ngày nay, dân tộc ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và trí tuệ trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Chính vì vậy, khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến biên giới và lãnh thổ chúng ta phải biết kết hợp các hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp đối với từng vụ việc phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Cần được nhắc lại rằng, ngày 1/4/2010, đến thăm trung đoàn HQ 953 đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ và tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh Hải quân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn muốn cùng các nước láng giềng giải quyết các vấn đề biên giới, nhất là biên giới trên biển, bằng con đường thương lượng hòa bình.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.

Chính phủ Trung Quốc phải hiểu điều này!

Đ. K. P.

Không có nhận xét nào: