Pages

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam tương lai: không phải tư nhân, chẳng phải nhà nước *

Ở Việt Nam hiện nay người ta vẫn còn đang tranh luận doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân là chủ đạo của nền kinh tế, tôi thì lại tin trong tương lai doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) sẽ là chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Bởi đó là xu thế chung.

Theo một tài liệu nghiên cứu nghiêm túc của Ernst & Young (EY) năm 2014 phân tích về loại hình DNGĐ trên thế giới, các thống kê cho thấy:

Tại châu Âu có tới 85% doanh nghiệp là DNGĐ. Khu vực này tạo ra 70% GDP cho toàn châu Âu và chiếm tới 60% nguồn nhân lực với con số lên đến 144 triệu nhân viên.

Tại Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada thì có tới 90% doanh nghiệp là DNGĐ với lực lượng nhân viên hơn 97 triệu người chiếm 57% lực lượng lao động toàn Bắc Mỹ và họ tạo ra 60% GDP cho Canada và 57% GDP cho Hoa Kỳ. Đồng thời hàng năm họ tạo ra 70% lao động mới cho nền kinh tế và đóng góp từ thiện chiếm 55%.

Tại châu Mỹ Latinh, DNGĐ chiếm 85% tổng số doanh nghiệp, với lực lượng nhân lực chiếm tới 70% và tạo ra 60% GDP. Các phân tích chi tiết cho thấy 47% DNGĐ ở đây được vận hành bởi thế hệ thứ nhất, 29% vận hành bởi thế hệ thứ hai, 14% được điều hành đồng thời bởi thế hệ thứ nhất và thứ hai và chỉ 10% là được dẫn dắt bởi thế hệ thứ ba hoặc thứ tư.


Tại Trung Đông thì có tới 90% là DNGĐ. Họ tạo ra 80% GDP và vận hành 75% nền kinh tế tư nhân ở đây. Với 60 triệu nhân công họ đã chiếm tới 70% của nhân lực của vùng Vịnh. Đặc biệt, DNGĐ ở đây đã kiểm soát 98% các công ty sản xuất dầu mỏ tại vùng Vịnh.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, có tới 85% doanh nghiệp là DNGĐ. Họ chiếm tới 57% nhân lực của các công ty niêm yết ở Nam Á và 23% ở Bắc Á (do DNGĐ tại Trung Quốc chưa phát triển).

Các tên tuổi trên thế giới như tập đoàn siêu thị bán lẻ lớn nhất toàn cầu Walmart (Mỹ), hãng xe hơi BMW (Đức), tập đoàn thiết bị thể thao Adidas (Đức), hãng hàng không Korean Air (Hàn Quốc)... đều là những công ty gia đình.

Theo EY định nghĩa, DNGĐ phải đảm bảo hai yếu tố: (1) nắm giữ lực lượng có thể đưa ra nhưng quyết định quan trọng, có thể là ông chủ chiếm 100% vốn hay các thành viên trong gia đình (dòng họ) chiếm 100% vốn, hoặc các thành viên trong gia đình hoặc dòng họ chiếm cổ phần chi phối; (2) phải có sự chuyển giao thế hệ hoặc kế hoạch cho sự chuyển giao.

EY cũng đưa ra năm điểm mạnh của mô hình DNGĐ, bao gồm: chia sẻ giá trị chung (common value), sự cam kết và quyết tâm (strong commitment), sự trung thành (loyalty), tính ổn định (stability) và khả năng giảm thiểu chi phí (decreased costs). Bên cạnh đó là những điểm hạn chế chung của mô hình DNGĐ cũng được EY liệt kê: cơ cấu doanh nghiệp, vai trò quản lý, sự tách bạch giữa công việc và gia đình; khó chấp nhận sự thay đổi; khó phát triển lên quy mô lớn.

Trong đánh giá của mình, EY cũng cho thấy các DNGĐ thành công trên thế giới hiện nay đều có chung tám đặc điểm. Đó là những doanh nghiệp đã xây dựng được cấu trúc quản trị cho tương lai; quản trị hiệu quả nguồn vốn; xây dựng và thiết lập tăng trưởng và lợi nhuận ổn định; quản lý và phát triển các tài năng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội, cân bằng các rủi ro; xây dựng kế hoạch chuyển giao cho thế hệ tiếp theo; quản trị thuế hiệu quả.

Hiện nay, những thách thức của mô hình DNGĐ được phân chia thành hai nhóm, những thách thức từ bên ngoài và những thách thức từ bên trong. Những thách thức từ bên ngoài có thể kể ra như tình hình suy thoái kinh tế hiện thời, cạnh tranh gia tăng trong khu vực và toàn cầu, dòng tiền mặt bị thắt chặt trong những năm tiếp theo và vấn đề tự do hóa thương mại. Những thách thức từ bên trong mà doanh nghiệp phải đối đầu chính là sự chuyển giao quyền kiểm soát công ty sang thế hệ tiếp nối, áp lực tăng trưởng và sẽ khó khăn hơn trong việc duy trì quyền quản lý doanh nghiệp.

Để xây dựng một DNGĐ có thể trường tồn qua các thế hệ thì điều quan trọng cần làm là phân định được giữa việc quản lý doanh nghiệp và quản lý những vấn đề gia đình.

Dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, các nhà tư vấn khuyên các ông chủ cần tái đánh giá danh mục kinh doanh hiện thời để tập trung đầu tư có trọng tâm, từ bỏ những quan điểm cảm tính với những mô hình kinh doanh truyền thống, đưa ra quy trình nghiêm ngặt đối với các quyết định đầu tư mới và xây dựng năng lực quản lý và chuyển giao quyền kiểm soát khi cần thiết.

Song song đó là phải xem xét và giải quyết một cách rõ ràng những vấn đề thuộc về gia đình, phải tách rời các hoạt động kinh doanh và hoạt động gia đình, tạo ra cơ cấu quản trị chính quy để quản lý các hoạt động của gia đình và kinh doanh.

Tuy nhiên thực tế cho thấy để thực hiện các vấn đề phân tích ở trên không phải là dễ.

Xin chia sẻ từ câu chuyện của chính công ty tôi, Secoin. Trải qua nhiều năm hoạt động với mô hình DNGĐ, chúng tôi nhận thấy rõ sự khó khăn trong việc tách bạch giữa công việc và gia đình trong ban lãnh đạo. Ai cũng biết, trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ hoặc anh chị em có những quan hệ hành xử mang tính gia đình nhưng tại công ty thì mối quan hệ công việc phải được xây dựng trên dưới một cách chuyên nghiệp và tách bạch. Mỗi thành viên gia đình trong ban lãnh đạo dù biết là phải tuân thủ những nguyên tắc như vậy, nhưng để thực hiện nó một cách rõ ràng và xuyên suốt trong quá trình vận hành doanh nghiệp không phải là vấn đề đơn giản.

Một vấn đề nữa khi vận hành mô hình DNGĐ tại Việt Nam chúng ta thường gặp trở ngại ở vấn đề nhân sự. Tôi có cảm nhận rằng tư tưởng “làm chủ tập thể” hay kiểu “thủ kho to hơn thủ trưởng” đã ăn sâu vào suy nghĩ của không ít người. Việc chấp nhận đi làm thuê cho một DNGĐ nhiều lúc lại là rào cản tâm lý của nhiều người.

Chính vì vậy mà việc thu hút và giữ chân người tài ở DNGĐ nhiều lúc khó khăn hơn các mô hình công ty khác.


Duy trì được một doanh nghiệp đã khó, duy trì được doanh nghiệp theo mô hình DNGĐ trường tồn theo thời gian lại càng khó. Tuy vậy, ông Peter Englisch, Chủ tịch toàn cầu của EY, đã nhận xét rằng: “DNGĐ hiện là dòng máu nuôi sống toàn bộ nền kinh tế châu Âu và tương lai cũng sẽ tiếp tục như vậy”. Và không chỉ châu Âu, DNGĐ hiện đang là trụ cột của nền kinh tế các nước phát triển cũng như trên toàn cầu. Trong xu thế hội nhập với toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam không thể đứng ngoài và chắc chắn trong một tương lai gần, DNGĐ với những ưu thế của nó sẽ phát triển mạnh mẽ và trở thành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Phải chăng đây chính là thông điệp tăng thêm niềm tin cho các DNGĐ ở Việt Nam tiếp tục vững bước?

Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào: