Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Ngã ba đường của Đại Hội 12

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionĐại hội Đảng CSVN lần thứ 12 vẫn chưa khai mạc, nên vẫn còn nhiều 'ẩn số', theo tác giả.
Hội Nghị TW 14 kết thúc trong sự xôn xao của dư luận về phe này thắng phe kia thua trong nội bộ Đảng CSVN vì tranh cử chiếc ghế Tổng Bí Thư.
Tuy nhiên lần này khác với các tiền lệ trước. Ba Mươi vẫn chưa là Tết!
Ở các kỳ đại hội đảng trước vẫn có sự tranh chấp, nhưng nó nhanh chóng kết thúc vì đó chỉ là tranh chấp nhân sự chia ghế và các bên tham gia có thể thỏa hiệp vì không có mâu thuẫn tư duy thân tư bản hay thân cộng sản.

Khi đó mạng xã hội chưa phát triển, nên đảng ít bị dư luận soi mói do dễ bưng bít thông tin.
Dù ít dù nhiều, với tác dụng của mạng xã hội hiện nay, cũng gây tác dụng phần nào đó vào quyết định của đảng.
Dù nhiều người nói “quần chúng ngoài đảng” có nói gì thì cũng không ảnh hưởng vào đảng, nhưng tôi e rằng không phải.
Nếu không có tác dụng thì vì sao có nhiều thông tin lọt lộ ra để dùng “quần chúng bên ngoài “ gây sức ép cho nhau lên các phe phái bên trong đảng.
Theo các thông tin đề cử bầu bán cái ghế Tổng Bí Thư thì hiện nay phe này thắng thế phe kia thất thế, tuy nhiên đó chỉ là các trận giao hữu từ Hội Nghị TW 12 đến nay.
Trận chính thức là Đại Hội Đảng 12 vẫn chưa khai mạc, và chuyện kèo dưới thắng ngược hay kèo trên áp đảo vẫn còn là ẩn số.

Tranh chấp đường lối

Như các bài viết trước về đảng, tôi có nói rằng quần chúng nhận định trong đảng lúc này có sự tranh chấp đường lối giữa các phe “thân Trung Quốc” và “phe thân Mỹ”.
Và đến nay qua nhiều phân tích của các học giả tên tuổi am hiểu nội tình Việt Nam cho thấy góc nhìn này của quần chúng xác đáng.
Tôi nhắc lại chuyện này để đưa độc giả về cội nguồn của nó.
Ngày nào mà còn các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc… tranh giành ảnh hưởng để thu lợi ích thì ngày đó còn có các phe thân này thân kia trong nội bộ các nước nhỏ yếu hơn.
Image copyrightGetty
Image captionCó thể đang xảy ra 'tranh chấp đường lối' trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN, theo tác giả.
Do chiến lược phát triển tranh giành các khu vực địa - chính trị khác nhau của các nước lớn qua từng thời kỳ mà các nước nhỏ được yên ổn hay xào xáo trong từng giai đoạn.
Vấn đề bàn về đảng CSVN bây giờ không cần nhìn là phe nào thắng hay thua nữa.
Gác qua chuyện phe nhóm, thì vấn đề mà đảng CSVN, vì là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước và xã hội, bất kể phe nào trong đó cũng phải chịu trách nhiệm về tương lai đất nước.
Việt Nam đã, đang và sẽ còn nằm trong sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc.
Thành ra dù phe thân Mỹ hay phe thân Trung Quốc thắng cử kỳ này, cũng sẽ phải giải bài toán Việt Nam đi về đâu giữa hai cường quốc.
Đó mới là điều quan trọng nhất.

Nhìn từ Trung Quốc

Trung Quốc là nước lớn, nhu cầu bành trướng là nhu cầu bản chất hiện hữu, tuy nhiên Trung Quốc bị nhiều cản trở địa-chính trị trong bành trướng. Xin mời các bạn nhìn lên bản đồ thế giới.
Nếu Trung Quốc bành trướng về phía Bắc thì cũng gặp một trở ngại hùng mạnh là Nga, và một trở ngại thiên nhiên là băng tuyết lạnh lẽo.
Về phía Đông, Trung Quốc bành trướng ra thì gặp Nhật, một dân tộc giỏi và một đất nước giàu mạnh, e rằng cũng khó, và cũng có chướng ngại là biển.
Về phía Tây, Trung Quốc bành trướng ra thì gặp các nước thuộc khối SNG cũ, vốn cũng tách ra từ cường quốc quân sự Liên Xô, cũng không dễ ăn, và gặp trở ngại thiên nhiên là sa mạc
Với vị trí địa lý đó, e rằng việc bành trướng ra ba hướng trên là điều mà các đời lãnh đạo Trung Quốc không chọn để làm vì khó khăn quá. Như vậy chỉ còn phía Nam và ra biển Đông là thuận lợi.
Việt Nam, vì vị trí địa lý sát Trung Quốc, thiên nhiên phù hợp, sẽ là lựa chọn gần như duy nhất trong sách lược thôn tính về phương Nam của Trung Quốc. Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “đi xuyên qua Việt Nam”.
Lịch sử đã chứng minh các đời đế vương phong kiến của Trung Quốc đều đã thấy và làm điều này. Chỉ là ngày nay không thể lộ liễu xâm lăng bằng quân sự, nên phải chọn các cách lấn từ từ, âm thầm tiến tới.
Image captionBản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước, trong đó có Philippines, quốc gia đã 'kiện' Trung Quốc ra Tòa quốc tế.
Theo quy luật bành trướng, quy luật thiên triều-chư hầu, nếu không thể phát động xâm lăng nhanh, ồ ạt bằng quân sự thì việc hậu thuẫn cho chính quyền nước chư hầu để “khai thác” chư hầu phục vụ thiên triều là chuyện vốn dĩ phải làm.
Và đây cũng chính là cội nguồn của ra đời của “phe thân Trung Quốc” trong chính quyền Việt Nam. Từ cổ đại đến hiện tại, các triều đại đều có “phe thân Trung Quốc” và hiện tại bây giờ cũng thế, đó là quy luật mà!
Lịch sử đã có thời gian để chỉ ra những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... là “phe thân Trung Quốc”. Hiện tại thì lịch sử chưa đủ thời gian để thẩm định cho thời kỳ này, nhưng sau này lịch sử dĩ nhiên cũng sẽ chỉ ra được ai là những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc của Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Nhìn từ Hoa Kỳ

Mỹ hiện nay là cường quốc mạnh nhất trên thế giới. Mạnh thì dĩ nhiên trật tự bàn cờ thế giới Mỹ phải tham gia để tìm kiếm lợi ích phục vụ cho mình.
Kẻ mạnh không thể để kẻ khác vươn lên đe dọa mình. Trung Quốc đã trở thành một đối trọng có thể đe dọa Mỹ, nên Mỹ phải kiềm chế. Dĩ nhiên Mỹ thấy Trung Quốc chỉ còn cửa bành trướng ra Biển Đông và về phía Nam, đi ngang qua Việt Nam. Nên Mỹ hiểu ngăn chặn Trung Quốc ở ngay biên giới Việt-Trung là hợp lý nhất.
Tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam-Trung Quốc thì Mỹ không muốn tham gia nhiều. Chẳng qua các tàu hàng của Mỹ phải chở hàng đi qua khu vực này, nên Mỹ chỉ đưa ra “lời khuyên” là các nước tranh chấp làm gì làm, phải giữ an toàn hàng hải cho tư bản phương Tây chở hàng buôn bán.
Người ta nói nhiều về chiến lược “xoay trục” của Mỹ về Châu Á-Thái Bình Dương nhưng ít ai nghĩ về cái gì là trọng tâm của nó. Trọng tâm của chiến lược này chính là Kênh Đào Kra xuyên qua Thái Lan, nối vịnh Thái Lan vào Ấn Độ Dương. Tiền từ con kênh này mang lại khi đào xong là lợi ích kinh tế khổng lồ mà ai cũng muốn.
Nước nào nắm giữ con kênh này, sẽ nắm được lợi thế kinh tế vận tải biển khổng lồ của nó, cũng như kiểm soát nó về quân sự sẽ có ý nghĩa kiểm soát an ninh của một nửa vùng biển Thái Bình Dương, cùng an ninh hàng hải của toàn bộ các quốc gia nằm dọc theo hải phận Philippines. Con kênh Kra này có nhiều nước nhỏ dính dáng trực tiếp vào, như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar. Hay xa hơn chút là Philippines, Malaysia, Indonesia…cũng bị ảnh hưởng ít nhiều qua lại.
Vì Mỹ biết dù nước nào ở khu vực có liên quan đến Biển Đông lấy trọn Biển Đông đi nữa cũng không đến phần Mỹ, nên Mỹ dĩ nhiên cần phải nắm trọn Kênh Kra để cân bằng lợi ích là chuyện phải làm. Nhìn về kênh Kra là nhìn về an ninh khu vực, nếu Trung Quốc nắm được Kênh Kra thì Trung Quốc phá được thế đang bị nắm yết hầu ở eo biển Malacca, do đó Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ.
Image copyrightBBC World Service
Image captionTổng bí thư Đảng CSVN ông Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ đầu tháng 7/2015.
Cũng như Trung Quốc, Mỹ cũng không thể đem quân vào Việt Nam được. Nên còn gì lý tưởng hơn nếu Mỹ hậu thuẫn cho một phe trong đảng Cộng Sản Việt Nam lên cầm quyền và có chính sách thân Mỹ để cùng Mỹ ngăn chặn bành trướng Trung Quốc và cùng khai thác Kênh Đào Kra chia lợi ích cho hai đất nước.
Và đó chính là sự ra đời của “phe thân Mỹ” trong đảng CSVN, từ thời điểm 1986. Khi đảng CSVN thực hiện “Đổi Mới”, bang giao với Mỹ và phương Tây, thì cũng là lúc “phe thân Mỹ” có điều kiện để mạnh dần lên.
Với các cường quốc lớn, chính trị không phải chuyện ngẫu hứng, họ bỏ ra hàng chục năm để hoạch định chiến lược và thực thi là chuyện bình thường.

Kênh đào Kra và Asean

Đến đây các bạn chắc cũng hiểu vì sao tôi nói tôi không muốn bàn về các phe thân Mỹ-thân Trung Quốc ai thua ai thắng ở Đại Hội 12 nữa. Vì dù phe nào thua hay thắng thì sau này hai phe vẫn sẽ tồn tại, có thể yếu đi, mạnh lên trong các thời kỳ khác nhau chứ không bao giờ có thể xóa bỏ hoàn toàn.
Các bước đi bành trướng trong chiến lược Biển Đông và Nam tiến của Trung Quốc thì ai cũng biết nên tôi không bàn. Bây giờ nói về các bước đi của Mỹ trong việc bao vây Trung Quốc và “giữ kênh đào Kra”.
Với Myanmar thì coi như đã xong. Từ một chính quyền quân phiệt thân Trung Quốc (cho Trung Quốc xây ống dẫn nhiên liệu đi ngang lãnh thổ Myanmar), đến nay đã chuyển hóa thành một chính quyền dân chủ sơ khai và cờ hoa chào đón các quan chức Phương Tây, cùng với thực thi dần dân chủ pháp trị.
Tình hình Thái Lan thì bất lợi hơn cho Mỹ. Chính quyền quân sự Thái Lan sau khi lật đổ anh em nhà Thaksin thì lại tỏ ra thân Trung Quốc, nên có vẻ Mỹ sẽ còn nhiều vất vả để gây ảnh hưởng.
Nếu cổng vào của Kênh Kra là ở Thái Lan thì cổng ra là Vịnh Thái Lan của Việt Nam, thành ra việc phe thân Mỹ lên cầm quyền lúc này có tầm quan trọng lớn với Mỹ. Tôi đánh giá Mỹ sẽ không lơ là tình hình chính trị Việt Nam trong giai đoạn này.
Phán quyết của Tòa Tối cao Philippines về việc mở cửa cho tiếp vận và bảo hộ quân sự của Mỹ vào nước này mới vừa công bố cho thấy Mỹ đã giải quyết xong vấn đề Philippines.
Vậy tiếp theo sẽ là đảo Phú Quốc và Cảng Cam Ranh của Việt Nam để bảo hộ một đầu của kênh đào Kra là bước đi liền tiếp theo chăng? Mỹ chỉ có thể đi bước này nhanh chóng nếu ở Đại Hội 12 này phe thân Mỹ lên cầm quyền. Nếu phe này thất thế thua cuộc bầu bán thì Mỹ sẽ mất thời gian hơn, hoặc họ tìm kiếm một giải pháp khác.
Song hành cùng Mỹ là nước Anh. Dấu chân của thủ tướng Anh đi đến đâu, dường như sau đó nước đó từ độc tài chuyển sang dân chủ (Ấn độ và Myanmar là những ví dụ).
Đã ba mươi năm trôi qua kể từ khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp bà Thatcher ở Anh thì thủ tướng Anh (một ông mãn nhiệm và một ông đương chức) lần đầu đến Việt Nam. Biết đâu Việt Nam cũng vì thế mà giống như các tiền lệ trước.
Image copyrightPhuket News
Image captionKênh đào Kra có một vị trí địa chính trị mà nhiều cường quốc và quốc gia trong khu vực và quốc tế rất quan tâm, theo tác giả.
Trong các vận trù sách lược lớn đó của Mỹ và các đồng minh, TPP chỉ đáng để xem như một mòn quà nhỏ hơi nặng ký của Mỹ tặng cho đảng CSVN và đất nước Việt Nam. Nó là bằng chứng cho đảng và nhân dân Việt Nam cùng công nhận rằng “chơi với Mỹ” là cùng nhau thịnh vượng và giàu có, còn “chơi với Trung Quốc” thì chỉ nhận được cướp bóc và khốn cùng.
Và vì thời gian trùng khớp trong chiến lược giành ảnh hưởng của hai ông to kể trên, nên Đại Hội Đảng lần thứ 12 trở thành trận chung kết đầu tiên cho hai đường lối.
Nếu một bên thua trong trận này, tương lai sẽ cũng diễn ra nhiều trận đấu khác. Thành ra tôi không quan tâm đến việc ông Y hay ông Z nào đó có bao nhiêu phiếu trong Hội Nghị TW 14.
Với tôi, việc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến có hai ông này sinh ra, tranh chấp nhau như bây giờ tôi thấy quan trọng hơn. Vì một ngày nào Trung Quốc chưa có dân chủ pháp trị để cùng vươn lên hòa bình với Mỹ thì Việt Nam còn phải giải bài toán đường lối tranh chấp phe phái này.

Trách nhiệm Đại Hội 12

Là công dân Việt Nam, tôi không khoái việc số phận chúng ta phải nằm trong sự tính toán của bất kỳ cường quốc nào kể cả Trung Quốc hay Mỹ. Một Việt Nam có quyền tự quyết là ước mơ tốt đẹp nhưng hiện tại còn quá xa vời vì đất nước còn yếu và dân tộc còn chia rẽ. “Lưu Bị mượn Kinh Châu” là lối thoát duy nhất lúc này.” Kinh Châu” đó là Trung Quốc hay Mỹ thì xin để độc giả tự có quyết định.
Sự tranh đấu nhau giữa đường lối thân Mỹ và thân Trung Quốc đã diễn ra qua nhiều trận giao hữu để nắn gân nhau là các Hội Nghị TW 12-13-14. Hai phe đã quá đủ để hiểu rõ thực lực và đại hội 12 sẽ quyết định. Tuy nhiên tôi xin lưu ý với các đại biểu về dự Đại hội 12 là lá phiếu của các vị rất quan trọng.
Cái gì phải làm thì làm sớm còn hơn làm muộn, mượn Kinh Châu của cường quốc nào có lợi nhất cho đất nước và dân tộc hẳn các vị trong lòng hiểu rõ. Mong các vị thật tâm suy xét quyết định.
Mai này, khi lịch sử đủ thời gian, nó sẽ chỉ ra ai là Trần Ích tắc… mà tôi e rằng sẽ sớm thôi.
Các vị cũng đừng quan ngại là đi với Mỹ sẽ mất đảng.
Đối với Mỹ, họ quan trọng đường lối hơn là con người. Đảng Cộng sản của các vị nếu thật lòng hướng về Mỹ, cùng chia lợi ích với Mỹ trong chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương thì Mỹ không khờ dại gì đi phá hoại các vị đâu.
Tuy nhiên các vị cũng cần nhớ đến người dân mà thực thi dân chủ pháp trị để dân còn tôn trọng đảng. Sẽ là một bi kịch khác nếu xu hướng “chính quyền cảnh sát hóa” tăng lên. Đại tá Khadafi là một ví dụ sống động.
Image copyrightGetty
Image captionĐã diễn ra các động thái 'tranh đấu' và 'nắn gân nhau' giữa các đường lối 'thân Mỹ' và 'thân Trung Quốc' tại các kỳ Hội nghị Trung ương 12, 13 và 14 gần đây, theo tác giả.
Những người dân chủ hay quần chúng có chính kiến xin hãy nhớ rằng độc tài cá nhân là con của độc tài tập thể.
Nếu vì sợ đứa con độc tài cá nhân ra đời mà chúng ta “vô tình ủng hộ” cho bà mẹ độc tài tập thể thì e rằng chúng ta sai lầm trong hướng đi của mình
Tôi viết bài này trong một giấc mơ về một dân tộc Việt Nam trong-ngoài đoàn kết và một đất nước Việt Nam dân chủ pháp trị thăng hoa.
Tôi thích châm ngôn của chính trị tư bản, không có bạn bè và kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có đồng minh giai đoạn và lợi ích vĩnh viễn của quốc gia là quan trọng.
Bài viết phản ánh văn phong và thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà tư vấn về pháp lý quan tâm đến các vấn đề nội chính, đường lối, đang sinh sống ở Sài Gòn, bài viết hưởng ứng chuyên đề " Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12" của BBC Việt ngữ. Các bài vở, ý kiến, xin mời quý vị gửi về cho chúng tôi qua địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk Xin xem thêm thể lệ cụ thể tại đây:http://bit.ly/1ZkeNRU

Không có nhận xét nào: