Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Hà Nội có tiếp tục chặt cây?

Image copyright
Image captionNhiều bạn trẻ Hà Nội đã xuống đường tham gia phản đối việc chặt hạ cây xanh tại thủ đô năm 2015
Báo trong nước cho biết một công ty đề nghị Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội cho phép ‘cứu’ những cây xanh sắp bị chặt hạ trên đường Xuân Thủy - Cầu Giấy.
Hôm 15/1, InfoNet, website của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin Công ty Cổ phần Beepro đề nghị Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội “tạm dừng việc chặt phá cây xanh để giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình. Công ty xin tiếp nhận lại công việc di chuyển toàn bộ số cây xanh đang bị chặt phá tới vị trí mới để chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi”.

“Công ty cam kết tự bỏ 100% kinh phí di chuyển và chăm sóc toàn bộ số cây xanh lâu năm nằm trong phạm vi cần di chuyển của các công trình. Vị trí sau di dời do Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội quyết”, website này viết.
InfoNet cũng dẫn lời ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội xác nhận: “Ủy ban đã giao cho Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn để cùng đơn vị nghiên cứu”.
Hôm 13/1, theo báo Thanh Niên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội được phép di chuyển, chặt hạ 62 cây để phục vụ thi công gói thầu S6 (ga Đại học Quốc gia), S7 (ga Chùa Hà) của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
“Dự kiến, thời gian cắt tỉa, di chuyển, chặt hạ 62 cây xanh nói trên sẽ hoàn thành trước ngày 20/1. Đây là lần thứ 3 Hà Nội cho di chuyển, chặt hạ cây xanh để phục vụ thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội”, báo này cho hay.
Hôm 16/1, luật sư Trần Vũ Hải bình luận trên mạng xã hội: “Đề nghị chính quyền Hà nội cung cấp các giấy tờ về việc chặt hạ cây cổ thụ. Theo luật thủ đô và nghị định 64/2010 việc chặt cây phải tuân theo quy trình và nói chung bị cấm. Nếu hạ, phải chuyển cây cổ thụ này đến địa điểm khác.
Đề nghị mời một số chuyên gia, đại diện các nhà hoạt đông môi trường để giải thích, tham khảo những vấn đề liên quan đến đợt chặt cây lần này”.

'Giải pháp tình thế'

Ông Lê Quang Bình, một nhà nghiên cứu chính sách kinh tế - xã hội, lên tiếng trên Facebook:
“Đề xuất chuyển cây chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề quan trọng nhất là những cây xà cừ đại thụ cần phải được sống ở chỗ chúng nó đã gắn bó hàng chục năm nay. Đường phố Hà Nội ngày càng bụi bẩn, ô nhiễm mà người ta còn bỏ hết cây đi thì quả là hạ sách.
Image copyrightEPA
Image captionViệc chặt cây diễn ra trên đường phố Hà Nội tháng 3/2015
"Vấn đề là tư duy quy hoạch và trách nhiệm với môi trường. Đáng ngại nhất là người làm quy hoạch chỉ nghĩ làm sao xây bê tông cốt thép mà không nghĩ giữ và tăng diện tích cây xanh. Rất mong thành phố minh bạch thiết kế kỹ thuật và xem có giải pháp nào để không phải di chuyển cây không?”
Năm 2015, nhóm Vì Một Hà Nội Xanh đã tổ chức các cuộc tuần hành kêu gọi ngừng dự án chặt hạ cây xanh, viết thư kiến nghị và đối thoại trực tiếp với Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ những sai phạm của vụ việc chặt phá cây xanh...
Hiện nhóm này thu hút hơn 10.000 thành viên và đặt mục tiêu mở rộng hoạt động trong năm 2016 "nhằm thực thi một cách ôn hòa các quyền cơ bản của công dân, trong các hoạt động bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Anh Tuấn, một trong những quản trị viên của nhóm cho hay.
Tháng 7/2015, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội công bố kết luận xử lý trách nhiệm sau thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn.
Theo đó, “với vai trò tham mưu đề xuất triển khai thực hiện, Sở Xây dựng và các cá nhân công tác tại Sở bị đề nghị nhiều hình thức kỷ luật”.

Không có nhận xét nào: