Pages

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Bản án Cù Huy Hà Vũ trong mắt giới trẻ

Bản án gây nhiều tranh cãi của luật sư nhân quyền Cù Huy Hà Vũ lại một lần nữa đánh động sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước sau phiên phúc thẩm hôm 2/8 ở Hà Nội, với kết quả y án. Tác động, ảnh hưởng của vụ án Hà Vũ ra sao? Cảm nghĩ của giới trẻ về sự kiện này như thế nào? Và họ nghiệm ra điều gì từ bản án của tiến sĩ Vũ? Đó là nội dung phần đầu cuộc thảo luận với 4 bạn trẻ từ Sài Gòn và Hà Nội trong Tạp chí Thanh Niên tuần này.
Hình: Reuters
Tiến sĩ Hà Vũ trong phiên phúc thẩm ngày 2/8/2011 ở Hà Nội.

"Hoàng, đảng viên cộng sản: "Tôi băn khoăn trước một chế độ đảng cộng sản quá độc tài, không có một phản biện nào để cho mình thay đổi tốt hơn được."
Hoàng: Tôi là Hoàng, đang công tác tại TPHCM. Tôi là một viên chức và là một đảng viên cộng sản."

Tuấn: Mình là Tuấn, sinh viên ở Hà Nội.

Duy: Tôi là Duy, sinh viên năm 2 ở Sài Gòn.

Tú: Tôi là Tú, sinh viên ở Thái Nguyên.

Trà Mi: Các bạn theo dõi phiên xử phúc thẩm tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bằng cách nào?

Tú: Tôi đã đến tòa để tham dự phiên xét xử đó nhưng công an đã chặn tất cả các cửa, không cho vào. Vì vậy, tôi phải đứng ở đầu đường Quán Thánh theo dõi tình hình.

Trà Mi: Tú đích thân đến trước cổng tòa để theo dõi phiên xử. Còn ba người bạn khác thì sao?

Hoàng: Tôi theo dõi trên mạng internet, qua trang Dân Làm Báo.

Trà Mi: Tức là một tờ báo không thuộc lề phải.

Hoàng: Vâng.

Tuấn: Mình cũng theo dõi trên mạng internet, xem mấy báo chính thống, báo lề phải.

Duy: Mình theo dõi vụ này trên trang Ba Sàm. Các trang báo trong nước đưa tin rất chậm. Khi phiên tòa kết thúc rồi, họ chỉ đăng kết quả phiên xử chứ không tường thuật diễn biến trong cuộc xử đó.

Trà Mi: Như vậy ở đây có 3 trường hợp. Một là tới tòa để được theo dõi phiên xử tận mắt. Hai là theo dõi qua báo chí lề phải. Và ba là xem các trang báo mạng, các trang blog lề trái. Tú, khi bạn tới đó, bạn đã tận mắt chứng kiến những gì trước cổng tòa án, quang cảnh bên ngoài tòa thế nào?

Tú: Tất cả các ngã đường đều bị công an chặn. Tôi đã phải đi sang một ngã đường khác, cách cổng tòa khoảng mấy chục mét. Tôi đứng gần một người bị an ninh bắt đưa lên xe khi chị hô to nhiều lần “Cù Huy Hà Vũ vô tội”.

Trà Mi: Còn các bạn theo dõi vụ xử qua báo chí, các bạn ghi nhận được những gì? Các bạn có cảm nghĩ thế nào về bản án của tiến sĩ Hà Vũ?

Tuấn: Theo dõi trên báo mạng lề phải của nhà nước không thấy hình ảnh và video về phiên tòa, mà họ chỉ nói qua loa là kết quả y án đối với ông Vũ. Mình vẫn chưa hiểu ông Vũ bị mắc tội gì vì hầu như chưa đưa ra được những bằng chứng gì để đánh giá là ông phạm pháp. Phiên tòa chưa đưa ra được những tài liệu để đánh giá mức độ vi phạm của ông Cù Huy Hà Vũ.

Hoàng: Tôi theo dõi trên trang Dân Làm Báo và trang blog Cù Huy Hà Vũ. Tôi hết sức bất ngờ trước kết quả phiên tòa vì nó đã không như mọi người mong đợi là sẽ giảm án hoặc tuyên bố vô tội cho ông Vũ. Tôi hết sức bất ngờ về bản án này.

Duy: Tôi nhận thấy một điều bất ổn về phiên phúc thẩm này cũng như phiên sơ thẩm trước. Đó là công an cấm rất nhiều người không cho họ tham dự dù nhà nước nói đây là phiên xử công khai. Vậy chắc là phải có vấn đề gì đó. Tôi không bất ngờ về kết quả phiên xử này so với bản án sơ thẩm vì tôi nghĩ bản án này đã được định ra rất lâu rồi. Dù luật sư có tranh tụng thế nào đi chăng nữa thì người mà ông Vũ chỉ trích là đảng cộng sản Việt Nam, người bắt ông là đảng cộng sản Việt Nam, và người xử ông cũng là đảng cộng sản Việt Nam. Cho nên, tôi thấy không bất ngờ gì về bản án này.

Trà Mi: Duy vừa nêu lý do khiến bạn không bất ngờ về kết quả bản án phúc thẩm so với sơ thẩm. Lúc nãy có bạn nói là bất ngờ trước kết quả phúc thẩm, xin hỏi lý do vì sao? Điều gì khiến bạn bất ngờ?

Hoàng: Theo tôi, phiên sơ thẩm kêu án quá nặng. Cho nên, tôi nghĩ đến phiên phúc thẩm chính quyền sẽ giảm án để chứng tỏ nhà nước có sự khoan hồng mặc dùø điều 88 không rõ ràng đủ để buộc tội người ta. Cứ muốn luận tội người ta thì nói ‘tuyên truyền chống phá’, nhưng không giải thích được rõ ràng cụ thể thế nào là ‘tuyên truyền chống phá’. Bản án như vậy là quá nặng đối với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.

Trà Mi: Vừa rồi là cảm nghĩ của các bạn về kết quả phiên xử này. Phiên phúc thẩm của tiến sĩ Hà Vũ không chỉ gây chú ý với các bạn, những người trẻ quan tâm trong nước, mà còn đánh động sự quan tâm của rất nhiều người, công luận trong cũng như ngoài nước. Theo các bạn, vì sao vụ án này lại được dư luận chú ý nhiều đến vậy?

Duy: Sở dĩ vụ án Cù Huy Hà Vũ được nhiều người biết tới là do thân thế của ông. Gia đình ông là gia đình cách mạng có mối quan hệ rất rộng trong giới đảng viên. Bản thân ông cũng nổi tiếng trong những lần kiện tụng trước đây như vụ kiện Thủ tướng, vụ Đồi Vọng Cảnh, và rất nhiều vụ khác. Một phần nữa là do các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông có sự thuyết phục đối với nhiều người.

Hoàng: Vụ này nổi tiếng, được nhiều người biết đến là do ông Hà Vũ phát biểu và đấu tranh vì nhân quyền và chuyện nhân quyền ảnh hưởng và là một điều rất khó chịu đối với nhà nước CHXHCN Việt Nam. Do đó, các tổ chức nhân quyền ngoài nước quan tâm theo dõi.

Trà Mi: Tuấn và Tú, theo các bạn, vì sao vụ án này được chú ý đến vậy? Vì hoạt động của tiến sĩ Vũ, vì mức độ bản án, hay vì các nguyên nhân nào khác nữa chăng?

Tú: Vụ án này được dư luận hết sức quan tâm vì ông Hà Vũ là một người khá nổi tiếng. Ông có nguồn gốc gia đình cách mạng, lại đấu tranh về mảng chính trị, mảng đề tài mà ở Việt Nam rất ít khi được đụng chạm đến.

Trà Mi: Các bạn cho rằng nguyên nhân khiến vụ này nổi đình nổi đám là do thân thế của chính tiến sĩ Vũ và các hoạt động của ông. Có bạn nào nghĩ rằng mức độ bản án cũng góp phần gây sự chú ý?

Duy: Trước đây đã có những bản án cũng rất nặng nề như vụ của Trần Huỳnh Duy Thức hay Nguyễn Tiến Trung..v..v.. Những vụ này công luận không quan tâm nhiều bằng vụ của ông Hà Vũ, nên mình không cho là mức án nặng nhẹ là điểm gây chú ý của nhiều người đối với phiên tòa của ông Vũ.

Trà Mi: Còn về thời điểm diễn ra vụ án so với thời cuộc, với diễn biến chính trị Việt Nam, với tình hình ngoại giao của Việt Nam với các nước có là yếu tố khiến người ta chú ý nhiều hơn đến phiên xử của ông Vũ?

Hoàng: Nó ảnh hưởng sâu sắc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã có những bài phát biểu và cảnh báo về sự tấn công từ Trung Quốc. Nhà nước cũng đã cảnh cáo ông về vấn đề này. Trong lúc ông bị bắt, ở Biển Đông, bọn bành trướng Bắc Kinh tiếp tục gây hấn. Do đó, dư luận rất quan tâm đến vấn đề này.

Trà Mi: Được công luận trong và ngoài nước chú ý như vậy, chắc hẳn bản án này có tác động, ảnh hưởng nhất định trong nhiều khía cạnh khác nhau. Theo các bạn, những người trẻ trong nước quan tâm đến vụ việc, bản án này có tác động, ảnh hưởng thế nào đối với người dân Việt Nam?

Duy: Tôi nghĩ bản án này khiến nhiều người quan tâm đến ông Cù Huy Hà Vũ nhiều hơn nữa. Tôi không nói tới những người chỉ theo dõi vụ này qua tin tức trên báo chí chính thống của nhà nước. Những người đó, tất nhiên, họ sẽ suy nghĩ rất khác. Tuy nhiên, có những người tìm hiểu, quan tâm về thân thế và sự nghiệp của ông Vũ, họ sẽ đặt nhiều dấu hỏi. Và tất nhiên họ sẽ tìm hiểu những bài viết của ông Vũ để xem thế nào gọi là ‘chống phá nhà nước’, thế nào gọi là ‘phỉ báng chính quyền nhân dân’..v..v.. Họ sẽ tìm hiểu. Những lý lẽ, chứng cứ, dẫn chứng thuyết phục trong các bài viết và bài trả lời phỏng vấn của ông Vũ sẽ giúp tư tưởng và ý kiến của ông được truyền tải đến nhiều người hơn nữa. Phiên tòa này sẽ khuếch trương tư tưởng của ông Vũ cho nhiều người biết tới. Hơn nữa, nó cũng sẽ làm cho giới lãnh đạo, giới trí thức đảng viên trong đảng cộng sản Việt Nam bị phân hóa ra rất nhiều luồng tư tưởng khác nhau.

Tuấn: Tôi nghĩ bản án này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ, đặc biệt giới sinh viên. Bản án rất nặng. Cho nên, tôi nghĩ những hành động và những suy nghĩ về thay đổi chính trị rất khó thực hiện và sẽ bị giảm đi rất nhiều khi các bạn nghĩ đến các bản án có thể dành cho mình hoặc những ảnh hưởng cho tương lai cá nhân sau này.

Trà Mi: Nói một cách cụ thể, bản thân bạn nghiệm ra điều gì cho mình từ bản án này?

Tuấn: Mình cảm thấy đấu tranh riêng lẻ thì rất khó thành công và việc nêu lên ý kiến cá nhân trước một chế độ như thế này có lẽ là rất khó.

Tú: Theo tôi, bản án này có tác động rất mạnh mẽ đến giới trẻ, nhất là những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay. Vì ông Hà Vũ đang đấu tranh cho lẽ phải và những gì tốt đẹp nhất cho đất nước Việt Nam. Vậy mà ông lại bị xử như vậy, điều này sẽ đã tạo ra một dư luận không tốt đối với chính quyền. Giới trẻ sẽ có cái nhìn khác về chính quyền.

Trà Mi: Cũng có ý kiến cho rằng chính quyền muốn dùng bản án này làm gương răn đe những người khác. Các bạn có đồng ý với quan điểm đó không?

Duy: Tôi rất đồng tình vì bản án này nói lên rằng chính quyền không muốn có bất kỳ một tiền lệ nào, một sự khoan dung nào đối với những ý kiến, những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Theo tôi, bản án này góp phần làm cho thế giới và công luận thấy rất rõ sự phi lý của phiên tòa này. Đã có nhiều vị trí thức, đảng viên lão thành cách mạng, văn nghệ sĩ trong nước ký tên vào Bản kiến nghị đòi trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ. Lên tiếng ngay sau phiên sơ thẩm, giáo sư Ngô Bảo Châu đã có những lời rất mỉa mai. Tôi nghĩ sau phiên phúc thẩm này, người ta càng thấy những sự bất công càng hiển hiện rõ hơn.

Trà Mi: Bây giờ xin mời ý kiến của Hoàng.

Hoàng: Tôi thấy bản án này quá nặng nề và có phần răn đe những người có ý kiến trái chiều với chủ trương của đảng.

Trà Mi: Với tư cách là một đảng viên trong hàng ngũ của đảng cộng sản, bạn lãnh hội thông điệp đó như thế nào?

Hoàng: Tôi hết sức băn khoăn.

Trà Mi: Bạn có thể chia sẻ thêm bạn lo ngại điều gì?

Hoàng: Tôi băn khoăn trước một chế độ đảng cộng sản quá độc tài, không có một phản biện nào để cho mình thay đổi tốt hơn được.

Trà Mi: Các hoạt động của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là xây dựng nhà nước pháp quyền, như khẳng định của ông, hay gây thiệt hại cho nhà nước, như tố cáo của chính quyền? Trong phần thảo luận tiếp theo vào tuần tới, chúng ta sẽ nghe phân tích của các bạn trẻ quan tâm và ý kiến của họ về bản cáo trạng, về tính pháp lý, công lý, cũng như ý nghĩa của vụ án gây xôn xao dư luận này.

Mời quý thính giả đón theo dõi và đóng góp ý kiến trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, xin email số phone về vietnamese@voanews.com, chúng tôi rất hân hạnh được liên lạc mời các bạn góp tiếng. Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị vào giờ này, tuần sau.

Không có nhận xét nào: