Bức thư với bốn nội dung chính trong ̣đó nhấn mạnh vào vai trò của sức mạnh dân tộc và hiểm họa từ thế các lực bên ngoài mà chủ thể xuyên suốt là Trung Quốc.
Lá thư được gửi đi ngày 23/8/2011 đến các vị lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính phủ Việt Nam hiện nay, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.
Hơn 30 trí thức Việt Nam đồng ký tên dưới lá thư này hiện đang sống và làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Pháp và Thụy sỹ.
Dẫn đầu danh sách là giáo sư, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, TS kinh tế Đinh Xuân Quân, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Hồ Bạch Thảo, Lê Xuân Khoa, giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh; cùng một số vị như Trịnh Hội, Nguyễn Thị Ngọc Giao, Trương Hồng Sơn...
‘Ngoại bang Trung Quốc’
"Cần xét lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung và chỉnh sửa những quyết định sai lầm trước đây khiến Việt Nam mất cân bằng, lệ thuộc vào mối quan hệ này trên các lãnh vực khác nhau."
Những người ngày cũng đưa ra những giải pháp với phía chính phủ Việt Nam về vấn nạn ‘ngoại bang Trung Quốc’ trong đó kêu gọi minh bạch thực trạng quan hệ Việt- Trung.
“Chúng tôi đồng thời hưởng ứng bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung, nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước.”
Bức thư có đoạn: “Cần xét lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung và chỉnh sửa những quyết định sai lầm trước đây khiến Việt Nam mất cân bằng, lệ thuộc vào mối quan hệ này trên các lãnh vực khác nhau."
"Cần nhấn mạnh truyền thống hiếu hòa của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là trí thức tiến bộ, để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong việc cùng tranh đấu cho công bằng và quan hệ bình đẳng giữa hai nước.”
'Việc cần làm'
Bên cạnh nội dung chính về giải pháp với Trung Quốc, các trí thức nước ngoài cũng yêu cầu chính quyền sửa đổi Hiến pháp, cải tổ cơ chế, trả tự do cho những nhân vật bất đồng chính kiến cũng như đẩy mạnh dân chủ trong đó có quyền biểu tình và và “tự do phát biểu nhằm phản đối hành động hung hãn của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Họ kêu gọi chính phủ hỗ trợ một số nguyện vọng nhằm thực hiện quá trình hoà giải dân tộc.
“Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: ... Cần cho tái thiết Nghĩa trang Biên Hoà vô điều kiện, giúp đỡ chương trình tìm kiếm hài cốt những người đã bỏ mình trong trại tù cải tạo, không can thiệp vào việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở các nước Đông Nam Á.”
Họ cũng đưa ra những nguyên nhân làm hạn chế số lượng trí thức nước ngoài về nước vì cho rằng việc thiếu tin tưởng của hai bên giữa cơ chế của chính quyền và lực lượng trí thức hải ngoại.
Bức thư của nhóm trí thức hải ngoại khẳng định sự đồng thuận với các nhân sỹ, trí thức ở Việt Nam. Đặc biệt, họ bày tỏ sự ủng hộ với bản Tuyên cáo chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam hôm 25/6 và bản Kiến nghị công dân ngày 10/7.
Hai bản Tuyên cáo và Kiến nghị này được lực lượng trí thức nước ngoài đánh giá là những ý kiến chính đáng và trung thực.
Trong khi đó, sau sự kiện về cuộc gặp giữa nhóm nhân sỹ trí thức trong nước và giới chức Hà Nội hôm 27/7, nhiều bài báo trong nước đã lên tiếng chỉ trích những người này và một số blogger nói việc bắt giữ những người biểu tình là theo đúng nghị định 38 về "hành vi gây rối trật tự công cộng".
Nguồn BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét