Pages

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Nghĩ gì qua những cuộc biểu tình phản đối TQ?


AFP PHOTO
Người dân biểu tình chống Trung Quốc tại
Hà Nội hôm 03-07-2011.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011-08-29
Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Việt Nam vừa qua dường như cho thấy có một điều khác nữa hơn là tâm trạng bức xúc phản đối thông thường với những gì đang diễn ra trên biển Đông.

Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Việt Nam đã kéo dài hơn 2 tháng. Mặc dù các cuộc biểu tình này nhằm phản đối các hành động lấn áp của Trung Quốc đối với Việt Nam trên biển Đông nhưng dường như lại đang cho thấy một điều khác nữa hơn là tâm trạng bức xúc phản đối thông thường với những gì đang diễn ra trên biển Đông. Điều này là gì? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.


Không thể có hữu nghị

Cuộc biểu tình hôm 21 tháng 8 vừa qua đã là cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần thứ 11 trong vòng hơn 2 tháng qua tại Việt Nam, một tiền lệ chưa từng xảy ra trước đó. Những người dân Việt Nam bình thường đã xuống đường bất chấp những ngăn cản, bắt bớ từ chính quyền không chỉ đơn thuần cho thấy một tâm trạng bức xúc trước những hành động lấn áp của Trung Quốc trên biển Đông.
Biểu tình để làm gì, để biểu thị thái độ và ý chí của nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc.
GS Tương Lai
Giáo sư Tương Lai, nguyên giám đốc viện xã hội học Việt Nam, người đã tham gia biểu tình phản đối các hành động lấn áp của Trung Quốc cho rằng hơn lúc nào hết người dân Việt Nam muốn sống hòa bình hữu nghị với người láng giềng to lớn Trung Quốc, thế nhưng những gì đang diễn ra không cho phép điều đó. Ông phát biểu:
“Khi Trung Quốc hoành hành ở biển Đông, khống chế không cho ngư dân Việt Nam làm ăn bình thường, uy hiếp, bắt bớ, hành hung, thậm chí còn tráo trở cắt cáp tàu Việt Nam thì làm sao mà có thể có được hữu nghị được, không thể có….”
Những cuộc biểu tình nổ ra ngay từ hồi đầu tháng 6 sau khi tàu Trung Quốc trong vòng 2 tuần liên tiếp cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam ngay trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chưa kể trước đó, các ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc nhiều lần xua đuổi bắt bớ, đánh đập.
Trước đó vào năm 2007, người Việt Nam cũng đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền.
Những cuộc biểu tình này không chỉ cho thấy tâm trạng bức xúc của người dân Việt Nam trước hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông, mà nó còn phần nào phản ánh lịch sử đầy biến động giữa hai dân tộc từ cả ngàn đời nay và những gì đang xảy ra chỉ như một giọt nước tràn ly. Giáo sư Tương Lai giải thích:
“Thực tế là dân tộc Việt Nam này không chịu khuất phục mà Trung Quốc muốn đồng hóa Việt Nam lâu lắm rồi, không phải họ chỉ muốn mang quân sang xâm chiếm đâu, mà họ bằng nhiều mối liên hệ phức tạp khác để đồng hóa…. Biểu tình để làm gì, để biểu thị thái độ và ý chí của nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc như là trường kỳ lịch sử dân tộc Việt Nam đã như vậy và bây giờ người Việt Nam cũng như vậy.”

biettinh3-250.jpg
Sáng Chủ nhật 24-7-2011, hàng trăm người tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. NXD's blog.
Theo giáo sư Tương Lai thì ngay ở vùng đồi Phú Thọ trung du miền Bắc có tuyền thuyết về 100 ngọn đồi, trong đó 99 ngọn đồi còn nguyên vẹn, một ngọn đồi bị vạt đứt đầu. Người Việt Nam nói đấy là hình ảnh của 99 con voi đi về phương Nam còn một con bị chém đầu là con đi về phương bắc.

Cho đến những năm của thế kỷ 20, vào thời kỳ quan hệ hai nước Việt Trung có vẻ son sắt nhất, thì người Việt Nam cũng vẫn cảnh giác với người anh láng giềng. Giáo sư Tương Lai nói tiếp:
“Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Trung Quốc vì đã từng giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Không bao giờ Việt Nam quên ơn đó, nhưng đồng thời phải nhìn nhận là sự chiến đấu của Việt Nam cũng đóng góp cho hòa bình và xây dựng của Trung Quốc, rõ ràng là Trung Quốc muốn đẩy xa cuộc chiến tranh ra khỏi biên giới mình.”
Kiến nghị phân tích rất rõ nguy cơ này, như một báo động nếu không có các biện pháp hiệu quả thì sẽ có nguy cơ bị Trung Quốc lấn dần chẳng những lãnh hải mà cả đất liền.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Rồi đến những năm sau 1975, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam bước vào giai đoạn căng thẳng. Người Hoa tại Việt Nam bị phân biệt đối xử, rồi Polpot, đồng minh của Trung Quốc ở Cambuchia đánh vào các tỉnh ở miền Nam Việt Nam, chiến tranh biên giới với Trung Quốc xảy ra vào năm 1979. Cựu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết trong cuốn hồi ký của mình rằng “trong thực tế, khách quan mà nói Trung Quốc giúp ta nhiều thật: vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, ta cũng khó thắng Mỹ. Nhưng việc đánh ta, giết đồng bào ta, phá sạch nhà cửa của cải của ta năm 1979 đã xóa sạch ân nghĩa đó.”

Không đúng tâm trạng người dân

Gần đây nhất là cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 giữa hai nước. Đây cũng là một dấu ấn không thể quên trong lịch sử giữa hai nước.
Sau một thời kỳ căng thẳng, đến năm 1991 quan hệ hai nước được bình thường hóa. Giai đoạn chung sống hòa bình đã giúp cho hai nước ổn định phát triển kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức 30 triệu đô la năm 1991 lên đến 27 tỷ đô la vào năm 2010. Chính phủ Việt Nam coi Trung quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình. Trung Quốc cũng hiện là nước cung cấp nhiều vốn vay ưu đãi lãi suất thấp cho Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với các dự án khai khoáng.
Trong khi lãnh đạo hai nước ngoài miệng vẫn đề cao phương châm 16 chữ vàng được đưa ra từ năm 1991 là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, thì người dân Việt Nam dường như vẫn không thể an tâm với những gì Trung Quốc đang làm với mình. Vào đầu tháng 7 vừa qua, 20 nhân sĩ trí thức Việt Nam đã gửi kiến nghị lên quốc hội và bộ chính trị ban chấp hành trung ương đảng, cảnh báo về nguy cơ xâm lược của Trung Quốc. Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam nói về bản kiến nghị như sau:

000_Hkg5218900-305.jpg
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội sáng 14-08-2011. AFP PHOTO.
“Trong kiến nghị của 20 nhân sĩ trí thức gửi bộ chính trị và quốc hội cho đến nay là gần 1,500 chữ ký thì phân tích sâu sắc vấn đề biển đông là rất nghiêm trọng nhưng vấn đề đe dọa của Trung Quốc không phải chỉ ở biển Đông, mà bây giờ đã thọc tay sâu trong đất nước Việt nam như cho thuê đất rừng, hay hình thành vùng kinh tế Trung Quốc mà người dân Việt Nam không thể vào được, hay là việc lũng đoạn về chính trị. Kiến nghị phân tích rất rõ nguy cơ này, như một báo động nếu không có các biện pháp hiệu quả thì sẽ có nguy cơ bị Trung Quốc lấn dần chẳng những lãnh hải mà cả đất liền.”

Chính phủ Việt Nam hiện vẫn tìm mọi cách dập tắt các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân, từ thuyết phục đến bắt bớ. Nhưng những nỗ lực này của chính phủ chỉ làm cho người dân càng thêm bức xúc. Giáo sư Tương Lai cho biết:
“Bây giờ bất cứ ai làm mờ âm mưu của Trung Quốc, coi nhẹ nguy cơ đồng hóa và xâm lược của Trung Quốc thì bất cứ ai có điều đó đều gây phẫn nộ trong lòng nhân dân.”
Sự phẫn nộ của người dân Việt Nam với các hành động của Trung Quốc mà giáo sư Tương Lai vừa nói đã lan rộng. Người ta ngày càng thấy có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc trong các cuộc biểu tình, trên các trạng mạng, bất chấp thực tế Việt Nam hiện nhập siêu từ Trung Quốc hàng tỷ đô la mỗi năm. Đã có hai công ty du lịch của Việt Nam công khai không nhận khách Trung Quốc bất chấp thực tế Trung Quốc cung cấp lượng khách du lịch quốc tế đông nhất cho Việt Nam.
Giáo sư Tương Lai cho rằng hận thù dân tộc là điều mà người Việt Nam muốn tránh nhưng rõ ràng những gì đang xảy ra gần đây đang làm cho mối quan hệ của hai nước xấu đi rất nhiều. 16 chữ vàng trong quan hệ hai nước chỉ là điều tuyên bố trên giấy tờ nhưng trên thực tế đã không phản ánh được tâm trạng của người dân Việt Nam lúc này với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: