Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt đã có cuộc gặp gỡ từ biệt Tướng Giáp khi kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 9/2004 và Đại sứ Michael Michalak đã gặp vị tướng huyền thoại để bàn về giáo dục hồi tháng 4/2008.
Trong hai bức điện đánh đi từ Hà Nội, các quan chức từ Đại sứ quán Hoa Kỳ không nhất quán khi nói về tuổi của Tướng Giáp. Họ nói vị tướng này 92 tuổi hồi năm 2004 và 97 tuổi khi đề cập tới cuộc gặp hồi năm 2008.
Theo điện tín gửi đi hôm 7/9/2004, Đại sứ Burghardt cùng một số quan chức của đại sứ quán đã tới chào từ biệt Tướng Giáp hôm 3/9.
Vị tướng đã mời đại sứ mở đầu trước và ông Burghardt đánh giá quan hệ Việt - Mỹ 'tiến triển tốt' nhưng 'còn nhiều việc cần làm'. Ông cũng nói Hoa Kỳ và Việt Nam từng giao tranh và có một lịch sử đau thương nên tiến bộ chậm và từng bước là 'có thể hiểu được'.
Ông Burghardt nói quan hệ quân sự đã bình thường hóa với chuyến thăm của Tướng [Phạm Văn] Trà, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tới Hoa Kỳ và hai tàu hải quân của Mỹ đã thăm Việt Nam. Ông cũng nói ông gặp Tướng Trà trong tuần trước đó và ông Trà đã đưa ra những ý tưởng để cải thiện quan hệ quân sự Việt - Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ nói Hoa Kỳ muốn mở rộng hơn nữa quan hệ quân sự với Việt Nam cũng như hy vọng có thể phá vỡ được sự nghi kỵ và phát triển quan hệ với cảnh sát Việt Nam.
Ông cũng nói Việt Nam cần có sự hòa giải tốt hơn nữa với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ cho dù đã có nhiều cố gắng trong vấn đề này.
Chất độc Da cam
Về phần mình, Tướng Giáp nói ông "không phải là nhà ngoại giao" và ông sẽ nói chuyện thẳng thắn.
Người dẫn dắt quân đội Bắc Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ nói Việt Nam chia sẻ mong muốn tiếp tục cải thiện quan hệ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ông nói hai bên cần tránh các "sự cố", cho dù là lớn hay nhỏ, có thể làm quan hệ xấu đi.
Tướng Giáp nói đã có những "sự cố và vụ việc" không đáng xảy ra trong mấy năm vừa qua.
Ông cũng nhắc tới Hiệp định Paris năm 1973 mà trong đó, theo ông, có điều khoản buộc Hoa Kỳ có trách nhiệm giúp đỡ Việt Nam khắc phục những thiệt hại mà chiến tranh gây ra, bao gồm cả những vấn đề "nhân đạo và truyền thống".
Đại tướng nói ông muốn chính phủ Hoa Kỳ cố gắng hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề chất độc Da cam. Tướng Giáp kể ông đã gặp Đô đốc [Elmo] Zumwalt, người ra lệnh rải chất Da cam ở đồng bằng sông Mekong trong cuộc chiến Việt Nam.
Ông nói những người lính của cả hai bên, trong đó có cả con của Đô đốc Zumwalt, đã bị phơi nhiễm chất độc và vị Đô đốc "đã đồng ý rằng chính phủ Hoa Kỳ phải hợp tác với Việt Nam" để "giải quyết vấn đề".
Về các nội dung trao đổi khác, điện tín của Hoa Kỳ cũng viết: "Ông Giáp bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực và trợ giúp về khoa học về công nghệ.
"Đào tạo con người là cách có ích nhất để giúp đỡ nhau, ông Giáp nói, và lại nhấn mạnh một lần nữa rằng cả hai phía phải giảm thiểu các "sự cố" để đảm bảo quan hệ phát triển mạnh hơn.
"Sự cải thiện quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam là yếu tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là ở Đông Nam Á, và Tướng Giáp cảm ơn Đại sứ đã cố gắng trong lĩnh vực này trong ba năm qua."
Điện tín của Đại sứ quán Hoa Kỳ
"...Tướng Giáp nói chính cháu gái ông đã theo học trường ở Virginia, và, trở lại vấn đề người Mỹ gốc Việt, nói đa số họ đều muốn về "quê hương", và chính sách của Việt Nam là ngày càng "cởi mở", cả về chính trị và kinh tế.
"Kiều hối từ Hoa Kỳ [gửi về Việt Nam] cũng tăng hàng năm.
"Dĩ nhiên, có những kẻ "phản bội tổ quốc"," tướng Giáp nói tiếp, những chuyện này nước nào cũng có.
"Tuy nhiên hầu hết người Việt Nam là "yêu nước" và ông hy vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm những gì có thể để "giúp đỡ" Việt kiều trở về nước thường xuyên hơn."
Tuyên ngôn độc lập
Vị Đại tướng cũng nhắc với Đại sứ Burghardt rằng mọi người đều biết Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam trích lời lẽ từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Ông nói Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều điểm chung và Việt Nam không quên rằng "đa số người Mỹ" phản đối chiến tranh Việt Nam.
Đại tướng nói người dân Việt Nam không bao giờ quên những điều tốt mà người khác làm cho họ và luôn tôn trọng độc lập và chủ quyền của các nước.
Ông nói văn hóa người Việt Nam rất yêu nước nhưng cũng yêu hòa bình và độc lập.
"[Chủ tịch] Hồ Chí Minh mong muốn hòa bình và độc lập không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn thể các dân tộc trên thế giới," điện tín trích lời Tướng Giáp.
Đại sứ Burghardt nói với Tướng Giáp ông tới làm việc ở Việt Nam lần đầu tiên là tại Đại sứ quán ở Sài Gòn khi Việt Nam còn chiến tranh.
Còn trong lần công tác này của ông, Việt Nam đã hòa bình và đang phát triển.
Tướng Giáp nói Việt Nam "anh hùng và đang phát triển" nhưng vẫn còn nghèo trong khi Hoa Kỳ giàu hơn nhiều.
Đại sứ Burghardt nói Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam giàu hơn và đang cố gắng giúp đỡ bằng cách khuyến khích đầu tư và trợ giúp cho Việt Nam.
Ông cũng nói Hoa Kỳ muốn thấy một nước Việt Nam mạnh và giữa hai nước không có xung đột chiến lược mà thực tế có nhiều lĩnh vực trong đó hai bên có sự tương đồng chiến lược.
'Ghi âm Đại tướng'?
Bức điện tín về cuộc gặp thứ hai của Tướng Giáp với Đại sứ Michael Michalak mà Wikileaks công bố được đánh đi hôm 5/5/2008 có tựa đề "Vẫn còn minh mẫn ở tuổi 97: Tướng Giáp nói chuyện giáo dục với Đại sứ".
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói Đại sứ Michalak đã đề nghị có cuộc gặp, vốn kéo dài 40 phút, để bàn về vấn đề trao đổi giáo dục.
Phần tóm tắt cuộc gặp của điện tín nói Tướng Giáp cho thấy ông là người ngưỡng mộ các định chế giáo dục của Hoa Kỳ.
Theo điện tín, Tướng Giáp mặc quân phục, ngồi trong phòng khách, và không đứng lên khi Đại sứ và các tùy viên chính trị của đại sứ quán bước vào.
Không có đại diện báo chí nào có mặt và trên bàn có máy ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện và Đại sứ quán nhận định điều này có lẽ cho thấy các quan chức của Đảng vẫn cảm thấy phải theo dõi những gì Tướng Giáp nói với khách nước ngoài bất chấp tuổi già của ông.
Bức điện tín cũng có chú thích: "Sau khi gạt bỏ Tướng Giáp, và đưa ông ra khỏi Bộ Chính trị hồi năm 1982, mà lý do được cho là ông phản đối đưa quân vào Cam Pu Chia, các đối thủ trong Đảng tiếp tục giám sát các hoạt động và câu chuyện của vị Tướng."
Tướng Giáp nói trong cuộc gặp rằng Chính phủ Việt Nam chú trọng tới cải thiện giáo dục và khoa học và "nhân tố con người" là quan trọng nhất.
Ông nói một trường đại học của Hoa Kỳ nên có cơ sở ở Việt Nam, có thể là theo hình thức đại học liên doanh Việt - Mỹ.
Đại sứ Michalak nói với Tướng Giáp chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn một trường của Hoa Kỳ có chi nhánh ở Việt Nam và Hoa Kỳ muốn tăng gấp đôi số sinh viên Việt Nam du học ở Hoa Kỳ.
Ông Michalak nói trong điện tín rằng vị tướng nói lẫn một số lần trong cuộc gặp nhưng nói rất rõ ràng về tầm quan trọng của giáo dục.
Điện tín kết thúc với câu: "Với bằng tiến sỹ kinh tế và cựu giáo viên trung học, người có con gái và các cháu học ở các trường đại học của Hoa Kỳ, vị Tướng nói rõ rằng ông coi các định chế giáo dục của Hoa Kỳ là quan trọng đối với tương lai của Việt Nam."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét