Công an mặc thường phục bắt người biểu tình lên xe buýt sau khi giải tán một cuộc tuần hành chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày Chủ nhật 21/8/2011
Theo dõi phản ứng của chính quyền Việt Nam đối với các vụ biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội gần đây, tôi thấy có một số điều chúng ta có thể hiểu nhưng đồng thời cũng có một số điều, thú thực, không có cách nào có thể giải thích được.
Hiểu được là sự sợ hãi của chính quyền trước các cuộc biểu tình ấy.
Hiểu được là sự sợ hãi của chính quyền trước các cuộc biểu tình ấy.
Sợ hãi ít nhất vì hai lý do chính.
Thứ nhất, nó dễ tô đậm sự khác biệt của những người biểu tình sôi sục tinh thần yêu nước và công phẫn trước những sự uy hiếp và xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc với thái độ mập mờ, thậm chí, hèn yếu của chính quyền Việt Nam. Từ mấy năm nay, đã nghe xôn xao nhiều lời phê phán của dân chúng là chính quyền hèn. Hèn đến độ từng có lúc không dám gọi thẳng tên tàu Trung Quốc mà chỉ dám nói bâng quơ “tàu lạ” khi những chiếc “tàu lạ” ấy giết hại hoặc bắt bớ ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cái ấn tượng “hèn” ấy chắc chắn sẽ càng dễ nổi bật hẳn lên khi hàng tuần người ta nhìn thấy bao nhiêu người nhiệt tình đổ xuống đường lên tiếng đả đảo Trung Quốc.
Thứ hai, các cuộc biểu tình ấy rất dễ trở thành đe dọa đối với chính quyền. Một là, nó tập cho dân chúng thói quen xuống đường bày tỏ thái độ và chính kiến. Hai là, từ việc biểu tình chống Trung Quốc, một ngày nào đó, nó có thể thay đổi mục tiêu thành biểu tình chống chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn những gì mới xảy ra ở Tunisia và Ai Cập và những gì đang xảy ra ở Libya hiện nay, những người cầm quyền Việt Nam không thể không run sợ.
Ai cũng thấy, và dĩ nhiên, chính quyền Việt Nam lại càng thấy rõ: Hai nguy cơ vừa nêu chắc chắn dễ bộc phát ở Sài Gòn hơn là ở Hà Nội. Lý do rất dễ hiểu: Sự bất mãn của dân chúng ở Sài Gòn sâu sắc hơn, tinh thần bất phục tùng cao hơn; niềm tin vào chính phủ và đảng chắc chắn yếu hơn hẳn. Chính vì biết rõ như vậy nên chính quyền thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ở Sài Gòn ngay khi nó mới manh nha, trong khi đó, họ lại ngần ngừ và ít nhiều tỏ ra nhân nhượng, ít nhất trong một thời gian ngắn, đối với các cuộc biểu tình ở Hà Nội.
Sự sợ hãi ấy của chính quyền có thể hiểu được. Thật ra, bất cứ chính phủ độc tài nào cũng khiếp sợ điều đó. Không có chính quyền độc tài nào muốn dân chúng tụ tập thành đám đông cả. Ngay việc tụ tập trong nhà hay trong các quán cà phê cũng khiến họ e ngại, đừng nói gì đến các cuộc tụ tập công khai ngoài đường phố. Bởi vậy, không có gì lạ khi, đối diện với những cuộc biểu tình tương tự, dù có chính nghĩa đến mấy, chính quyền cũng tìm cách dẹp tan: Chuyện độc lập dân tộc là chuyện lâu dài; còn chuyện an nguy của chế độ lại là chuyện trước mắt. Bất cứ tên độc tài nào, tự bản chất, cũng chạy theo những cái lợi trước mắt như thế.
Tôi nghĩ, dù không đồng tình, chúng ta cũng có thể hiểu được những nỗi lo sợ ấy. Chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao, từ những nỗi lo sợ như thế, chính quyền đã thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình. Họ thừa hiểu cái giá phải trả cho việc trấn áp ấy: Khuôn mặt của họ sẽ hiện ra, dưới mắt công chúng trong và ngoài nước, không phải chỉ như những tên độc tài thô bạo mà còn như những kẻ rụt rè khiếp hãi trước một Trung Quốc hung hãn và ngang ngược.
Chính quyền sợ và tìm cách ngăn chận các cuộc biểu tình: Chúng ta hiểu. Chính quyền sợ và tìm mọi cách để lấy lòng Trung Quốc: chúng ta hiểu.
Tuy nhiên, riêng tôi, tôi không hiểu được điều này: Tại sao họ lại thù ghét và lăng nhục những người biểu tình chống Trung Quốc?
Không đồng ý với họ?
– Được!
Không muốn họ tuần nào cũng xuống đường?
– Được.
Nhưng tại sao lại bắt bớ họ như những kẻ thù như vậy? Tại sao phải lôi kéo họ như lôi kéo những con vật như vậy? Tại sao lại đạp vào mặt họ ngay cả khi họ đang bị giữ chân giữ tay như vậy? Tại sao phải chửi bới mày-tao, thậm chí, đánh đập họ khi đã bắt họ vào các đồn công an?
Gần đây nhất, Vũ Quốc Ngữ, trong bài “Năm ngày trong nhà tạm giam công an Từ Liêm” kể chuyện ông bị bắt và bị đánh sau cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 21 tháng 8:
“Một đám cảnh sát bắt chúng tôi mang chăn ra đứng một góc để giũ xem có giấu gì trong đó không. Sau đó chúng bắt cởi hết quần áo và cũng giũ rồi cho mặc lại và ôm chăn về phòng. Bị xúc phạm như một con vật nhưng tôi đành cắn răng, mình mà phản ứng chắc chúng cho ăn đòn. “Ngoan” đến thế rồi mà cũng không thoát. Một tên trung uý Nguyễn Mạnh Tường (số hiệu 023-175) nhìn thấy tôi, nói “Thằng này mới nhập trại vì tội biểu tình hôm qua đây ah?” rồi bắt tôi đi vào một cái phòng trống ở cuối dãy. Vào đó nó đấm tôi một phát đau điếng người ở bụng mỡ. Tôi oằn người xuống. Nó tát liên tiếp lên hai mang tai và nói “Chúng mày biểu tình gây rối, kích động Trung quốc đánh Việt Nam, làm hại đến gia đình tao, vợ con tao”, nói rồi nó lại đấm, lại tát, rồi vu cho tôi là tình báo của Tàu. Tôi chỉ nói “không” và tập trung nhìn vào biển hiệu của tên này để nhớ. Đấm chán nó bảo tôi ra ngoài mặc quần áo rồi đưa tôi về phòng. Có nhiều công an xúc phạm và chửi bới tôi trong suốt 5 ngày giam giữ, nhưng tên Trung uý Tường là tên duy nhất đánh tôi. Tôi không sợ đau, nhưng mỗi từ thốt ra từ miệng tên này thể hiện sự căm thù tột độ đối với người yêu nước.”
Tại sao?
Rồi tại sao lại viết báo bôi nhọ họ? Một hai tuần vừa qua, trên báo chí và truyền hình chính thống cũng như một số website thân chính quyền, người ta thấy xuất hiện một số bài không có mục tiêu nào khác ngoài việc lăng nhục những người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Họ bị xem là “ngây thơ” hay “thiếu thông tin”. Chưa hết. Họ còn bị cho là “bị xúi giục” hay “bị xách động”. Cũng chưa hết. Họ bị kết án là “gây rối trật tự công cộng”, “coi thường luật pháp”. Cũng vẫn chưa hết. Một số người còn bị xem là “lố bịch” hay “láo xược”, muốn “lợi dụng biểu tình” để “đánh bóng cá nhân” hay để “khỏa lấp tội lỗi” gì đó.
Cũng giống như thái độ của các tên công an bắt bớ hay đánh đập người biểu tình ngoài đường phố, giọng điệu trong các bài báo ấy cũng đầy vẻ thù nghịch và thù hận.
Nhưng tại sao phải thù hận những người biểu tình chống Trung Quốc khi động cơ của họ rõ ràng là từ lòng yêu nước?
Một sự thù hận như thế rất dễ được hiểu là sự thù hận đối với chính lòng yêu nước.
Nhưng tại sao họ lại thù hận lòng yêu nước?
Thực tình tôi không thể hiểu được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét