Pages

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Khi tòa án vi phạm pháp luật

Mặc Lâm, BTV RFA

Kết quả y án trong phiên toà phúc thẩm xét xử TS Cù Huy Hà Vũ đã dấy lên một luồng sóng phản đối cả trong và ngoài nước, và người ta tin rằng toà án không làm đúng chức năng của mình khi các bằng chứng cũng như thủ tục xét xử không phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Thân nhân TS Cù Huy Hà Vũ không được vào tham dự phiên tòa xử phúc thẩm ông hôm 02/8/2011. AFP photo

Mặc Lâm phỏng vấn TS Luật sư Trần Đình Triển để biết thêm chi tiết phiên tòa, và những điều mà hội đồng xét xử, viện kiểm sát cũng như thẩm phán đã vi phạm pháp luật.

Xử không khách quan
Mặc Lâm : Thưa Luật Sư, ông là người bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, theo ông thì có gì khác nhau đáng chú ý nhất?

LS Trần Đình Triển : Giữa hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm không có gì khác nhau. Trước hết là về hình thức của phiên tòa thì đều công bố là phiên tòa công khai nhưng phương cách tổ chức thì đều thấy là bí mật. Cách bảo vệ và những việc hạn chế đến mức tối đa những người vào tham dự phiên tòa thì không khác nhau, mà nó chỉ khác nhau ở chữ "sơ thẩm" và "phúc thẩm", còn các diễn biến tại phiên tòa thì nó cũng chỉ y nguyên như vậy thôi.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn có những nguyên tắc mà không thể chấp nhận được, ví dụ trích dẫn điều luật thì cũng không trích dẫn chính xác, và ngay những yêu cầu về mặt người tham gia tố tụng hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ, tài liệu của vụ án cũng không được chấp nhận. Tôi đánh giá một cách chung như vậy, còn cái khác nhau ở chỗ là gì?

Trước đây trong phiên tòa sơ thẩm thì các luật sư đã nêu ra là hội đồng xét xử vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, và theo yêu cầu của thân chủ thì các luật sư không tham dự phiên tòa. Còn lần này thì các luật sư chúng tôi cũng đã bàn tính với nhau là trong mọi trường hợp đều phải tham dự phiên tòa cho đến cuối cùng, và cố gắng trình bày hết quan điểm của mình với một tấm lòng hết sức chịu đựng, thậm chí có thể bị đe dọa nhưng chịu nhịn nhục để tham gia phiên tòa cho đến cuối cùng, và cũng phải trên cơ sở đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và ý nguyện của lòng dân, phù hợp với cộng đồng thế giới, với chứng cứ, hồ sơ, tài liệu và quy định của Đảng và pháp luật, để chúng ta đánh giá rằng để đi đến kết luận thống nhất là anh Cù Huy Hà Vũ không có tội.

Mặc Lâm : Thưa Luật Sư, chúng tôi đựơc biết Viện kiểm sát đã cáo buộc TS Cù Huy Hà Vũ đã viết rằng đại hội Đảng lần thứ 11 là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy ông Hà Vũ không hề viết hay nói điều này, Luật Sư đã phản biện với Viện kiểm sát như thế nào, thưa ông?

LS Trần Đình Triển : Tôi đã phân tích là khi người ta viết lên một tác phẩm thì phải đánh giá chung toàn bộ tác phẩm đó chứ không thể cắt xén đoạn này thì ý nghĩa nó khác nhau đi. Đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam mình, cha ông mình đã nói là "phong ba bão táp không khó bằng ngữ pháp Việt Nam". Điều 214 nói rằng tất cả các chứng cứ đã thu thập phải được đánh giá một cách khách quan, toàn diện, tổng thể tại phiên tòa, chứ không thể cắt xén như ở Viện kiểm sát được.

Đồng thời trong cáo trạng của bản án sơ thẩm thì trích dẫn 10 đầu tài liệu đó thì hầu như là trích dẫn đều có sai sót cả, nó làm thay đổi ý nghĩa, thậm chí có những vấn đề thêm bớt. Anh Cù Huy Hà Vũ chưa bao giờ có một văn bản nào nói rằng "Đại hội lần thứ 11 là đại hội cuối cùng của Đảng CSVN", trong cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm này đưa thêm vào đoạn đó, nó làm thay đổi đi cái quan điểm của người viết. Còn những điều chúng tôi đã phân tích, đánh giá tại phiên tòa thì được Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát cho rằng "có thừa nhận là có sai sót" nhưng lại kết luận rằng "không làm thay đổi bản chất nội dung bài viết với mục đích & ý nghĩa của Cù Huy Hà Vũ".

Tôi cho rằng đấy là một sự phiến diện, một sự quy chụp đã làm thay đổi bản chất ý nghĩa của bài viết mà họ dám kết luận như vậy.

Mặc Lâm : Ngay từ đầu TS Cù Huy Hà Vũ đã yêu cầu toà án thay thế toàn bộ Hội đồng xét xử vì tất cả thành viên trong hội đồng này đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. TS Vũ bị cáo buộc là chỉ trích Đảng do đó sẽ bị các đảng viên này nhìn vấn đề một cách phiến diện. Luật Sư nghĩ sao về đòi hỏi hết sức hợp lý này nhưng mà toà lại không chấp nhận?

LS Trần Đình Triển : Thật ra đề nghị của anh Cù Huy Hà Vũ tôi cho rằng nếu nhìn về một góc độ nghiên cứu về mặt pháp lý và để đảm bảo cái tính trung thực, khách quan của Hội đồng xét xử thì tôi cho đấy là một đề nghị rất hợp lý. Và sự cải cách tư pháp cũng phải nhìn nhận được đó là một đề nghị rất hay, nhưng thực tiễn ở Việt Nam thì chưa có một luật nào quy định là người đứng ở vị trí này, ở cương vị này thì không được ngồi xét xử vị trí kia, hay là đảng viên thì không được ngồi xét xử người ngoài đảng, vân vân, thì cái đó không có quy định trong luật hiện hành ở Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng đề nghị của anh Cù Huy Hà Vũ là một điều để cho chúng ta xem xét trong tương lai cần phải có một chế định, một quy định đảm bảo tính vô tư, khách quan trong xét xử. Nhưng để đòi hỏi thay đổi hiện nay trong luật pháp của Việt Nam thì chưa có chế định hợp lý nào để yêu cầu đó được chấp nhận cả, do đó tòa họ bác đi và tôi cho rằng điều đó cũng không sai với pháp luật hiện nay.

Vi phạm luật tố tụng








Thân nhân TS Cù Huy Hà Vũ không được vào tham dự phiên tòa xử phúc thẩm ông hôm 02/8/2011. AFP photo

Mặc Lâm : Thưa Luật Sư, ông có đoán trước được kết quả của phiên tòa phúc thẩm hay không? Và nếu kết quả này đã được ông tiên liệu thì động cơ nào thúc giục ông tiếp tục bảo vệ cho TS Cù Huy Hà Vũ?

LS Trần Đình Triển : Các luật sư khác thì tôi không biết, nhưng tôi thì tôi đã dự đoán được từ trước là không có gì để thay đổi bản án sơ thẩm cả. Đó là điều mà tôi đã phán đoán.

Tại sao tôi vẫn tiếp tục tham gia để bảo vệ anh Cù Huy Hà Vũ? Đó là để tôi muốn nói rằng cần phải đổi mới, còn nếu không thì với trình tự như thế này thì hội đồng xét xử ngồi đó cũng chỉ để đủ mâm đủ cỗ thôi. Còn việc các luật sư tham gia, có 4 luật sư hay 100 luật sư, thì cũng vậy thôi, nó không thay đổi đi được. Đấy là điều đáng buồn. Nhưng tôi cũng cần phải tham gia, trước hết để tôi chứng minh rằng không có gì thay đổi, bởi vì sao, vì những vi phạm tố tụng như thế này mà còn không xử lý.

Đây, tôi xin dẫn chứng cho mọi người nghe. Việc khám xét tại khách sạn Mạch Lâm, ở đó được đạo diễn là hai bức thư nặc danh; quy định của luật khiếu tố - khiếu nại, cũng như quy định của Đảng về công tác kỷ luật đảng viên, thì quy định rằng thư nặc danh không có giá trị pháp lý để xem xét, vậy thì hà cớ gì công an phường 11 lại khám xét nhà? Căn cứ vào đó tất nhiên tôi vẫn nói là công an phường 11 cũng chỉ là một tổ chức để thực thi một việc gì đó do Đảng giao thôi.

Về mặt luật, người ta đã thuê khách sạn thì đấy là chỗ ở của họ, mà muốn xét chỗ ở thì về mặt tố tụng là phải có lệnh và được phê bởi viện kiểm sát, phải có chữ ký của chủ tịch UBND quận trở lên.

Họ ngang nhiên, không hề có lệnh khám xét phòng ở khách sạn Mạch Lâm, nơi anh Cù Huy Hà Vũ đang ở, ấy là ngang nhiên vi phạm pháp luật. Họ khám xét đồ dùng, tài sản của anh Vũ mang theo và họ tạm giữ về mặt hành chánh từ 0 giờ của ngày mùng 5 đến 19 giờ, tức là 19 tiếng đồng hồ, mà không hề có lệnh, thì về mặt tố tụng là họ đã vi phạm và cần phải khởi tố vụ án là vi phạm chỗ ở của công dân và khám xét sai pháp luật, nhưng họ lờ đi.

Sang đến cái việc khi tạm giữ, đến cơ quan an ninh điều tra của Bộ công an thì ra lệnh khám xét và bắt khẩn cấp anh Cù Huy Hà Vũ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ phê chuẩn lệnh bắt và lệnh khám xét nhà ở của anh Vũ ở tại 24 Điện Biên Phủ, cũng như ở TP.HCM, chưa hề được phê chuẩn của Viện kiểm sát, như vậy thì việc cơ quan an ninh khám xét 24 Điện Biên Phủ, nơi nhà ở của anh Vũ, cũng như đồ dùng của anh Vũ, và thậm chí trong quyết định của cơ quan an ninh lại đưa ra cái khám xét địa chỉ mà điều lạ lùng nhất là cái địa chỉ đó chính là trụ sở làm việc của công an phường 11 quận 6 (TP.HCM).

Chính những việc vi phạm đó của cơ quan thi hành tố tụng, chính họ đang làm suy yếu đi, mất niềm tin của dân với Đảng, với Nhà nước, và chống nhà nước chính là những hành vi như vậy. Tôi cho rằng cần phải khởi tố ngược lại những người ngang nhiên vi phạm pháp luật, ngang nhiên vi phạm Nghị quyết 08, Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính Trị về cải cách tư pháp.

Vi phạm luật như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, uy tín của Nhà nước, và làm thiệt hại quyền lợi của nhân dân. Những người đang chống đó, đấy mới chính là chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Tôi đau cho đất nước trong cái nỗi đau chung của những việc nhà nước giao quyền cho họ, họ chà đạp lên cả những quy định của pháp luật. Cái điều đó đáng phải là xử lý họ. Chống Đảng là chính họ, và chống Nhà nước cũng chính là họ, chống nhân dân cũng chính là họ.

Mặc Lâm : Xin một lần nữa cảm ơn LS Trần Đình Triển đã tạo cơ hội cho chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào: