Pages

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Tên Tàu Cho Đảo Việt

Trần Khải

Chúng ta nên ghi tâm khắc cốt rằng: Trung Quốc có quá nhiều độc chiêu. Hễ tin tưởng, là chết thê thảm. Nếu không chết liền, thì cũng lâu dài mà chết.
Những tấm gương thấy rõ rồi đó: Tây Tạng, Tân Cương… Một khi Trung Quốc lấn thế, những vùng đất chịu ảnh hưởng TQ sẽ khó mà vùng vẫy ra nổi.












Trong khi đó, quân lực Mỹ đi khắp toàn cầu, tham dự rất nhiều cuộc chiến, đóng quân tại 237 quốc gia và lãnh thổ khác nhau, và ngay cả trong 2 cuộc chiến lớn nhất đương thời là Iraq và Afghanistan, chính phủ Mỹ luôn luôn quan tâm về những cách rút quân cho toàn vẹn. Không hề nghĩ tới chuyện ăn đời ở kiếp, hay là âm mưu chuyện xóa sổ các nền văn hóa bản địa.
Mới đây nhất, lộ liễu thì không xong, TQ mới bày trò bơm 3 tỉ đô để xây thánh địa Phật ở Nepal. Thoạt nghe thì tuyệt vời. Nhưng chuyện thì đầy cạm bẫy hung hiểm.
Bạn thử hình dung rằng, TQ đề nghị bơm 3 tỉ đôla để xây Thánh Địa Phật Giáo ở Lâm Đồng, hứa rằng sẽ xây Phật Học Viện đẳng cấp quốc tế, sẽ xây hàng loạt xa lộ và khách sạn chung quanh đó, và đề nghị đào tạo nhiều thế hệ tăng ni VN, trong khi tạo việc làm cho hàng chục ngàn dân với ngành du lịch quanh Đông Đô Phật Học Viện…

Nếu TQ đề nghị bơm tiền rộng rãi như thế, hẳn là VN sẽ ưng chịu dễ dàng — có thể thấy, cán bộ VN hy vọng phong bì sẽ chìa ra từ các công ty xây cất cầu đường, chùa viện, khách sạn… và từ các công ty hướng dẫn du lịch cho dự án 3 tỉ đô như thế.
Vậy mà chính phủ Nepal từ chối một đề nghị y hệt như thế. Một tháng sau khi hội bất vụ lợi Asia Pacific Exchange and Cooperation Foundation (APECF), một hội do chính phủ Bắc Kinh hỗ trợ có trụ sở chính ở Hồng Kông, ký bản ghi nhớ với cơ quan Phát Triển Kỹ Nghệ LHQ (UNIDO) sẽ làm một dự án 3 tỉ đô để xây Lumbini (Việt ngữ, phiên âm là Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật ra đời, trong lãnh thổ Nepal để thành một thánh địa Phật Giáo, trong đó sẽ có một Đại Học PG dạy theo 3 truyền thống — Nam Tông, Bắc Tông, Phật Giáo Tây Tạng — một mạng lưới xa lộ, cầu đường, một phi trường quốc tế để đón du khách toàn cầu, nhiều chùa viện, và mọi thứ cần thiết cho ngành du lịch.
Ngày lễ cắt băng động thổ, đặt viên đá góc, là ông Đạị Sứ Trung Quốc tới, ca ngợi rằng chính phủ Trung Quốc biết tôn trọng truyền thống tôn giáo địa phương, và vân vân… Tuy nhiên, khi nói rằng dự án Phật Giáo này sẽ dạy cả PG Tây Tạng, nhưng hội bất vụ lợi TQ nêu trên không hề mời các vị lạt ma hay tăng ni có khuynh hướng thân với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều này cho thấy có vẻ như tương lai, nếu dự án xây xong, TQ sẽ đưa vị Ban Thiền Lạt Ma do nhà nước TQ dàn dựng tới Lumbini trụ trì, vân vân kiểu như thế.
Và hôm Thứ Bảy, một tháng sau khi TQ ầm ĩ về lòng từ bi với thánh tích Đaọ Phật như thế, chính phủ Nepal chính thức từ chối dự án này. Bộ Trưởng Văn Hóa Nepal là Mod Raj Dotel nói với các phóng viên rằng chính phủ Nepal không muốn dự án xúc tiến, vì không có thông tin chính thức từ biên bản ghi nhớ của LHQ.
Tại sao Nepal bác bỏ dự án nhiều lợi ích kinh tế như thế? Nếu nhớ rằng, 3 tỉ đô là gần bằng 1/10 tổng thu nhập quốc dân GDP trị giá 35 tỉ đô/năm của Nepal, chúng ta mới thấy sự hy sinh can đảm của chính phủ Nepal.
Dân số Nepal chỉ mới 29 triệu người, theo bản thống kê dân số 2010, và chỉ cần mỗi năm, theo dự án này, thu hút ít nhất 1 triệu du khách tới thăm Lumbini, thì dân Nepal đếm tiền vô số kể.
Vậy mà Nepal từ chối. Đó là bàì học cho VN vậy: chủ quyền là quan trọng. Bài học Tây Tạng, Tân Cương còn đó.
Chính phủ CSVN đã phạm sai lầm nhiều lần trong quá khứ về quyết tâm gìn giữ lãnh thổ, lãnh hải.
Báo Beijing Review hôm Thứ Hai 1-8-2011 có bài viết nhan đề “Still Arguing” (Vẫn Còn Tranh Cãi) của tác giả Li Jinming, giáo sư Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở đạị học Xiamen University, viết rằng chính phủ CSVN đã ít nhất 3 lần công nhận rằng Trung Quốc có chủ quyền toàn bộ trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Bài viết nêu ra luận điểm:
“Từ 1954 tới 1975, chính phủ CSVN công khai công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ TQ trong nhiều trường hợp. Thí dụ, Thủ Tướng VN Phạm Văn Đồng xác nhận những đảo này là lãnh thổ TQ trong văn thư ngoại giao gửi Thủ Tướng TQ Chu Ân Lai vào ngày 14-9-1958. Sau đó, còn được xác nhận bởi một bản đồ thế giới xuất bản bởi Tổng Tư Lệnh Quân Lực CSVN năm 1960. Trong bản đồ, đảo Nam Sa (tức Trường Sa) được ghi là lãnh thổ TQ. Rồi sau đó, vào năm 1972, Sở Thăm Dò và Bản Đồ VN in một bản đồ trong đó đảo Nam Sa viết bằng chữ Trung Hoa, chứ không phải viết bằng tiếng Việt, Anh hoặc Pháp.”(hết trích dịch)
Đó là những chi tiết mới do phía Trung Quốc đưa ra. Không hiểu đó có phải là sự đồng thuận thực sự giữa TQ-VN hay không? Chưa thấy Bộ Ngoại Giao VN trả lời.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, một bản công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã là một sai lầm lớn, nay vướng thêm 2 sai lầm năm 1960 và 1972 quả nhiên cho thấy chế độ có vấn đề “lỗi hệ thống.”
Những chuyện như thế không bao giờ xảy ra tại Sài Gòn, ngay cả trước 1975, khi chế độ Miền Nam là một nền dân chủ bất toàn. Khi đụng tới chủ quyền thiêng liêng trên đất và biển, chỉ cần một biến động nhỏ là sẽ được nền báo chí tự do (dù là bất toàn) tại Miền Nam la làng. Không thể nào có chuyện ém nhẹm thông tin tới vài chục năm sau mới lộ ra, mà lộ ra lại là từ phía TQ.
Chúng ta không thể đoán nhà nước VN sẽ trả lời TQ thế nào, nhưng đã tới hoàn cảnh toàn dân cần chung sức giữ gìn đất và biển quê nhà. Đây là giây phút chỉ cần thêm một “đồng thuận” sai trái nữa giữa Hà Nội và Bắc Kinh, đất nước có thể sẽ trở thành một Tây Tạng thứ 2.
Giải pháp hay nhất chính phủ VN có thể thực hiện là: Trả tự do tức khắc cho tất cả các tù nhân lương tâm từng lên tiếng phản đốâi TQ lấn biển, chiếm đảo — trong đó có LS Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Điếu Cầy, chị Phạm Thanh Nghiên, và nhiều vị khác… Kế tiếp, mời tất cả những tù nhân lương tâm này thiết lập một ủy ban thông tin về các vấn đề biên giới VN.
Đó sẽ là cách trả lời tuyệt nhất đối với áp lực TQ. Và cũng là phương pháp động viên toàn lực của người dân để bảo vệ lãnh thổ.
Hãy nhìn Nepal mà học: chuyện chỉ mới khả nghi, là chận liền. Huống gì là, ông Đồng đã ký công hàm, và các bản đồ do VN xuất bản năm 1960 và 1972 lại ghi tên Tàu cho các đảo của mình.
Trời ạ, sao mà làm chuyện như thế? Không khẩn cấp mời toàn dân chung sức, rồi sẽ có lúc hết cứu nổi.

Không có nhận xét nào: