Pages

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Cần hủy án “kỳ án hiếp dâm” để điều tra, xét xử lại!

LS. Chu Mạnh Cường
 
(Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)
 
Trong lúc “kỳ án hiếp dâm” ở Hà Đông tưởng như đã đi vào ngõ cụt, Báo Pháp luật Việt Nam bất ngờ nhận được bài phân tích thể hiện góc nhìn hoàn toàn mới của một luật sư về vụ án này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Còn nhiều điểm không thuyết phục
Qua theo dõi các thông tin về vụ kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông, tôi nhận thấy vụ án này đang tồn tại nhiều vấn đề không thuyết phục.
Về việc mới đây Bản án giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của VKSNDTC, nếu như VKSNDTC chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án cũ mà ra kháng nghị và Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng chỉ căn cứ vào bộ hồ sơ này để bác kháng nghị thì không nói làm gì. Còn trong trường hợp này, nếu Cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc, xác minh làm rõ rất nhiều vấn đề, chỉ ra rất nhiều cái sai trong hồ sơ cũ thì việc cấp Giám đốc thẩm cho rằng không có căn cứ để hủy án điều tra là không hợp lý, chưa xem xét toàn diện, chưa áp dụng nguyên tắc “có lợi cho bị can, bị cáo”.
Báo chí có nói các cơ quan tiến hành tố tụng (gồm chủ yếu là các thành phần ở Hà Tây cũ) đã họp nhiều lần và khẳng định việc điều tra, xét xử ban đầu là đúng, và cho rằng việc Cơ quan điều tra Công an Hà Nội điều tra lại vụ án là không đúng về thủ tục tố tụng. Tôi nghĩ rằng, để tự bảo vệ mình, các cơ quan tố tụng nói như vậy cũng dễ hiểu.
3 thanh niên trong “kỳ án hiếp dâm” vẫn đang miệt mài đòi công lý.
3 thanh niên trong “kỳ án hiếp dâm” vẫn đang miệt mài đòi công lý.
Bởi vì, nếu các bị cáo bị oan, tức là các cơ quan tố tụng có lỗi và sẽ phải bồi thường, mà việc bồi thường oan sai luôn là tình huống rất phức tạp trong tố tụng. Còn về việc cơ quan tố tụng cho rằng Công an Hà Nội điều tra lại là sai tố tụng thì cũng không phải là không có căn cứ, vì việc điều tra, xác minh lại vừa qua không nằm trong thủ tục tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, kể cả khi việc điều tra này không nằm trong thủ tục tố tụng nhưng nếu phát hiện ra những tình tiết mới, có lợi cho các bị cáo thì cũng không thể chỉ dựa một cách máy móc vào “trình tự, thủ tục tố tụng” để bỏ qua được, nhất là khi các chứng cứ mới này chỉ ra có dấu hiệu oan sai.
Kêu lên Quốc hội không phải là lựa chọn duy nhất
Hiện nay, Bản án giám đốc thẩm đã bác kháng cáo và pháp luật tố tụng hình sự hiện nay chưa có quy định về việc ai có thẩm quyền xem xét lại Bản án giám đốc thẩm. Trả lời báo chí, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng các bị cáo có thể làm đơn kêu lên Quốc hội và Quốc hội có thể dùng quyền “Giám sát” để yêu cầu Tòa án xem xét lại.
Luật sư Chu Mạnh Cường.
Luật sư Chu Mạnh Cường.
Theo tôi, bên cạnh hướng can thiệp trên, vẫn có khả năng xem xét lại vụ án này theo một hướng khác. Cụ thể là: Vừa rồi, vụ án được kháng nghị theo trình tự “Giám đốc thẩm” và Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Bản án Giám đốc thẩm bác kháng cáo với lý do là “không có căn cứ”.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, bên cạnh hồ sơ cũ, đã có rất nhiều kết quả điều tra xác minh mới của cơ quan điều tra (các chứng cứ mới này được cho là rất có lợi cho các bị cáo). Nếu trong quá trình xét xử Giám đốc thẩm, các chứng cứ mới này không được xem xét, đánh giá (vì thu thập ngoài tố tụng) mà chỉ căn cứ vào hồ sơ cũ thì mặc dù Bản án Giám đốc thẩm có thể đúng về tố tụng nhưng chưa thỏa đáng.
Nói chưa thỏa đáng là vì trong trường hợp các chứng cư mới do cơ quan công an thu thập có lợi cho các bị cáo thì hoàn toàn có thể áp dụng quy định về “tái thẩm” để xem xét lại vụ án. Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại tá Lã Ngọc Tỉnh – nguyên Chánh văn phòng kiêm Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội – có nói: “Quá trình điều tra vụ án trước đây và quá trình xác minh theo đơn khiếu nại, tố cáo sau này, đã xuất hiện hoặc củng cố rõ hơn nhiều tình tiết, chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo”.
Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định: “Điều 290. Tính chất của tái thẩm: Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”. Chiểu theo những tình tiết mới phát sinh như Đại tá Lã Ngọc Tỉnh đã nói, vụ án này có thể được xem xét theo trình tự tái thẩm.
Cần hủy án để điều tra, xét xử lại
Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, với 10 năm liên tục kêu oan của các bị cáo, với những gì cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ thêm, với sự trông đợi của công luận, với tính nhân đạo của pháp luật nước ta thì cần thiết phải hủy vụ án này để điều tra, xét xử lại.
Nếu quá trình điều tra, xét xử lại mà chứng minh các bị cáo có tội thì bản thân các bị cáo, dư luận xã hội cũng “tâm phục, khẩu phục”.
Còn nếu chứng minh được các bị cáo vô tội thì cũng thể hiện được sự công bằng, nhân đạo của pháp luật nước ta, và cũng là một bài học cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư Chu Mạnh Cường
Đoàn Luật sư TP.Hà Nội
Tháng 10/2000, tại địa phận xã Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Tây cũ) xảy ra vụ hiếp dâm và cướp tài sản. Ngày 13/12/2000, 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên bị Công an tỉnh Hà Tây bắt giam. Phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Hà Tây mở ngày 21/1/2002, phiên tòa phúc thẩm do TANDTC mở ngày 22/4/2002 tuyên phạt Lợi 16 năm tù giam, Tình 14 năm tù giam và Kiên 11 năm tù giam.
Tại Cơ quan điều tra, tại Tòa, và trong suốt những năm dài thụ án, 3 bị án này không một lời xin giảm án mà chỉ một mực kêu oan.
Ngày 3/2/2010, Lợi và Kiên được về với gia đình, Tình được về ngày 5/2/2010, theo Quyết định trả tự do của Viện trưởng VKSND tối cao.
Ngày 7/12/2011, TANDTC mở phiên tòa giám đốc thẩm, ra bản án bác kháng nghị của VKSNDTC khiến 3 thanh niên phải đối mặt với việc bị bắt giam trở lại để thi hành nốt bản án.

Không có nhận xét nào: