Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Nga bịt miệng các mạng xã hội

Biểu tình phản đối chính quyền Putin 10/12/2011 (REUTERS)
Biểu tình phản đối chính quyền Putin 10/12/2011 (REUTERS)
Minh Anh
 
Một chiến dịch tấn công các mạng xã hội đang diễn ra tại Nga. Thành viên các mạng này thường lên tiếng phản đối chế độ. Sự kiện này được nhật báo Le Monde hôm nay 10/12/2011 thuật lại qua bài viết đề tựa « Matxcơva muốn bịt mồm làn sóng phản đối trên các mạng xã hội ».
Le Monde viết « quá ngán ngẩm vì hàng loạt lời tố cáo sự gian lận trong kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 4/12 vừa qua, chính quyền Nga đang nghĩ đến việc siết chặt các trang mạng này ». Bộ Nội vụ Nga đã đề nghị cấm việc giấu tên những người sử dụng Internet, bị lên án là đã sử dụng « bút danh như là một chiếc mặt nạ ».

Trả lời phỏng vấn báo Rossiiskaia Gazeta, một quan chức chính phủ cho rằng « Nếu là người trung thực, thì không việc gì phải che giấu». Ông này cũng cho rằng các trang mạng xã hội này đang đe dọa « xã hội » vì nó tạo điều kiện cho « các nhóm cực hữu đi tuyên truyền ». Và thông qua mạng Internet, các nhóm cực hữu này sẽ « gây quỹ cho hành động phạm tội có tổ chức (…)».
Le Monde cho biết, FSB, cơ quan an ninh đầy quyền lực nhất, rất muốn chặn các trang mạng này. Theo lời nhà sáng lập mạng Vkontakte – một kiểu Facebook Nga – mạng của ông đã từng phải đương đầu với áp lực mạnh đến từ các cơ quan này.
Nhiều trang mạng xã hội tại Nga, nhiều ngày qua đã trở thành mục tiêu của các đợt tấn công. FSB còn đề nghị các trang mạng này phải chặn tất cả các blog của các nhóm đối lập, theo như lời thuật lại của một người viết blog trên trang mạng chống tham nhũng, ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny.
Tấn công các trang mạng còn được sử dụng để ngăn chặn các thông tin về tiến trình tranh cử. Một loạt các trang mạng của các tổ chức phi chính phủ, các đài phát thanh, báo chí v.v… đã bị tấn công. Le Monde thuật lại rằng vào hôm thứ tư 7/12 vừa qua, tòa soạn báo Novaia Gazeta còn được ưu đãi : chuông điện thoại của ban biên tập reo liên tục, khi nhấc máy, người ta nghe một giọng nữ rất êm ái nói rằng « Putin là sự sống, Putin là nguồn ánh sáng, nếu vắng Putin, thì sẽ không có tương lai ».
Quan sát các sự việc xảy ra, nhiều nhà phân tích đều nhận định có bàn tay của chính phủ đằng sau các vụ tấn công này. Họ cho rằng đây chính là sự kế thừa từ Tchéka và KGB (cảnh sát chính trị, tiền thân của FSB).
Cuối cùng, Le Monde cho biết, vào ngày diễn ra bầu cử, ông Mikhail Kotov, trưởng ban biên tập trang mạng Gazeta.ru đã bị Cơ quan giám sát báo chí triệu tập. Ông này được yêu cầu không được phát tán các thông tin của mạng Golos (thuộc một tổ chức phi chính phủ) về sự gian lận, nhất là các thông tin khiến các thành viên đảng Nước Nga thống nhất của Vladimir Putin nổi giận. Mikhail Kotov cho biết « Theo họ, có lẽ nên nói về nước Nga thống nhất giống như đang nói về một người chết : hoặc chỉ có điều tốt hoặc không có gì cả ».
Châu Âu khó xử vì xáo trộn tại Nga
Cũng liên quan đến nước Nga, báo Le Monde quan tâm đến phản ứng của các nước phương Tây đến kết quả bầu cử Quốc hội tại nước này. Qua bài viết « Châu Âu tỏ ra khó xử vì những hỗn loạn tại Nga », bài báo cho biết, Tổ chức an ninh và Hợp tác tại châu Âu đánh giá bầu cử « thiên vị ». Trong khi đó, Hoa Kỳ lại chỉ trích gay gắt nhất.
Le Monde đặt câu hỏi : « Sự gian lận trong bầu cử và làn sóng phản đối trên đường phố đang diễn ra liệu có thúc đẩy phương Tây thay đổi chiến lược đối với chế độ Vladimir Putin và Dmitri Medvedev ? ». Hiện tại, chỉ có Mỹ là chỉ trích mạnh mẽ nhất sự bất thường trong cuộc bỏ phiếu.
Châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, chỉ tỏ ra quan ngại vì các vụ bắt bớ và kêu gọi Nga phải « tôn trọng những cam kết dân chủ của mình ». Còn tổ chức vì an ninh và Hợp tác châu Âu chỉ ghi nhận là bầu cử « thiên vị ».
Theo nhận xét của Le Monde, bất ổn chính trị tại Nga đại diện một thách thức cho các mối quan hện ngoại giao. Vào thời điểm mà nhiều hồ sơ quan trọng đang cần đàm phán với Matxcơva như vấn đề hạt nhân tại Iran, khủng hoảng tại Syria, việc rút quân khỏi Afghanistan, lá chắn tên lửa của Nato.
Thừa dịp Châu Âu đang tỏ ra khó xử, ông Putin đã lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ đứng sau lưng những người biểu tình hòng "xúi giục" một cuộc cách mạng. Bên cạnh đó, tổng thống Nga Medvedev chăm chăm chú ý vào sự yếu kém của khu vực đồng euro – nêu rõ các nhà lãnh đạo Nga tin chắc rằng Châu Âu, nhà nhập khẩu khí đốt chính, cần đến Nga nhiều hơn là điều ngược lại.
Những người Anh muốn cắt đứt cầu nối với châu Âu
Hôm qua, tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu, thủ tướng Anh David Cameron đã phủ quyết mọi thay đổi hiệp ước chung. Trong bài viết « Những người Anh muốn cắt đứt cầu nối với châu Âu », Le Figaro giải thích vì sao ngày càng có nhiều dân Anh muốn ra khỏi Liên hiệp châu Âu.
Sự việc bắt đầu từ vụ nhiều xã của Anh không muốn kết bạn với các xã khác tại Pháp và Đức. Le Figaro nhận xét sự căm ghét châu Âu diễn ra ồ ạt tại Anh như một làn sóng mạnh chưa từng có. Nhiều tờ báo lớn của Anh đăng tải những đòi hỏi trưng cầu dân ý về việc ra khỏi châu Âu. Hơn 80% thành viên đảng Bảo thủ muốn phải có trưng cầu dân ý. Ông John Baron, nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng thủ tướng Cameron phải nắm bắt lấy « thời điểm lịch sử hiếm hoi này » nhằm xác định lại mối quan hệ với châu Âu cho tốt hơn ».
Nhiều nhà quan sát e ngại rằng nước Anh sẽ dần bị cô lập tại châu Âu. Tuy nhiên, quan điểm này không được Hungary chia sẻ, vốn dĩ nước này cũng là đồng minh của Anh, đã không ký vào bản thỏa thuận chung. Một đại biểu Hungary cho rằng « Anh sẽ không bị cô lập. Nếu như có ai đó bị cô lập, thì đó chính là châu Âu ». Các nghị sĩ bảo thủ Anh cho rằng : « Thay vì là những người ở trọ tồi trong một tòa nhà chung châu Âu, chúng ta hãy nên là những người hàng xóm tốt ».
Phong trào kêu gọi đưa nước Anh ra khỏi châu Âu ngày càng lớn. Theo một cuộc thăm dò, một phần đông dân chúng Anh sẵn sàng bỏ phiếu « chia tay » Liên hiệp châu Âu. Hơn 2/3 người được hỏi mong muốn có trưng cầu dân ý.
Giải thích vì sao có làn sóng phản đối châu Âu, Le Figaro cho biết, người Anh xem Liên hiệp Châu Âu như là một cỗ máy chống dân chủ. « Trong các quyết định quan trọng của châu Âu, Anh chỉ có 9% quyền bỏ phiếu. Đối với họ, đây chính là một hệ thống chuyên chế. Các chính sách của châu Âu được thiết kế từ các lực lượng ngầm của Ủy ban châu Âu tại Brussels, vốn là những kẻ không phải chịu thuế ». Đối với những người hoài nghi châu Âu, khủng hoảng đồng euro đã kéo theo « hai đợt đảo chính : hai thủ tướng (tại Hy Lạp và tại Ý) đã bị lật đổ và thay thế bởi các đại diện của Brussels ».
Vậy thì, nếu Anh ra khỏi châu Âu, những lãnh vực nào Anh cần phải rút lại. Trong danh sách các hạng mục cần phải thu hồi từ Brussels, Le Figaro liệt kê : nông nghiệp, ngư nghiệp, các luật định xã hội, nhân quyền, chính sách kinh tế. Trong trường hợp này, Anh sẽ phải thương thảo để có một vị thế giống như là Thụy Sĩ, Na Uy hay Iceland, dựa trên những mối quan hệ thương mại chặt chẽ với châu lục. Đối với họ, tương lai chủ yếu nằm cạnh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hơn là với châu lục già cỗi này.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới : Bắc Kinh hưởng lợi
Nhìn sang châu Á, Le Monde chú ý đến sự kiện Trung Quốc kỷ niệm 10 năm gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo nhận định của Le Monde « Bắc Kinh đã thu được nhiều lợi khi gia nhập WTO ».
Le Monde viết, hãng thông tấn chính thức của Bắc Kinh khoa trương kỷ niệm mười năm ngày Trung Quốc gia nhập vào WTO. Cách đây 10 năm, vào ngày 11/12/2001, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của WTO sau 15 năm dài thương thảo. Kể từ đó, xuất khẩu của nước này đã tăng lên 4,9 lần và vào năm 2009 còn vượt qua mặt cả Đức. Ngày nay, nhập khẩu của nước này đã tăng mạnh lên 4,7 lần so với năm 2001.
Tờ nhật báo Trung Hoa, cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, tán dương rằng « Mười năm tiến triển minh chứng rằng Trung Quốc đã đạt được mục tiêu của mình.».
Quả thật, vào tháng 10 năm nay, Trung Quốc ghi nhận thặng dư mậu dịch đạt được 17 tỷ đô-la trong vòng một năm, xuất khẩu tăng 15,9%. Trong sách trắng công bố hôm thứ tư vừa qua, chính phủ Bắc Kinh cho rằng, nhập khẩu từ năm 2001 cho phép tạo ra 14 triệu việc làm và đã mang về cho Trung Quốc 262 tỷ đô-la.
Theo nhận định của Tổng thư ký Phòng thương mại châu Âu, thì việc Trung Quốc gia nhập WTO đã mang lợi cho nhiều phía. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng được hưởng lợi. Không những Trung Quốc thu được lợi nhuận mà những nước khác cũng vậy. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng ghi nhận có sự phân biệt đối xử giữa các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài : như việc các doanh nghiệp nhà nước được hưởng các quy chế tài chính ưu đãi và các doanh nghiệp nước ngoài vẫn không thể nào tiếp cận nhiều lãnh vực khác.
Le Monde đơn cử trong lãnh vực sản xuất xe ô-tô, các doanh nghiệp nước ngoài buộc liên doanh với một cơ sở địa phương. Quy định cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc có thể nắm bắt được kỹ thuật còn thiếu sót. Tuy nhiên, với sự biến đổi của thời gian, lần lượt các nhãn hiệu Volvo và Saab của Thụy Điển rơi vào tay các nhà sản xuất Trung Quốc. Lãnh vực ngân hàng cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Bất chấp mục tiêu là biến Thượng Hải thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới vào năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ nắm giữ được chưa tới 2% thị phần và luôn phải chờ đợi để có giấy phép hoạt động rất khó khăn.
Quyền sở hữu trí tuệ cũng là một chủ đề gây tranh cãi thường xuyên tại một đất nước mà tám trên mười máy vi tính hoạt động trên một hệ thống điều hành ăn cắp.
Hơn nữa, sự đối xử phân biệt này không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bản thân doanh nghiệp tư nhân tại chỗ cũng chùng chung số phận. Mười năm trôi qua, người ta có thể nhận ra ngay « những vành đai » bao quanh mô hình « chủ nghĩa tư bản » của chính phủ Bắc Kinh. Một loạt các doanh nghiệp nhà nước được hưởng các khoản vay tín dụng rất ưu đãi, từ lĩnh vực viễn thông, ngân hàng , dầu khí cho đến hàng không…
Le Monde tự hỏi « Liệu kiểu mô hình này có xa rời với tinh thần của WTO chăng ? ». Tuy nhiên, theo một quan chức viện Kinh tế Quốc tế thuộc đại học Fudan tại Thượng Hải « nhiều nhóm quyền lợi phản đối chính sách mở cửa và cần phải chấp nhận rằng sự thay đổi phải từ từ ». Ý kiến này được Thứ trưởng thương mại Trung Quốc đồng tình khi cho rằng « để rèn một thanh kiếm tốt, cần phải mất 10 năm ».

Không có nhận xét nào: