Container hàng nhập khẩu tại cảng Sài Gòn ở TPHCM, ảnh chụp trước đây.
Vũ Hoàng
Tạm dừng ngay lập tức cơ chế “tạm nhập tái xuất” vì đó có thể là một lỗ hổng lớn để nhập khẩu những mặt hàng cấm nhập kể cả những mặt hàng độc hại vào Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh
Trong Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại năm 2012 mới diễn ra, nhiều Bộ ngành tham gia đề nghị dừng kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất.
Việc đề nghị dừng kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất vì loại hình này bị một số doanh nghiệp trục lợi, gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế. Tổng hợp lại vấn đề, Vũ Hoàng có bài trình bày sau đây.
Tạm nhập không tái xuất
Hàng tạm nhập tái xuất được hiểu là hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không cho mục đích tiêu thụ nội địa, mà hàng hoá này phải được xuất khẩu tiếp đi trong 1 thời hạn quy định, cụ thể là 120 ngày. Hàng “tạm nhập tái xuất” được sử dụng cho triển lãm, giới thiệu sản phẩm, trưng bày hội chợ hoặc là những hàng hoá quá cảnh, trung chuyển qua Việt Nam.
Tạm dừng ngay lập tức cơ chế “tạm nhập tái xuất” vì đó có thể là một lỗ hổng lớn để nhập khẩu những mặt hàng cấm nhập kể cả những mặt hàng độc hại vào Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh
Thế nhưng những loại hàng hoá “quá cảnh” này lâu nay đã trở thành một kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lợi dụng nhập về Việt Nam tiêu thụ, trong đó các mặt hàng kém phẩm chất, thậm chí là cả hàng cấm, độc hại đang trở thành vấn đề nhức nhối cho giới hữu trách Việt Nam.
Người ta vẫn còn nhớ, năm ngoái tại cảng Hải Phòng, hai lô hàng với hơn 100 tấn chân gà đã bị phân huỷ, có mùi ôi được nhập về dưới dạng hàng tạm nhập tái xuất và sắp sửa bị tuồn ra tiêu thụ; hay tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng phát hiện gần 15 tấn thịt bò đông lạnh bốc mùi có màu xanh đen, không xuất xứ, không hạn sử dụng… đã vượt qua sự kiểm soát và nằm tại kho lạnh bên trong thành phố.
Theo báo Công an Nhân dân trích thuật ý kiến của giới buôn bán thì phần lớn những dạng “thịt bẩn” có từ 2 nguồn duy nhất là nhập lậu từ Trung Quốc và hàng trở lại từ các lô hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất để đem về tiêu thụ nội địa có giá rẻ chỉ chừng 50% so với giá hàng cùng loại có nguồn gốc trong nước.
Cảng vụ cảng Hải phòng phát hiện ngà voi nhập lậu vào Việt Nam từ Tanzania hôm 06-03-2009. AFP photo.
Ngoài thịt “bẩn” được nhập về để chế biến tiêu thụ, thì hàng ngàn tấn rác thải độc hại như mạch cũ, ắc quy chì, nhựa dính tạp chất cũng đã tràn vào Việt Nam theo con đường “tạm nhập tái xuất” từ nhiều năm qua.
Không chỉ trở thành địa điểm tiêu thụ các mặt hàng độc hại và thực phẩm bẩn, Việt Nam còn vô hình chung trở thành quốc gia trung chuyển hàng lậu hoặc bị vào “danh sách đen” buôn lậu hàng động vật hoang dã vi phạm công ước quốc tế Cites như ngà voi, vảy tê tê. Theo lời của ông Nguyễn Bình Minh, Phó giám đốc Sở Công thương, Ban quản lý Cảng Hải phòng thì năm 2011, cơ quan chức năng đã thu giữ 3.500 kg ngà voi các loại được cất giấu trong các mặt hàng như rong biển, 3.700 kg tê tê đông lạnh được chen trong cá đông lạnh và những mặt hàng này đều có xuất xứ là tạm nhập tái xuất. Thậm chí, một quan chức khác của Cục quản lý thị trường còn phát biểu không thể xác định được đâu là hàng tạm nhập tái xuất quay trở lại và đâu là hàng nhập khẩu có chung đường biên giới với Việt Nam.
Tạm dừng là cần thiết
Đặc tính của hàng tạm nhập tái xuất là không mở kẹp chì để kiểm tra, nên lợi dụng lỗ hổng này mà có thể các đầu nậu đã luồn lách để đưa hàng lậu hoặc hàng cấm vào Việt Nam.
Cán bộ Công thương
Theo thông lệ quốc tế, quyền lợi của quốc gia cho phép tạm nhập tái xuất, ở đây là Việt Nam, chỉ là được hưởng tiền phí dịch vụ vận tải và một số phí dịch vụ khác như sân bãi, kho chứa. Thế nhưng, theo các lực lượng chức năng phân tích, lợi ích mà loại hình dịch vụ này có được quá nhỏ so với những bất ổn về mặt xã hội và sức khoẻ cộng đồng mà nó gây ra, chưa kể chất lượng những con đường vùng biên đang nhanh chóng xuống cấp, hư hại bởi các đoàn xe tải hạng nặng chở hàng tạm nhập tái xuất.
Vì lẽ đó, Bộ Công thương khẳng định, quy định về tạm nhập tái xuất đang gây ra những trở ngại lớn, làm phức tạp thêm nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và Bộ Công thương đã trình Chính phủ xoá bỏ hẳn hình thức tạm nhập tái xuất.
Trao đổi với chúng tôi, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
“Vừa rồi có hội nghị của Bộ Công thương triệu tập với sự tham gia của Hải quan, cảnh sát kinh tế, đều đi đến kết luận là tạm dừng ngay lập tức cơ chế “tạm nhập tái xuất” vì cơ chế đó có thể áp dụng ở một nước nào đấy, nhưng ở Việt Nam đó là một lỗ hổng lớn để nhập khẩu những mặt hàng cấm nhập kể cả những mặt hàng độc hại vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc dừng là hết sức cần thiết và phải xây dựng một khung pháp luật mới, một sự kiểm soát chặt chẽ.”
Ngà voi nhập lậu từ Tanzania bị tịch thu tại cảng Hải Phòng hôm 06-03-2009. AFP photo.
Lợi dụng đặc thù của hàng tạm nhập tái xuất là không được mở kẹp chì kiểm tra hàng trong các container trong suốt quá trình từ cảng nhập cho đến cửa khẩu xuất đi, các đối tượng đã trà trộn hàng cấm vào các container cũng như nhiều hàng đã qua sử dụng như săm lốp ô tô, máy tính, rác thải công nghiệp… gây nguy cơ ô nhiễm cao. Nhận xét về hàng tạm nhập tái xuất, một cán bộ của Bộ Công thương phụ trách vấn đề xuất nhập khẩu cho chúng tôi biết:
“Theo chúng tôi được biết thì hiện nay tình trạng cấp phép cho hàng tạm nhập tái xuất vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và cũng bởi đặc tính của hàng tạm nhập tái xuất là không mở kẹp chì để kiểm tra, nên lợi dụng lỗ hổng này mà có thể các đầu nậu đã luồn lách để đưa hàng lậu hoặc hàng cấm vào Việt Nam, rồi sau đó sẽ tìm cách trà trộn và tiêu thụ.”
Khó khăn nhất hiện nay về hàng tạm nhập tái xuất là chưa có quy định pháp luật cụ thể ràng buộc trách nhiệm của đơn vị vận chuyển là các đại lý vận tải hay các hãng tàu trong việc khắc phục hậu quả. Khi hàng hoá bị xử lý thì hầu như không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, thậm chí chủ hàng cũng “bỏ của chạy lấy người”.
Hơn nữa, dưới danh nghĩa hàng tạm nhập tái xuất, thì hàng lậu đưa vào Việt Nam khá đơn giản: chỉ cần kê khai hàng tạm nhập thuộc đối tượng hàng hoá đơn giản và được phân luồng “xanh” nghĩa là đối tượng được miễn kiểm tra, ưu tiên thông quan ngay. Vì thế, hàng lậu và kém chất lượng dễ dàng vượt qua biên giới và tuồn vào trong lãnh thổ.
Một điểm nữa cũng cần phải chú ý là tình trạng tạm nhập hàng kém chất lượng, không gia công chế biến thêm, chỉ vận chuyển lòng vòng rồi tái xuất với thương hiệu “Made In Vietnam” khiến thương hiệu Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có thể thấy rằng, những bất ổn từ hàng tạm nhập tái xuất đối với nền kinh tế rất lớn từ chuyện thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, cho đến biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng cấm, hàng lậu và thậm chí cả uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù chưa có biện pháp cụ thể, nhưng việc cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập tái xuất là hết sức cần thiết. Đồng loạt các bộ từ Công thương, Tài chính, cho đến Bộ Công an, quốc phòng và các đơn vị quản lý thị trường đều có kiến nghị, và chính bản thân phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải lên tiếng không thể vì lợi ích kinh tế của việc tạm nhập tái xuất mà để việc này lợi dụng, ảnh hưởng an sinh cộng đồng và ông cho rằng kiên quyết cấm. Theo kế hoạch, trong năm nay, Việt Nam sẽ tổng kiểm tra hàng tạm nhập tái xuất và bộ Công thương sẽ có đề xuất giải pháp cho tình trạng này trong tháng 4.
Theo: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét