Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan tới Syria tìm kiếm hòa bình






(Dân trí) – Đặc phái viên LHQ về Syria, cựu Tổng thư ký Kofi Annan, hôm nay đã tới Syria trong nỗ lực nhằm chấm dứt bạo động tại quốc gia Trung Đông này. Dự kiến, ông Annan sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sau khi bị phe đối lập từ chối đối thoại.
Đặc phái viên LHQ về Syria, cựu Tổng thư ký Kofi Annan
Tăng cường các nỗ lực ngoại giao
Ông Kofi Annan tới Damaccus với tư cách là đặc sứ mới của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Ảrập (AL) về Syria. Ông tới Damascus với mong muốn có thể thuyết phục các phe phái ở Syria đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.



Phát biểu trước chuyến thăm, ông Kofi Annan kêu gọi chính phủ và lực lượng nổi dậy ở Syria ngừng xung đột để tìm ra giải pháp chính trị thông qua đối thoại, đồng thời khuyến cáo các nước chớ nên vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Syria.
“Các bên cần phải chấm dứt các vụ giết hại. Chúng ta cần tìm ra con đường cải cách phù hợp. Mọi sự can thiệp từ bên ngoài chỉ càng làm tình hình xấu đi", ông Kofi Annan nhấn mạnh.
Trung Quốc đã lập tức hoan nghênh sứ mệnh của ông Annan, cho rằng những nỗ lực hòa giải công bằng sẽ là cơ sở dẫn tới các cuộc hòa đàm. Trung Quốc cũng loan báo sẽ gửi đặc sứ tới Trung Đông và Pháp vào tuần này để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.
Tuy nhiên, các nhóm đối lập đã bác bỏ kêu gọi của ông Annan với lý do một giải pháp chính trị là điều không thực tế chừng nào chính phủ còn tiếp tục sử dụng vũ lực chống những người biểu tình.
"Chúng tôi phản đối tiến hành đối thoại trong khi xe tăng vẫn nã pháo vào các thị trấn, tình trạng đổ máu tiếp diễn, nhiều khu vực vẫn bị cắt điện, nước và hệ thống liên lạc", đại diện phe đối lập tại Homs, ông Hadi Abdulla, tuyên bố.
Trước đó, liên minh đối lập chính ở Syria từng nhiều lần bác bỏ khả năng đối thoại khi Tổng thống Assad vẫn tại vị.
Chuyến thăm của ông Annan diễn ra ngay sau chuyến thăm của bà Valerie Amosngười, đứng đầu Cơ quan phụ trách nhân đạo LHQ. Trong thời gian ở Syria, bà Amos đã thị sát các trại tị nạn dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có ít nhất 11.000 người Syria tạm trú trong gần một năm qua - để tìm hiểu tình cảnh khốn khó của người dân Syria và tìm kiếm phương thức đưa hàng cứu trợ nhân đạo đến cho họ.

Tuy nhiên, hiện giới chức Syria vẫn chưa cho phép LHQ tự do đưa hàng cứu trợ đến các vùng chiến sự, mà chỉ đồng ý cho tổ chức này “thực hiện có giới hạn” việc đánh giá cảnh ngộ của những người chịu ảnh hưởng của bạo động.
Bạo loạn tiếp diễn
Bất chấp các nỗ lực ngoại giao quốc tế, tình hình bạo lực lại Syria vẫn không hề suy giảm.
Một bé gái có cha chết vì đạn pháo kích cũng tham gia biểu tình chống Tổng thống al-Assad
Các tổ chức đối lập Syria cho biết ít nhất 68 người đã thiệt mạng hôm 9/3 khi hàng nghìn người đổ ra các đường phố trên toàn quốc để biểu tình chống lại chính phủ của Tổng thống Assad. Đa số các trường hợp thiệt mạng xảy ra ở thành phố Homs, tâm điểm trong chiến dịch trấn áp của chính phủ từ nhiều tháng nay.
Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, các binh sĩ chính phủ đã xông vào các ngôi làng ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, để truy lùng các binh sĩ đào ngũ sang lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA).
Một thành viên Ủy ban Cách mạng Syria đối lập cũng xác nhận xe tăng và binh sĩ chính phủ đang triển khai dày đặc quanh huyện Jabal al-Zawiya của tỉnh Idlib. Binh sĩ chính phủ còn sử dụng hệ thống loa phóng thanh của nhà thờ để yêu cầu các thành viên FSA ra hàng và giao nộp vũ khí.
Vũ Anh
Theo Reuters, Xinhua

Không có nhận xét nào: