Sau khi giữ ổn định trong thời gian dài, một số mặt hàng thực tiêu dùng thiết yếu đã được điều chỉnh tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới.
Thống kê của Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đã có khoảng vài chục mặt hàng tiêu dùng niêm yết giá bán mới với mức tăng từ 3-15% mà nguyên nhân chính được đưa ra là do giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu và chi phí của nhiều mặt hàng tăng cao. Tại chợ truyền thống, trong khi giá thực phẩm và rau xanh vẫn giữ ổn định do nguồn cung khá dồi dào thì các mặt hàng thực phẩm khô đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Cụ thể, đồ hộp tăng khoảng 5%, sữa tăng 10%, giá gạo thơm có tăng khoảng 5%, hóa mỹ phẩm tăng 5-8%. Với mức giá bán bằng trước Tết, thịt lợn là mặt hàng tương đối ổn định trong thời gian dài nhưng theo một số tiểu thương, trong bối cảnh dịch cúm gia cầm lan rộng như hiện nay, người dân sợ dịch cúm không dám sử dụng các sản phẩm gia cầm thì nhiều khả năng, thịt lợn nằm trong nhóm có nguy cơ cao và sẽ nhích lên vài giá.
Cùng đà tăng với một số loại thực phẩm, nhiều loại dịch vụ khác cũng đã niêm yết giá mới, trong đó, các ngành hàng ăn uống, may mặc, giặt là, trông giữ xe, rửa xe... đã điều chỉnh giá tăng thêm từ 10 - 40% so với trước đây. Nhìn nhận về đợt tăng giá này, TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KTXH HN cho rằng, việc tăng giá này theo như quy luật truyền thống của những năm trước, thường đón đầu tăng giá vào tháng 3.
Do vậy các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ về an sinh xã hội đã đề ra cho cả năm 2012; tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động của Quỹ bình ổn giá trên địa bàn để tránh thất thoát, lạm dụng. Các cơ quan quản lý giá phải quán triệt thực hiện nghiêm chỉnh quyết định về giá trên địa bàn thành phố trong các lĩnh vực đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ.
Trong đó, thanh tra và xử lý kịp thời đối với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền mà giá gas là dẫn chứng cụ thể nhất và là việc làm cần thiết.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét