Nhật Bản đóng cửa 52 lò phản ứng hạt nhân sau vụ Fukushima.
Trong lúc Việt Nam đang cử ngày một đông các kỹ thuật viên trẻ tuổi ra nước ngoài để “đào tạo” vận hành loại công nghệ năng lượng có độ rủi ro đầy tranh cãi, thì theo các chuyên gia nói với New York Times, nước này có rất nhiều vấn đề như đảm bảo an toàn thấp kém, tham nhũng tràn lan và thiếu minh bạch.
“Thời gian biểu quá tham vọng có thể dẫn tới quản lý yếu kém, cũng như mối quan hệ thông đồng giữa các nhà quản lý và khai thác có thể góp phần vào thảm họa như tại nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm ngoái,” một số chuyên gia trong nước và quốc tế nói với New York Times về trường hợp của Việt Nam.
Một số quốc gia từng để xảy ra thảm họa hạt nhân nằm trong số có các công ty đang “ra sức” bán công nghệ năng lượng này cho Việt Nam, trong đó có Nga và Nhật Bản.
Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng Quốc gia được New York Times trích lời nói:
“Tôi không hiểu vì sao Nhật Bản đang cố gắng xuất khẩu tới các nước kém phát triển một thứ gì đó mà trong nước họ đã chối bỏ.”
Bài của Norimitsu Onishi trên tờ báo Mỹ cho hay sau thảm họa Fukushima mà Nhật Bản tới đây sẽ kỷ niệm một năm, Tokyo đã hủy bỏ các kế hoạch xây dựng thêm 14 lò phản ứng vào năm 2030.
Trước thảm họa, Nhật Bản có 54 lò phản ứng, nhưng hiện nay phần lớn đã dừng hoạt động, ngoại trừ hai lò còn được tạm giữ lại.
“Bây giờ không có gì là muộn. Muốn dừng thì dừng ngay, chứ có cái gì đâu. Bao giờ đã xây rồi, lúc đó tháo gỡ sẽ tốn kém hàng chục tỷ đô la”
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn
“Vẫn chưa quá muộn“
Trao đổi với BBC hôm 02/3/2012, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn chuyên về năng lượng nguyên tử ở Pháp đồng ý với tờ New York Times.
Giáo sư Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược của Tập đoàn Điện tử Pháp Electricité de France, nói:
“Chương trình của Việt Nam quá tham vọng, không những nó nguy hiểm mà nó còn tốn tiền cho dân và không có lợi gì hết,”
GS Nguyễn Khắc Nhẫn (đứng) cho rằng hiện vẫn chưa muộn để Việt Nam dừng lại việc xây các nhà máy điện hạt nhân.
“Bây giờ không có gì là muộn. Muốn dừng thì dừng ngay, chứ có cái gì đâu. Bao giờ đã xây rồi, lúc đó anh tháo gỡ một nhà máy đã chạy, anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ (đô-la), anh tốn ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong.
“Hiện chưa làm gì hết, năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy.”
Ông Nhẫn cho rằng các công ty cung cấp điện hạt nhân đang cố bán công nghệ cho Việt Nam vì họ đã “chót đầu tư” và nay lại bị trong chính các nước của họ không cho lắp đặt, vận hành, nên đã tìm cách bán thứ công nghệ mà ông cho là “đã lỗi thời” và “không có tương lai” sang các quốc gia kém phát triển, trong đó có Việt Nam:
“Họ làm là để họ bán. Nhật không thể nào xây cất ở trong nước của được. Nga thì ẩu, nước của họ lớn, rộng, nếu họ làm, thì họ sẽ bị một Chernobyl khác… Mỹ ba chục năm nay họ không xây cất nữa, họ chỉ làm để bán. Vì đó là vấn đề thị trường quốc tế, họ đã đầu tư rồi thì họ muốn bán.
“Nay mình mua thì như là mua đồ tồn kho vậy. Hàn Quốc cũng muốn thương mại. Vấn đề là các công ty của họ cũng muốn làm lợi, họ đã lỡ đầu tư kỹ nghệ của họ. Mỗi nước chế tạo máy đó, họ đã bỏ ra hàng trăm tỷ đô la. Chỉ có nước Đức đáng phục là họ đã bỏ ra 300-400 tỷ đô la rồi, mà họ cũng vẫn rút lui.”
Ninh Thuận im lặng?
Chuyên gia cho rằng phải có trưng cầu dân ý về điện hạt nhân cũng như việc xây nhà máy đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận.
Bình luận về chuyện vì sao người dân tỉnh Ninh Thuận, hoặc các đại biểu tỉnh này, có vẻ khá “im lặng,” chưa cho thấy tiếng nói đủ mạnh để chất vấn Quốc hội, Chính phủ về độ rủi ro và hậu quả nếu xảy ra sự cố điện nguyên tử, ông Nhẫn nói:
“Bên mình có dân chủ đâu. Đúng ra là phải làm trưng cầu dân ý.
“Xin nhớ là bây giờ ở Pháp, Anh, Đức, Mỹ, tất cả các nước có công nghệ mạnh, không thể nào tìm được một miếng đất để xây lò mới.
“Vì vậy mà đối với những lò đã xây 30 chục năm, nay họ đòi tăng thời gian vận hành là 40, 50 chay 60 năm, bởi vì họ không tìm ra đất,
“Không có làng xã nào họ bằng lòng cho thuê đất để làm nhà máy điện hạt nhân.
“Vì vậy mà họ cứ giữ mấy lò cũ, kéo dài thời gian, rất nguy hiểm và tốn kém,” Giáo sư Nhẫn nói với bbcvietnamese.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét