Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Gian lận và quyền lực, nền dân chủ còn xa

Trong cuộc bỏ phiếu ngày Chúa Nhật mùng 4 tháng 3 vừa qua, thủ tưởng Vladimir Putin đã đắc cử tổng thống với 63,6% tổng số phiếu. Trên toàn nước Nga đã có 65% cử tri đi bầu. Tổng thống Putin, nguyên đại tá lực lượng mật vụ Liên Xô KGB, đã làm tổng thống Nga hai khóa liên tiếp từ năm 2000 đến 2008, và trong bốn năm qua ông giữ chức Thủ tướng trong chính phủ của tổng thống Dimitrij Medvedev. Đứng hàng thứ hai là ông Ghennady Zyuganov thuộc đảng Cộng sản được 17,18% phiếu, thứ ba là nhà tỷ phú Mikhail Prokhorov được 7,98% phiếu, tiếp đến là ông Vladimir Zhirinovsky đảng Nước Nga công chính được 6,23% phiếu và sau cùng là ông Sergey Mironov đảng Dân chủ tự đo được 3,85% phiếu.

Từ nhiều tuần trước ngày bầu cử đã có hàng chục ngàn người liên tục biểu tình chống lại ông Putin và muốn có một nước Nga không có Putin. Một trong các lý do đó là đảng Nga thống nhất của ông đã gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội hồi đầu tháng 12 năm ngoái 2011, khiến cho đảng này chiếm được 238 trên tổng số 450 ghế quốc hội. Lý do thứ hai là nạn gian tham hối lộ lan tràn trong guồng máy chính quyền. Aleksei Navalni một người trẻ tranh đấu chống tham nhũng cho biết ”giới trẻ chúng tôi sẽ không mệt mỏi đến quảng trường biểu tình vì lương tâm ngay thẳng, và chúng tôi sẽ bắt buộc chính quyền sống theo luật lệ luân lý”. Còn ông Sergeij Buntman, giám đốc đài phát thanh ”Tiến vọng Matscơva”, thì cho biết đã có các gian lận trong cuộc bỏ phiều ngày Chúa Nhật mùng 4 tháng 3 vừa qua và lần này có các bằng chứng rõ ràng. Các vụ xuống đường biểu tình phản đối không chỉ liên quan tới các vụ gian lận bầu cử, mà còn nhằm thúc đẩy thay đổi hệ thống chính trị hiện hành tại Nga nữa. Trong các cuộc xuống đường, các người biểu tình cũng đã xô sát với cảnh sát và đã có hàng trăm người bị bắt giữ. Ông Ilya Yashin, người hồi tháng 2 vừa qua đã giương tấm bảng lớn viết hàng chữ ”Medvedev đã đóng kịch 4 năm”, trước dinh tổng thổng, thì cho rằng trong bốn năm qua thủ tưởng Putin vẫn là người cai trị nước Nga, còn tổng thống Medvedev chỉ là bù nhìn. Theo ông, cuộc bỏ phiếu ngày mùng 4 tháng 3 vừa qua chỉ là một cuộc bỏ phiếu giả, để xem ra nước Nga có dân chủ. Thực ra thì ông Putin đã tạo ra cả một hệ thống cho phép ông lựa chọn các ứng cử viên đối lập mà ông muốn. Vì ông Putin chiếm tới 70% không gian của các đài truyền hình quảng cáo cho cuộc tranh cử, và người kiểm phiếu vẫn là ông Churov, chủ tịch ủy ban bỏ phiếu phò Putin và vẫn còn được tại vị sau các vụ gian lận bầu cử quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái.
Trước làn sóng biểu tình dâng cao ban đầu thủ tướng Putin đã phản ứng một cách tiêu cực. Ông tố cáo các đoàn người biểu tình là do các lực lượng nước ngoài trả tiền giật dây, là ”lũ khỉ và chuột Internet”. Ông cũng có cung cách ăn nói tầm thường khi gọi băng vải những người biểu tình đeo là ”túi cao su ngừa thai”, và họ là ”đoàn người của đầm lầy”, vì họ tụ tập nhau tai quảng trường Bolotnaya có nghĩa là đầm lầy, để phản đối và đả đảo ông với khẩu hiệu ”Một nước Nga không Putin”. Nhưng khi thấy phong trào biểu tình ngày càng gia tăng và có khí thế với hàng chục ngàn người tham dự, ông Putin liền thay đổi chiến thuật, tránh đàn áp và để khoảng trống cho họ.
Thật ra ông Putin thắng cử cũng không có gì lạ, vì trong các tuần trước ngày bầu cử, ông đã đưa ra các hứa hẹn lớn: tăng 200% lương cho các bác sĩ và giáo viên, giảm 30% chi phí nhà cửa, trợ giúp tài chánh cho các gia đình để chống lại số sinh thấp tại Nga, và dành 600 tỷ Euro cho các chi tiêu quốc phòng trong 10 năm tới đây, để khiến cho nước Nga lấy lại được địa vị của một cường quốc lớn trên chính trường thế giới. Ông đã được sự ủng hộ của Giáo Hội chính thống, của 499 nhân vật nổi tiếng thuộc thế giới văn hóa, nghệ sĩ và thể thao, cũng như của đám đông các công nhân viên nhà nước, các giáo chức, giới thợ thuyền và các người về hưu. Vì với ông, họ được hưởng sự ổn định và an ninh.
Tuy nhiên, cũng giống như cuộc bầu cử quốc hội hồi năm ngoái, cuộc bầu tổng thống tại Nga ngày mùng 4 tháng 3 vừa qua đã không trong sáng, vì có qúa nhiều gian lận, không dấu diếm được. Đây không chỉ là điều người dân Nga nhận thấy, mà đã được xác nhận bởi các quan sát viên thiện nguyện quốc tế, phái đoàn quan sát bầu cử của Liên Hiệp Âu châu, và các đảng phái đối lập tại Nga. Dân chúng Nga, các phe đối lập và các ủy ban này tố cáo các lèo lái, các gian lận và cảnh nhiều nhóm cử tri được xe bus chở đi bỏ phiếu nhiều lần tại nhiếu địa điểm khác nhau nhau, với sự đồng lõa của các nhân viên điều hành phòng bỏ phiếu. Lý do vì tại Nga cử tri có thể bỏ phiếu tại bất cứ đâu ngoài địa điểm bỏ phiếu của khu phố mình ở.
Trong môt cuộc họp báo tại Strasbpurg, thượng nghị sĩ Pietro Marcenaro và hai dân biểu Gianni Farina và Andrea Rigoni của Italia, đã than phiền về các gian lận và sự chệnh lệch về khả năng tranh cử qúa lớn giữa ông Putin và các ứng cử viên khác. Tổng thống Putin xuống giọng hứa sẽ cho điều tra các vụ gian lận vi phạm luật bầu cử và sẽ đưa ra các biện pháp thích đáng. Nhưng ai cũng biết rồi mọi sự sẽ được bỏ qua. Ngoài ra, ngày 24 tháng 9 năm ngoái thủ tướng Putin đã tiết lộ rằng hồi năm 2008 ông và ông Medvedev đã thỏa thuận với nhau thay đổi vị trí cả trong năm 2012 nữa. Nghĩa là ngoài việc gian lận để thắng cử, hai người sẽ thay phiên nhau nắm giữ quyền lực tại Nga lâu chừng nào có thể. Vì thế nên đảng cầm quyền có nỗ lực cải cách kinh tế thật, nhưng vẫn nhắm mắt để cho nạn gian tham hối lộ lan tràn trong nước, và tránh không đụng tới các tổ chức tội phạm. Chính vì vậy còn lâu người dân Nga mới thực sự được hưởng nền dân chủ đích thực, mặc dù đế quốc cộng sản đã sụp đổ cách đây 20 năm.
Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào: