Nhân dịp đại hội chỉnh đốn Đảng Cộng sản được tổ chức và tuyên truyền rầm rộ tuần này, có ý kiến kêu gọi nên công khai việc chất vấn trong Đảng.
Tuy vậy, việc chất vấn, góp ý với Đảng Cộng sản từ lâu bị nhiều người cho rằng chỉ hình thức qua loa.
Từ Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói về trải nghiệm của chính ông khi kiến nghị với Đảng Cộng sản.
Nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 dến năm 1987 cho BBC biết kể từ Đại hội IX (2001), các thư kiến nghị của ông với Đảng đều không được trả lời.
Nhận định về thông tin chỉnh đốn Đảng, ông Vĩnh nói chỉ "phê bình, tự phê bình" như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không hiệu quả.
Trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Có lúc tôi kiến nghị với Trung ương Đảng về vấn đề này khác, nhưng chẳng bao giờ được hồi âm. Có lúc tôi chất vấn, cũng không được trả lời.
Thời trước còn có, chỉ từ Đại hội IX (2001) mới không còn được trả lời, chứ từ trước vẫn có chất vấn, trả lời. Nhưng từ Đại hội IX không có nữa.
BBC:Vậy ông nghĩ thế nào về ý kiến kêu gọi công khai chất vấn trong Đảng, thậm chí truyền hình trực tiếp?
Từ trước đến nay, tôi vẫn muốn Đảng được chỉnh đốn trong sạch để lấy lại lòng tin của dân. Lần này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đưa ra vấn đề chỉnh đốn Đảng, tôi hoan nghênh. Đồng chí nói cũng khá quyết liệt đấy, nhưng khó lắm. Phải có những biện pháp thế nào, chứ chỉ lấy phê bình, tự phê bình, lấy đó làm chỉnh đốn Đảng thì tôi chưa tin lắm.
"Ban kiểm tra hiện nay nằm dưới chỉ đạo của ban chấp hành trung ương, quyền hạn hạn chế, khó đụng đến các ủy viên trung ương, càng khó đụng ủy viên Bộ Chính trị."
Năm nào cũng phê bình, không ăn thua gì cả. Người ta sợ nói khuyết điểm của anh, anh lại nói của tôi, thôi thì tôi nói qua loa, dĩ hòa vi quý. Nếu chỉ lấy biện pháp đó để chỉnh đốn Đảng như ý kiến đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy khó có kết quả.
BBC:Ông có thể cho biết thêm những khó khăn của việc chỉnh đốn?
Từ trước đến giờ, tôi đề nghị Đại hội Đảng trong khi bầu Ban chấp hành Trung ương, cũng bầu ban giám sát. Do chính đại hội bầu thì mới có thẩm quyền kiểm tra mọi ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên trung ương. Chứ ban kiểm tra hiện nay nằm dưới chỉ đạo của ban chấp hành trung ương, quyền hạn hạn chế, khó đụng đến các ủy viên trung ương, càng khó đụng ủy viên Bộ Chính trị.
Nếu Đảng cử ra được, hay để cho nhân dân, trí thức, lão thành cách mạng đề nghị một ban giám sát, trao quyền kiểm tra cả ủy viên trung ương, họa may mới được. Bây giờ không ai giám sát cả, nên cán bộ cao cấp chả chịu sự kiểm soát. Có muốn phê bình, tự phê bình hay không, kiểm điểm hay không, cũng chả ai biết, rất khó có kết quả.
BBC:Lần này Đảng có nói đến việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ông có bình luận gì về điểm mới này không?
"Nhân dân nói ngay trong ủy viên Bộ Chính trị, nhiều người giàu có không minh bạch. Nguồn ấy ở đâu ra, không rõ. Người ta nghi ngờ rồi. Có ông nhà cao cửa rộng, có ông năm bảy dinh cơ, có ông giàu lắm."
BBC:Vậy nên làm gì để giải quyết sự dĩ hòa vi quý ấy ạ?
Tôi nghĩ bao giờ các ủy viên Bộ Chính trị, từ Tổng Bí thư đến mọi ủy viên, thật sự tự kiểm điểm trước quần chúng nhân dân, công khai, để người ta thấy thành thực, tôi mới tin có kết quả.
Công khai tự phê bình thẳng thắn, dám nói sai lầm khuyết điểm của mình, sẽ có thể tăng uy tín của Đảng. Nói thực ra, bây giờ nhân dân nói ngay trong ủy viên Bộ Chính trị, nhiều người giàu có không minh bạch. Nguồn ấy ở đâu ra, không rõ. Người ta nghi ngờ rồi. Có ông nhà cao cửa rộng, có ông năm bảy dinh cơ, có ông giàu lắm.
Người ta nói lương các vị có hàng chục triệu mỗi tháng cũng không bao giờ làm được dinh cơ, đất đai như thế. Nhân dân người ta nghi ngờ. Bây giờ bộc bạch ra tất cả, có thể dân người ta mới tin.
Phải công khai minh bạch ra, tại sao lương chừng ấy, sao ông giàu có thế? Câu ấy, bao giờ giải được, dân người ta mới tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét