Ngày 8/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, Mỹ đang rất thận trọng trước quyết định can thiệp quân sự vào Syria, đặc biệt là khi không đạt được sự đồng thuận quốc tế trong vấn đề này, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã xem xét đến khả năng can thiệp quân sự nếu cần thiết.
Mỹ có lợi ích chiến lược quan trọng trong “cuộc chơi” ở Syria. Syria là đồng minh thân cận của Iran, và luôn đối đầu với Mỹ và Israel. Do đó, khi chính quyền Syria còn do dự với thỏa thuận hòa bình, thì đây là cái cớ để Mỹ thực hiện tấn công quân sự vào nước này nhằm giúp Israel loại bỏ một mối lo ngại, bởi việc này sẽ chẳng khác nào chặt đứt “một cánh tay” của Iran. Tuy nhiên, liệu Mỹ có triển khai cuộc tấn công vào Syria hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn, bởi với kế hoạch này, Mỹ sẽ phải cân nhắc đến cái giá phải trả.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta: Mỹ đã xem xét đến khả năng can thiệp quân sự (Ảnh: AP) |
Thứ nhất, Mỹ vừa chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của, kéo dài gần 1 thập kỷ tại Iraq, với chi phí lên tới 1.000 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của 5.000 binh sĩ Mỹ. Nhưng cho tới thời điểm này, cái mà Mỹ nhận được sau cuộc chiến vẫn chỉ là một Iraq đang chìm trong bất ổn và bạo lực. Đây cũng là lý do khiến cho Mỹ do dự, vì có thể cuộc chiến tại Syria cũng sẽ chẳng thế mang lại kết quả như Mỹ mong đợi.
Thứ 2, tại Tunisia, Ai cập và Libya, dù đã trải qua làn sóng “Mùa xuân Arab", tuy nhiên định hướng tương lai ở các nước này dường như cũng ít có lợi cho chính sách và mục tiêu của Mỹ trong khu vực hơn so với những lãnh đạo tiền nhiệm. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang đến rất gần và ông Obama sẽ gặp bất lợi lớn nếu đưa ra quyết định sai lầm đối với vấn đề Syria.
Trở ngại tiếp theo mà Mỹ cần phải tính đến khi quyết định can thiệp quân sự vào Syria là lực lượng quân đội hùng mạnh của Tổng thống Bashar al-Assad. Syria được Nga cung cấp những hệ thống vũ khí phòng không tối tân. Những vũ khí này khiến cho phương Tây khó lòng thực thi một lệnh cấm bay ở Syria giống như đã từng làm ở Libya.
Syria còn có năng lực đáng kể về vũ khí hóa học, sinh học và hàng nghìn tên lửa vác vai. Thêm vào đó, khủng hoảng tại Syria đang bị lu mờ do những mối lo ngại lớn hơn đối với Mỹ, đó chính là vẫn đề hạt nhân của Iran. Do đó, tất cả các giải pháp quân sự chỉ có thể được tính đến khi mà các nỗ lực ngoại giao đã hoàn toàn thất bại.
Theo các nhà quan sát, khả năng can thiệp quân sự vào Syria vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, kịch bản tấn công quân sự vào nước này, nếu có, sẽ rất khó khăn và đòi hỏi khắt khe hơn nhiều so với kịch bản Libya. Chưa nói đến kết quả cuộc tấn công sẽ thế nào, nhưng chắc chắn cái giá mà Mỹ phải trả sẽ không nhỏ.
Đó là chưa nói đến, nếu như Syria chìm trong một cuộc chiến như đã từng xảy ra tại Libya, thì cả khu vực Trung Đông sẽ rơi vào bất ổn, bởi Syria có ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định của khu vực này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét