Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Mụ điên, hay một tấm gương hy sinh vì cách mạng

Thái Bá Tân
 
Bất ngờ đứa bé bỗng ọ ẹ khóc, chắc vì phải ở lâu trong cảnh ngột ngạt, lại đúng lúc mũi một chiếc thuốn xuất hiện trên nóc hầm bí mật. Nghĩa là chúng đang ở ngay phía trên. Như cái máy, bà ta úp tay mình lên khuôn mặt bé xíu của con. Úp chặt. Mạng sống của con hay mạng sống của đồng chí cán bộ và cả của chính mình nữa? Lợi ích riêng tư hay lợi ích cách mạng? Chắc bà mẹ trẻ tội nghiệp đã phải tự hỏi mình những câu hỏi không dễ trả lời này trong giây phút cực kỳ nguy hiểm và ngắn ngủi ấy. Ngắn ngủi nhưng cũng đủ dài để giết chết đứa bé…
*
“Chết, người đàn bà ấy lại trốn viện rồi!”
Ông Nghiêm Bảo Huyền giật mình ngừng uống, cốc bia treo lơ lửng trước mặt.
Ông vốn người Bắc, cán bộ kháng chiến cũ sau giải phóng lấy vợ Nam rồi ở luôn đây, và hiện đang là chủ tịch một huyện lớn tỉnh Kiên Giang. Cùng là bạn chăn trâu hồi nhỏ, lâu không gặp nhau nên lần này tới đây công tác, tôi được ông sốt sắng giúp đỡ. Nhiễm cái thói ăn nhậu của dân Nam Bộ, ngày nào ông cũng tìm cách lôi tôi đi đâu đó, có hôm mãi khuya mới về.
“Ai vậy?” tôi hỏi.
“Một người đàn bà điên. Một mụ điên như ở đây người ta quen gọi. Cũng có người gọi “Một tấm gương hy sinh vì cách mạng”, không biết thực tình hay mỉa.
Đang giữa trưa, bên ngoài trời nắng chói. Khác mọi ngày, hôm nay gió không thổi từ phía sông nên không khí càng trở nên ngột ngạt. Trên bãi rác của khu chợ vắng khách có một người đàn bà tóc bạc trắng mặc bộ quần áo bệnh viện nhem nhuốc bây giờ không biết gọi màu gì, một bên quần rách quá gối, chiếc áo mất hẳn nửa ống bên phải. Tay ôm khư khư một khúc gỗ, bà ta vừa cúi xuống tìm nhặt cái gì đó, vừa tỉnh thoảng đứng thẳng người lắc lắc khúc gỗ như ru con, miệng lẩm nhẩm không hiểu hát hay nói. Thoạt nhìn cũng biết ngay là người điên, điên nặng chứ không phải tâm thần.
“Ru con đấy”, ông Huyền chép miệng. “Khéo lại bị tàu xe cán chết. Tội nghiệp”.
Lúc ấy người đàn bà điên nhặt được cái gì đen đen, hình như một con chuột chết, giơ lên ngắm nghía rất kỹ rồi làm động tác như định cho nó vào miệng, không hiểu sao cuối cùng lại vứt đi, hăm hở tìm cái khác thú vị hơn, tay vẫn lắc lắc “ru con”. Chiếc miệng móm cười như khóc.
“Không ít các bà mẹ vì con chết mà phát điên”, tôi nhận xét vu vơ.
“Vâng. Trường hợp này còn kinh khủng hơn. Chính bà ta tự giết con mình. Bóp mũi cho đến chết, lúc đứa bé mới tám tháng tuổi!”
Tôi trợn tròn mắt kinh ngạc. Ông Huyền không đáp ngay, lặng lẽ uống một ngụm bia rồi buồn bã nhìn về phía bãi rác ngoài chợ. Nắng vẫn chói chang nghẹt thở. Hình như ông rơm rớm nước mắt.
“Đúng thế đấy, nhưng không như ông nghĩ đâu. Số là vào cuối năm 1966 giặc càn mạnh ở vùng này. Bà ta là cơ sở cách mạng chuyên nuôi giấu cán bộ, thường là cán bộ cao cấp. Một hôm chúng bất ngờ ập đến đúng lúc bà ta bế con đưa cơm xuống hầm cho một ông rất cỡ. Được người phía trên ra hiệu, cả ba đóng nắp hầm, ngồi im không dám thở. Hầm nằm sâu dưới một bụi chuối trong góc vườn.
Tốp lính rằn ri tìm kiếm hồi lâu trong nhà không thấy gì bèn bỏ ra tìm ngoài vườn. Ngồi bên dưới, họ nghe rõ tiếng những chiếc thuốn mũi nhọn chọc sâu xuống đất. Không hiểu sao lần này chúng tìm kiếm rất kỹ, có thể được chỉ điểm từ trước. Bất ngờ đứa bé bỗng ọ ẹ khóc, chắc vì phải ở lâu trong cảnh ngột ngạt, lại đúng lúc mũi một chiếc thuốn xuất hiện trên nóc hầm bí mật. Nghĩa là chúng đang ở ngay phía trên. Như cái máy, bà ta úp tay mình lên khuôn mặt bé xíu của con. Úp chặt. Mạng sống của con hay mạng sống của đồng chí cán bộ và cả của chính mình nữa? Lợi ích riêng tư hay lợi ích cách mạng? Chắc bà mẹ trẻ tội nghiệp đã phải tự hỏi mình những câu hỏi không dễ trả lời này trong giây phút cực kỳ nguy hiểm và ngắn ngủi ấy. Ngắn ngủi nhưng cũng đủ dài để giết chết đứa bé…”
Ông Huyền lại im lặng hồi lâu. Lần này thì tôi thấy ông khóc thực sự. Trên bãi rác, người đàn bà điên, mụ điên, đang ngồi, tay ôm chặt khúc gỗ, lắc lắc người theo những lời ru vô nghĩa. Nhưng khác ông Huyền, bà ta cười.
Cuối cùng, tôi lên tiếng:
“Sau đó thì sao?”
“Lúc ấy tôi cũng là cán bộ nằm vùng ở đây, có điều cách mấy nhà và không quan trọng lắm, tức là chức vụ nhỏ. – Ông Huyền đáp. – Chẳng hiểu nếu là tôi, tôi có cam tâm nhìn cảnh ấy không hay giật lấy tay bà ta, cứ để đứa bé khóc, muốn ra sao thì ra”.
“Rồi sau đó?” tôi nhắc lại câu hỏi.
“Sau đó bọn lính bỏ đi. Ông cán bộ được cứu thoát, nhưng bà ta từ chối không giấu ông ấy trong nhà nữa. Cũng chẳng che giấu ai thêm từ đó. Rồi suốt mười năm trời bà ta câm lặng như người vô hồn, vô tri giác. Cho đến một hôm, khoảng mấy tháng sau giải phóng, ông cán bộ kia quay lại thăm hỏi ân nhân mình với rất nhiều quà cáp. Lúc này ông ta đã là một nhà lãnh đạo lớn ai cũng biết tên. Vậy mà con người câm lặng vô hồn ấy bỗng dưng nhảy xổ vào cấu xé, bóp cổ ông ta, khiến mấy người đi cùng xông vào cứu rồi đưa ra ô tô đi luôn. May chiếu cố công lao cũ mà bà không bị bắt tù mọt gông. Một thời gian sau bà lên thành phố, tìm được đến nhà ông lãnh đạo ấy và suốt ngày réo tên lên mà chửi. Bà đã bị điên, tất nhiên. Bây giờ mỗi lần trốn bệnh viện bà vẫn tìm cách lên đó với mục đích ấy, nhưng người ta luôn đề phòng, vả lại bệnh tình đã nặng, làm được điều này không dễ. Cái tên mụ điên bắt đầu từ đó. Có người đề nghị phong mụ làm Bà Mẹ Anh Hùng. Cũng có người nói phải đưa ra tòa xử tội như một tên giết người…”
“Còn chính quyền?”
“Chính quyền thì đưa mụ vào nhà thương điên như ông thấy”.
Ông Huyền thở dài nói tiếp:
“Cũng đúng thôi vì còn biết làm gì khác? Thế mà có dạo báo chí làm rùm beng về vụ này, tâng bốc lên mây như tấm gương cách mạng chói ngời. Nghĩ mà sợ. Tấm gương giết con”.
Tôi cũng thấy sợ nên vội đồng ý khi ông đề nghị về sớm dù bữa nhậu còn dang dở. Cả hai chúng tôi lặng lẽ lủi nhanh như những thằng ăn cắp sợ bị phát hiện.
Dọc đường, ông Huyền chợt hỏi tôi:
“Là nhà văn, chắc ông đã đọc Guy de Maupassant?”
“Vâng. Thì sao?”
“Thì tôi mượn đoạn kết truyện ngắn Mụ Điên của ông ta để kết thúc câu chuyện mụ điên ngày hôm nay. Nó là một phần, tiếc rằng phần khủng khiếp nhất của chiến tranh mà tôi không muốn nhớ, và “tôi mong con cháu chúng ta sau này sẽ không bao giờ biết tới chiến tranh nữa”. Vâng, ông ta nói nguyên văn thế đấy.
Nói vậy chứ ông Nghiêm Bảo Huyền bạn tôi chắc vẫn nhớ đến nó luôn. Bằng chứng là mấy hôm sau, khi chia tay tôi ra Bắc, bỗng nhiên ông hỏi:
“Không hiểu cái ông cán bộ cao cấp kia có lúc nào bị lương tâm cắn rứt không nhỉ?”
“Chắc là có, – tôi đáp. – Nhưng phải lo việc quốc gia đại sự, những người như ông ta ít thời gian lắm”.
 
Theo: Blog Thái Bá Tân

Không có nhận xét nào: