Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Mỹ - Trung ngầm đấu kỹ năng "KillSat"


Báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) chỉ ra Trung Quốc âm thầm phá hoại hoạt động vệ tinh toàn cầu.
Không chỉ vậy, nước này còn phát triển vũ khí diệt vệ tinh (KillSat) gây tranh cãi và phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.

DIA phát hiện ra rằng, các chương trình không gian của Trung Quốc, thay vì mang mục đích sử dụng không gian một cách hòa bình như tuyên bố, lại đang âm thầm thực hiện việc gây nhiễn tín hiệu và sử dụng laser phá hoại vệ tinh.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cố gắng theo dõi vệ tinh trên quy mô thế giới – điều kiện tiên quyết để nước này có thể tiến hành các hoạt động gây hại hoặc phá hủy vệ tinh.


Kết luận trên dựa trên kết quả giám sát kỹ lưỡng tỷ mỷ của DIA với chương trình không gian của Trung Quốc từ năm 2007, đặc biệt sau việc nước này thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh (KillSat).
Hình ảnh minh họa về vụ phóng vũ khí diệt vệ tinh của Trung quốc năm 2007.

Ăn miếng trả miếng
Vụ thử của Trung QuốcNgày 11/1/2007, Trung Quốc đã sử dụng một loại vũ khí diệt vệ tinh (KillSat) để phá hủy vệ tinh thời tiết FY-1C không hoạt động của nước này đang lơ lửng ở độ cao 850 km. Đây là phạm vi hoạt động của hầu hết các vệ tinh trinh sát.
KillSat đã bắn trúng vệ tinh, biến nó thành hàng triệu mảnh nhỏ. Tuy nhiên, có ít nhất 817 mảnh có kích thước cỡ 10 cm chiều dài hoặc bán kính, rất nguy hiểm.
Vụ thử đã làm rúng động cho giới an ninh vũ trụ Mỹ. Nước này đã báo cho Trung Quốc biết mình đã hiểu thông điệp từ vụ thử "KillSat" này.
Các chuyên gia quân sự của Mỹ đã đặt ra hàng loạt giả thuyết về vũ khí Trung Quốc đã sử dụng, đặt tên nó là SC-19 hoặc tên lửa KT-2, với nghi ngờ là một biến thể của tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 với hệ thống tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại hoặc giống với tên lửa đất đối không HQ-19.
Họ nhận định, vũ khí này có thể di chuyển với tốc độ 8 km/s, nằm trong chương trình 863 của Trung Quốc.


<><> <><> <><>
Tên lửa SM-3 phóng đi phá hủy vệ tinh USA-93
Mỹ đáp trả
Một năm sau đó, Mỹ đáp trả bằng việc bắn hạ vệ tinh do thám USA-93 phóng thất bại của Mỹ. Vệ tinh này được phóng ngày 14/12/2006 bằng tên lửa Delta II từ Căn cứ Không quân Vandenberg, nhưng đã thất bại khi không đi vào quỹ đạo mong muốn.
Trung Quốc chắc chắn rất ấn tượng bởi sự kiện này. Để tiến hành vụ phá hủy, Hải quân Mỹ điều một tàu tuần dương sử dụng hệ thống radar Aegis của mình để xác định vị trí mục tiêu của USA-93 ở trên cao khoảng 220 km. Tiếp sau đó, tàu đã phóng duy nhất một quả tên lửa SM-3 RIM-161 để tiêu diệt vệ tinh trên với kích thước một xe tải.
Để hỗ trợ định vị chính xác mục tiêu, tàu Mỹ tận dụng thêm những radar và kính thiên văn lớn. Một vụ tấn công thế này không dễ dàng vì các vệ tinh, một khi đã vượt ra ngoài kiểm soát, sẽ di chuyển thất thường.
Quỹ đạo của vệ tinh đã được dự đoán để tàu chiến trang bị Aegis có thể di chuyển tới bên dưới quỹ đạo này. Trung Quốc đã nhận thấy phải dè chừng, nếu hệ thống vũ khí diệt vệ tinh Aegis được sử dụng trong giai đoạn chiến tranh. Họ sẽ phải tính đến việc di chuyển vệ tinh để tránh hỏa lực từ các tàu trang bị Aegis.
Vụ bắn hạ vệ tinh năm 2008 của Mỹ đã phải mất tới 6 tuần lập kế hoạch do có quá nhiều ẩn số mà các kỹ thuật viên và chuyên gia phải nghiên cứu.
Cho đến nay, nhiều ẩn số đã được giải để có thể tiến hành những vụ bắn hạ nhanh hơn. Tuy nhiên, không ai ngoài chính phủ Mỹ biết được mức độ cải tiến của công nghệ.
Một điều bất ngờ nữa về đầu đạn tên lửa SM-3 để phá hủy vệ tinh trên. Với trọng lượng 9 kg, khi chạm tới vệ tinh, đầu đạn sẽ tạo ra vụ nổ do nhiên liệu hydrazine của vệ tinh bắt lửa. Tác động của đầu đạn mang tính phá hủy, khiến vệ tinh vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ vô hại hơn nếu nó có va phải vật khác.
Dù tuyên bố chính thức về nguyên nhân vụ phá hủy vệ tinh là nhằm ngăn 450 kg nhiên liệu hydrazine độc hại gây hại nếu rơi xuống Trái Đất, nhưng chính xác, Mỹ muốn cảnh báo người Trung Quốc về vụ thử năm 2007 rằng, người Mỹ có những vũ khí sẵn có để làm công việc tương tự một cách nhanh và rẻ hơn nhiều.
Một điều ngầm định khác mà Mỹ không nói ra, chính xác là không cần nói, Mỹ đang để mắt rất kỹ và gần với khả năng chiến đấu không gian của Trung Quốc.

Mối nguy hiểm từ các vụ "KillSat"
Về mặt công nghệ, những gì Trung Quốc đã làm là điều Mỹ và Nga đã thực hiện hơn 30 năm trước. Công nghệ này không phải là điều gì quá to tát, trừ việc quốc gia nào thực hiện.
Điều nguy hiểm nhất của vụ thử triệt hạ vệ tinh của Trung Quốc là, số lượng mảnh vỡ nguy hiểm tạo ra trong không gian quá cao, khoảng 8%.
Vệ mặt lý thuyết và thỏa thuận chung, các quốc gia đưa vệ tinh lên quỹ đạo, để nó hoạt động cho đến khi hết khả năng hữu dụng, rồi sẽ di chuyển chậm dần về gần Trái đất, tự bốc cháy khi tiến vào vùng khí quyển dày.
Nguyên lý này đảm bảo không có những mảnh vỡ trôi nổi có thể va chạm với các vệ tinh khác trong quỹ đạo. Dù chỉ là một mảnh vỡ nhỏ, khi đụng phải các vệ tinh khác với tốc độ cao, sẽ phá hủy một phần hoặc toàn bộ vệ tinh đó, và hệ quả là lại tạo thêm những mảnh vỡ khác. Thế nhưng, những vụ "KillSat" này lại để lại hậu quả lớn với nhiều mảnh rác vũ trụ trôi nổi, nguy hiểm tới hoạt động thám hiểm không gian.
Một phần tư thế kỷ trước, Nga và Mỹ đã đồng ý cấm các cuộc thử nghiệm tương tự như KillSat để giảm lượng “ô nhiễm không gian” mà có thể đe dọa tất cả các vệ tinh hiện tại và trong tương lai. Ngoài ra, chi phí cũng là vấn đề thực tế lớn. Việc xây dựng bệ phóng và vũ khí diệt vệ tinh Killsat là vô cùng tốn kém.
Thế nhưng, Trung Quốc đã bỏ qua những yếu tố trên cùng mọi lời chỉ trích về vụ thử KillSat. Điều này buộc Mỹ cũng thử nghiệm hệ thống vũ khí diệt vệ tinh của riêng mình. Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đang đi trước và chuẩn bị lắp ráp từ 20-30 tên lửa Killsat - một lực lượng đủ để làm tê liệt mạng lưới vệ tinh quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận tất cả những thông tin này.


Theo Đất Việt Online

Không có nhận xét nào: