Trong trận chiến sinh tử này, chàng Đa vít nhỏ bé với thứ vũ khí thô sơ là công lý và sự thật, tình đoàn kết và liên đới đã dũng mãnh, hiên ngang thi đấu và chiến thắng cách hiển hách trong trận đấu tay đôi với tên khổng lồ Goliat được trang bị đến tận răng. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian…
Khởi từ biến cố “Thái hà -Tòa Khâm sứ” năm 2008, lịch sử đấu tranh cho công lý, công bằng xã hội, tự do tôn giáo và nhân quyền dưới hình thức “cầu nguyện ôn hòa” và bất bạo động đã tạo nên nền tảng cho những cuộc đấu tranh khác như “Đồng Chiêm- Tam tòa” mà đương nhiên, chiến thắng luôn thuộc về lẽ phải dù cái giá phải trả đòi phải có những hy sinh, mất mát. Cho đến nay những cuộc tranh đấu ấy không gói gọn trong phạm vi “tôn giáo” nữa nhưng đã mở rộng sang các vấn đề khác của dân tộc, quốc gia như các cuộc biểu tình đòi lại chủ quyền hai quần đảo Trường sa và Hoàng sa, như đòi xóa bỏ đường “lưỡi bò” tham lam và phi lý của Trung quốc, như đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng pháp luật, sự thật và những quyền căn bản của con người…
Những “chiến sỹ” trong các cuộc đấu tranh cho lẽ phải bây giờ không chỉ là những “tấm áo chùng thâm” mà là muôn vạn sắc mầu của những thành phần khác trong xã hội. Họ có thể khác nhau về tôn giáo, chủng tộc, trình độ, xuất thân, khả năng chuyên môn… nhưng họ giống nhau một điểm là yêu lẽ phải và tự nguyện sát cánh cùng nhau trên con đường đấu tranh cho lẽ phải, chống lại những sự gian tà, dù sự gian tà đó đến từ đâu và do ai hành xử, bất chấp những sự hăm dọa, khủng bố, khiêu khích, bôi nhọ, cáo gian, bắt bớ, giam cầm, đánh đập… Những “chiến sỹ lẽ phải” ấy đã tốn nhiều thời gian, sự kiên nhẫn để vượt lên trên những cám dỗ quá khích, tỉnh táo trước sự xúi giục sử dụng bạo lực, vượt qua ngưỡng cửa của sự sợ hãi và những toan tính êm đẹp cho đời sống và gia đình để mạnh mẽ và đầy dũng khí, họ dám đối diện và đương đầu với cả một chế độ gian tà được trang bị mọi sức mạnh trấn áp, kể cả “xã hội đen” để “đòi lẽ phải” cho mình và cho mọi người, như cuộc đấu tranh chống lại nhà cầm quyền bắt bớ vô căn cứ, đòi thả người vừa qua, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Những “chiến sỹ lẽ phải” ấy không phải là hạng bất lương, những người manh động, non dạ, bị các thế lực nào đó xúi giục và lôi kéo. Họ là những người yêu lẽ phải và hiếu hòa, không nhu nhược, hãi sợ. Họ đấu tranh cho lẽ phải trong tinh thần ôn hòa. Họ không nhắm vào cá nhân “những nô bộc của nhân dân” hoặc của những “quan chi phụ mẫu”, ngay cả với “những đầu gấu áo đỏ” nhưng nhắm vào cách hành xử xấu xa vốn đã là thế của nhà cầm quyền. Họ đã làm điều chính đáng, lẽ phải đứng về phía họ và lẽ phải chính là sức mạnh của họ. Một sức mạnh giúp họ thành công. Sau vài tiếng giam giữ trái phép và vô cớ, việc thả người được tiến hành ngay trong đêm ấy. Phải chăng khi bị khuất phục bởi cái dũng của những người yêu lẽ phải, nhà cầm quyền buộc phải nhìn nhận rằng họ đã sai và xấu?. Như vụ “Tiên lãng” trước đó, những người yêu lẽ phải đã đánh một “đòn hiểm hóc” vào chính giũa bộ mặt gian và tà của chế độ, là bắt nhà cầm quyền buộc phải công khai với dư luận trong nước cũng như cả thế giới về cái sai và xấu của mình. Các sự kiện ấy có giúp nhà cầm quyền có thêm bằng cứ và kinh nghiệm về sự thất thế của “sức mạnh cơ bắp” trước cái thật uy vũ của lẽ phải không?!
Vì sao nhà cầm quyền lại hay dùng chiêu “kịch bản cũ, diễn viên mới” như đã dùng với Thái Hà-Tòa Khâm sứ, Đồng chiêm- Tam tòa…? Câu trả lời có lẽ nằm trong bài giảng trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM, tối 26/2, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ đồng: “Sống dưới chế độ độc tài toàn trị, ý chí người dân bị tê liệt vì sợ hãi”. Nhà cầm quyền lầm tưởng rằng cách thức tốt nhất để đối phó với sự áp bức chính là làm người dân thích nghi với áp bức và cam chịu áp bức. Vì vậy họ đã luôn dùng sức mạnh cơ bắp “đen và đỏ” để bắt mọi người dân phải tin rằng “trái ấu thì tròn”, dù sự thật hiển nhiên là nó không tròn, mọi người đều biết là nó không tròn và ngay cả nhà cầm quyền cũng biết là nó không thể nào tròn được. Biết là một chuyện nhưng công nhận và thực hiện lại là chuyện khác. Điều họ không ngờ đến là “tác dụng phụ” của “toa thuốc thần” mà ngay cả họ cũng không thoát. Đó là khi thực thi chế độ độc tài toàn trị, chính họ trở nên hèn kém và ý chí của chính họ cũng bị tê liệt vì sợ hãi, mà đa nghi và bạo lực, gian trá và trơ trẽn là bề nổi vẫn thường thấy.
Vì hèn kém và sợ hãi, nhà cầm quyền luôn sợ thay đổi, hoặc nếu bị bức bách trước các vấn đề xã hội cần giải quyết, họ cũng thay đổi chút ít nhưng chậm theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”, một thuật ngữ đánh đố các viện hàn lâm trên thế giới, phải để cho nền kinh tế thị trường phát triển nhưng họ hoàn toàn bị động, và khi giải quyết lãnh vực tiến bộ và phát triển thì đụng phải yếu điểm mà họ luôn tìm mọi cách che chắn. Một sức mạnh khác luôn ám ảnh họ là công lý và tự do, dân chủ và nhân quyền đe dọa sự sự tồn vong của đảng cầm quyền và nhà nước tay sai.
Thế nên, một cách bệnh hoạn, nhà cầm quyền chỉ cảm thấy an toàn trong tình trạng vốn có, cái mới luôn làm họ sợ hãi. Ðối với họ, vấn đề nhức nhối không phải là bận tâm đến việc làm sáng tỏ và đòi hỏi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa; nông dân mất đất sẽ sống thế nào; làm sao bảo vệ ngư dân trước sự tấn công ngang ngược của “anh bạn Tầu”; sách lược nào hạn chế số quan chức gian tham mỗi ngày một đông, luôn tìm kế vơ vét tiền của của dân và tài sản của quốc gia; sao cho tình trạng dân oan không còn là “chuyện thường ngày” ở mọi miền đất nước; kinh tế suy sụp nhanh chóng sẽ đẩy đất nước đi về đâu;… mối hãi sợ lớn nhất của nhà cầm quyền là phải thay đổi cách suy nghĩ vốn rất “lạc hậu và phi nhân” của mình. Cho nên mọi sự “thay đổi” về nhân sự của đảng cầm quyền, bầu cử quốc hội, thủ tướng, chủ tịch, bí thư… đến “đổi mới” nền kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… thật ra chẳng có gì mới cả, mà ngày càng tồi tệ và rối tung lên, vì tất cả đều toát ra sự hèn kém và sợ hãi. Hậu quả họ để lại tương tự như thảm họa sóng thần hay nhà máy điện hạt nhân rò rỉ phóng xạ, đó là đẩy con người đến chỗ phạm những tội ác man rợ không thể tưởng tượng nổi trong một thế giới văn minh, điều mà chúng ta đang thấy và phải sống trong đó từng ngày.
Cứ nhìn vào những nhà độc tài trên thế giới gần đây và các thể chế cai trị của họ đã đẩy đất nước và người dân của họ đến đâu: từ Hitler-Đức quốc xã, Mussolini-Ý, Lenin-Liên bang xô viết, Polpot-Campuchia, Saddam Hussein-Irag, Pinochet-Chile, Mubarac-Aicập, Khaddafi-Lybya, Marcos-Philippines… đến “vị cha già dân tộc”- Việt nam. Biến một quốc gia thành hèn hạ và sợ hãi là một trong những nguyên nhân căn bản tạo nên thành kiến và xung đột về chủng tộc, tôn giáo, giầu nghèo, địa phương, chính kiến…. Đàng khác hệ thống tuyên truyền “lề phải” luôn dã tâm đưa ra các lời tuyên bố dối trá hoặc các chân lý nửa vời tạo nên những nỗi sợ hãi bất thường, những ác cảm bệnh hoạn trong cộng đồng vốn đã không được giáo dục về sự thật và tôn trọng lẽ phải, cũng như việc họ không ngần ngại lèo lái và “khích động” khiến cho đám đông ngu dốt này có những hành vi đê tiện và bạo lực. Nó trở nên “lạ” vì được lý giải là những “bức xúc của những người yêu nước”, hoặc của “quần chúng tự phát”, để né tránh phải nói thẳng nói thật và để che đậy sự hèn hạ và hãi sợ của họ, điều mà người có lương tri đều biết. Ví dụ: ngư dân ta bị “tàu lạ” đâm phải, “quần chúng” bức xúc phá nhà ông Vươn và mới đây, “nhân dân địa phương-đầu gấu đỏ” đã “tự phát” trước việc “phá rối trật tự” của những chiến sỹ lẽ phải đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng luật pháp. Một quốc gia sản xuất và cỏ võ nhiệt tình những con người hèn hạ và sợ hãi này thì chỉ tự hủy hoại mình mà thôi. Lịch sử đã chứng minh điều đó.
Lẽ phải luôn đồng hành và hướng dẫn những người tôn trọng sự thật, giúp họ tiến bước trên con đường dẫn tới tự do và công lý. Vậy việc “thả người” sau khi bị bắt giam vô cớ và sai trái có phải là động thái “sửa sai” của nhà cầm quyền? Không chắc! Vì sách lược “mềm nắn, rắn buông” luôn được họ ứng dụng trong các hoàn cảnh tương tự. Đàng khác, nhà cầm quyền, vốn là những người có thành tích dày về sự nhẫn tâm, họ luôn thực dụng và tráo trở, nếu có thể làm được gì đúng thì cũng chỉ vì những lợi ích cho đảng và bản thân mình. Những “chiến sỹ công an” đã không do dân và vì dân, thì làm sao có thể đứng về lợi ích của nhân dân. Những con người đã đánh mất nhân phẩm thì cuộc sống làm gì còn phẩm chất? Họ đứng đối diện với các “chiến sỹ lẽ phải”, những người hợp nhất với nhau trong một tinh thần kiên vững và trong thái độ ôn hòa, còn họ thì lòng thì bất an, lo sợ cho nồi cơm, cho số phận làm “vật tế thần” của mình, làm sao họ có thể cảm nhận được thế nào là “đồng đội, đồng chí”, là tình bạn chân chính. Cho nên cũng vẫn trưng ra những bộ mặt “trơ như đá, lạnh như băng” không hề biết cảm thương, xúc động trước nỗi bất hạnh của đồng bào mình. Vì trong họ không có lẽ phải và sự thật, nên họ chẳng bao giờ biết tôn trọng con người như con người, nhưng như những “đối tượng” phải kiên quyết và sẵn sàng trấn áp không nương tay khi chỉ thị ban ra.
Có lẽ những “chiến sỹ lẽ phải” sẽ bị hoạch họe đủ điều, bị theo dõi rình rập ngày đêm, hoặc bị vu oan giá họa để bẻ gãy ý chí kiên cường và sự đoàn kết dũng mãnh, nhưng họ sẽ cho thấy việc chống lại hệ thống xã hội bất công này không có nghĩa đối kháng và triệt tiêu, trái lại, họ luôn yêu thương và cảm hóa những con người tạo nên hệ thống ấy. Các “chiến sỹ lẽ phải” dư biết nhà cầm quyền chẳng bao giờ tôn trọng những ai chấp nhận thỏa hiệp để đổi lấy một chút thoải mái cho cuộc sống hiện tại để rồi làm ngơ hay chấp nhận hệ thống xã hội bất công: điều đó cũng là đồng lõa. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt để đòi các quyền công dân một cách ôn hòa và bất bạo động này, các “chiến sỹ lẽ phải” đã khôn ngoan không sử dụng bạo lực và lòng hận thù, những phương thế đê tiện, dối trá như nhà cầm quyền, vì chúng chỉ đem lại những chiến thắng chóng qua, không đem lại bình an lâu dài, lại còn tạo nên sự hỗn loạn cho xã hội hơn là giải quyết vấn đề tận gốc rễ.
Trong trận chiến sinh tử này, chàng Đa vít nhỏ bé với thứ vũ khí thô sơ là công lý và sự thật, tình đoàn kết và liên đới đã dũng mãnh, hiên ngang thi đấu và chiến thắng cách hiển hách trong trận đấu tay đôi với tên khổng lồ Goliat được trang bị đến tận răng. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian…
11/3/2012
Ngô Văn
Nguồn: Nữ Vương Công Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét