Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Trục Canberra-Jakarta trong ván cờ châu Á Thái Bình Dương


Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith (trái) và ngoại trưởng
Úc Bob Carr (thứ hai trái) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng
Indonesia Purnomo Yusgiantoro (thứ hai phải) và ngoại trưởng
Marty Natalegawa
Tú Anh

Quan hệ ngoại giao và quốc phòng giữa Úc và Indonesia vừa được nâng cấp. Sau hiệp ước quốc phòng song phương Lombok, « đối thoại 2+2 » đầu tiên mở ra vào ngày 15/03/2012 vừa qua gồm bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước. Theo AP, Jakarta mong chờ sự kiện Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại Úc trong chiến lược « tái định vị tại châu Á » mang lại lợi ích cho Indonesia.
Cuối tuần qua, Canberra đón tiếp cuộc đối thoại chiến lược được đánh giá là « lịch sử » giữa hai cường quốc cấp vùng Úc và Indonesia.
Từ trước đến nay, Úc chỉ mới thiết lập « đối thoại 2+2 » với ba quốc gia là Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên, Indonesia bước vào « câu lạc bộ » chọn lọc này.
Cuộc gặp gỡ « tay tư » gồm tân ngoại trưởng Úc Bob Carr, bộ trưởng quốc phòng Stephen Smith cùng với hai đồng nhiệm Indonesia là ngoại trưởng Marty Natalegawa và bộ trưởng quốc phòng Purnomo Yusgiantoro, người vui vẻ tự xưng là « lùn » nhất trong bộ tứ.
Trong bối cảnh có những biến chuyển lớn về địa lý chính trị, quan hệ an ninh và ngoại giao giữa Úc và Indonesia không phải ngẫu nhiên được hai bên nâng cấp.
Trong cuộc họp báo chung, bốn vị bộ trưởng nhấn mạnh đến nhu cầu « nuôi dưỡng và phát triển » mối quan hệ song phương để kiện toàn « an ninh khu vực, tránh sử dụng vũ lực ». Ngoại trưởng Úc cũng khẳng định « không quốc gia nào quan trọng đối với Úc bằng Indonesia ».
Bộ trưởng quốc phòng Indonesia nhấn mạnh Jakarta là quốc gia « dân chủ đông dân đứng hàng thứ ba trên thế giới » thường xuyên bị động đất và sóng thần, rất mong tận dụng tối đa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Úc trong việc đối phó với thiệt hại do thiên tai gây ra.
Mặc dù e rằng chiến lược tái định vị của Mỹ với mục tiêu bao vây Trung Quốc có thể sẽ tạo lại không khí chiến tranh lạnh, nhưng sau đối thoại tay tư, hai vị bộ trưởng Indonesia tuyên bố không còn xem đây là một vấn đề.
Khi nâng cấp quan hệ ngoại giao và an ninh với Úc, trong lúc Úc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, thành viên hùng mạnh nhất trong hiệp hội Asean này đã khôn ngoan bảo vệ được lợi ích cốt lõi của mình, lựa chọn những đồng minh có cùng quyền lợi chiến lược.
RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích địa chiến lược Lưu Tường Quang từ Sydney.
« Ngoài Hoa Kỳ, Indonesia là một nước quan trọng nhất đối với Úc, bởi lẽ Indonesia là môt nước lớn nhất theo đạo Hồi nằm sát Úc ở phía bắc, nên Úc có quyền lợi cốt lõi làm thế nào để tình hình kinh tế , xã hội tại Indonesia ổn định.
Cho nên, các chính phủ tại Úc lúc nào cũng có hoài bão cải thiện, củng cố, phát triển quan hệ song phương với Jakarta.
Tổng thống Indonesia công du Úc năm 2010, và ông chính thức thông báo hai bên đồng ý thảo luận hàng năm cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng tức là công thức 2+2 … Diễn tiến này đưa đẩy quan hệ song phương giữa Úc và Indonesia lên tầm mức ngang như quan hệ giữa Hoa Kỳ và Úc, cũng như giữa Úc và Anh, giữa Úc và Nhật Bản … Do kinh nghiệm đã từng bị cộng sản thân Trung Quốc âm mưu lật đổ trong thập niên 1960 nên tuy không nói ra, trong thâm tâm giới lãnh đạo Indonesia, nếu có đe dọa an ninh, thì de dọa đó phát xuất từ Trung Quốc …”
Theo: RFI

Không có nhận xét nào: