Cán bộ nhà nước đang cưa bỏ thánh giá trên nóc một nhà nguyện Tin Lành ở Kontum, ngày 15 tháng 9, 2011. (Hình: chuacuuthe.com) |
Bản tin này tường thuật lời phát biểu của Lê Lương Minh, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam tham dự cuộc họp của Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, tuyên truyền rằng “Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các quyền của người dân”.
Bản tin TTXVN thuật lời tuyên truyền của ông Lê Lương Minh tại diễn đàn LHQ là “Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên cao cho cải cách luật pháp, hành chính và tư pháp nhằm đảm bảo tăng cường hơn nữa quyền của người dân cả trong luật pháp và thực tiễn, bao gồm cả quyền giám sát việc thực hiện pháp luật, tiếp cận thông tin. Phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền là ba trụ cột trong chiến lược phát triển của Việt Nam.”
Những gì diễn ra trong thực tế hoàn toàn ngược lại với sự tuyên truyền này. Các bản phúc trình nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Liên Âu, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên án chế độ Hà Nội tiếp tục đàn áp nhân quyền không nương tay.
Nhiều tù nhân chính trị và tôn giáo hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù dù người ta chỉ đấu tranh một cách ôn hòa cho quyền làm người mà CSVN đã cam kết tôn trọng.
CSVN đã ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như bản Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Tuy nhiên những vụ bắt giữ người dân và kết án trong các phiên tòa một chiều vẫn tiếp diễn trong khi nhà cầm quyền vẫn chối.
Hồi năm ngoái, 15 thanh niên công giáo bị bắt giam. Một số người bị quy chụp liên quan đến chính trị. Một số người không biết bị bắt về tội gì. Hầu hết thân nhân của họ không được gặp mặt. Vụ án Cù Huy Hà Vũ nổi tiếng trong ngoài nước hồi năm ngoái là một điển hình cho tình trạng bất chấp luật lệ hình sự do chính chế độ Hà Nội đẻ ra.
Công an được dung dưỡng cho bắt người, dùng nhục hình đến chết người nhưng hầu hết bọn công an đều không bị truy tố dù có những bằng chứng hiển nhiên. Ða số những vụ công an giết người này đều vu cho nạn nhân “chạy lung tung, đập đầu vào tường”, “sốc ma túy”, “tự tử”, “có tiền sử bệnh tim,” v.v... dù thân nhân của nạn nhân cả quyết họ hoàn toàn mạnh khỏe và không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe.
Phiên họp của UƯy Ban Công Ước Chống Phân Biệt Chủng Tộc của LHQ ngày 26 tháng 2, 2012 đã kêu gọi chế độ Hà Nội Nam chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo. Một số chuyên viên đã trình bày các bằng chứng chứng minh CSVN đàn áp tín đồ Phật Giáo sắc tộc Miên, các sắc dân thiểu số theo đạo Tin Lành và Thiên Chúa Giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì bị đàn áp thường xuyên.
Mỗi khi bị đả kích về đàn áp nhân quyền, tôn giáo, Hà Nội luôn luôn phủ nhận và do đó dựa trên “những thông tin thiếu khách quan” “thông tin sai lệch” “không phản ảnh chính xác tình hình” dù có bằng chứng hiển nhiên.
Công an chìm CSVN đạp mặt người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội ngày 19 tháng 7, 2011 khi người này bị bắt và đang bị khiêng lên xe buýt. (Hình: Dân Làm Báo) |
Mặt khác, tại Hoa Thịnh Ðốn, hiện một số dân biểu thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang chuẩn bị đưa biểu quyết một bản nghị quyết kêu gọi chế độ Hà Nội bãi bỏ các điều luật 79 và 88 của Bộ Luật Hình Sự. Các điều luật này được nghị quyết gọi là “mơ hồ” để chế độ Hà Nội lạm dụng, bắt bỏ tù những ai can đảm tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền.
Ðiều 79 quy chụp người dân “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” trong khi điều 88 quy chụp người dân “tuyên truyền chống nhà nước”.
Bản nghị quyết nêu ra một số trường hợp điển hình đã bị chế độ Hà Nội dùng các điều luật vừa kể để bỏ tù như LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày) Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Cù Huy Hà Vũ, Vi Ðức Hồi, Phan Thanh Hải, v.v...
Hiện một cuộc vận động chữ ký của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã đạt được hơn 100,000 chữ ký kêu gọi Tổng Thống Barack Obama thúc đẩy Việt Nam trả lại cho người dân quyền làm người và đặc biệt trả tự do cho những người mới bị bỏ tù hay bắt giam gần đây không biết bao giờ mới kết án. (T.N.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét