Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Đề án tái cơ cấu 'chưa thuyết phục'

Hình minh họa
Có ý kiến nói cần 10% GDP cho đề án tái cơ cấu
Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho rằng Đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ chưa thuyết phục vì không thấy đề cập sẽ lấy tiền từ đâu để thực hiện.
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã soạn thảo một đề án gồm 12 nhóm giải pháp và bảy nhóm ngành ưu tiên trong trung và dài hạn.
 
Tuy vậy, tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội hôm 19/4, các đại biểu cho rằng còn không ít điểm bất hợp lý.

Câu hỏi lớn đặt ra là nguồn lực tài chính để tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đến từ đâu, thì không thấy dự án nhắc đến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, trước đây là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói: "Tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí."
Có ý kiến nói chi phí thực hiện có thể lên tới 10% GDP của Việt Nam, gây lo ngại rằng tiền của người dân có thể được dùng để "cứu" các nhóm lợi ích.
Vấn đề nhóm lợi ích được đặt ra khi đề án giới thiệu bảy nhóm ngành được khuyến nghị ưu tiên: luyện kim, hóa dầu, đóng tàu, phương tiện vận tải, điện tử, công nghiệp xanh- năng lượng tái tạo, dịch vụ giao nhận vận tải và du lịch.
Doanh nghiệp nhà nước bị nợ chồng chất trong lúc dân chịu gánh nặng lạm phát.
Dư luận tỏ ra ngạc nhiên khi đóng tàu vẫn được ưu tiên sau những bê bối liên quan Vinashin.
Ba tiền đề trọng tâm của đề án tái cơ cấu kinh tế là ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh được báo trong nước dẫn lời: "Hàng loạt các báo cáo đưa ra thời gian qua nói về vấn đề tái cấu trúc, thực chất mới chỉ là việc sắp xếp lại, là chuyện cũ ôn lại, những việc đã làm từ 30 năm nay và đã rất nhàm chán thế nhưng đến nay lại đặt ra cần phải tái cấu trúc."
"Các DNNN cần làm những gì, những cái gì không cần làm?" ông Doanh đặt câu hỏi.
Ông cũng nêu ra một loạt vấn đề: "Cụ thể như khi tái cấu trúc các ngân hàng thì liệu các ngân hàng đó có liên quan đến các DNNN không trong khi các DNNN có những khoản nợ rất lớn."
"Ngoài ra, còn một lĩnh vực mà chưa có đề án cho tái cấu trúc là cần tái cấu trúc thể chế kinh tế, bộ máy quản lý. Ví như tính đến việc tái cấu trúc đầu tư, chắc chắn không thể không điều chỉnh Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và phải xây dựng pháp luật đầu tư công."
Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thực hiện, và sẽ được đưa ra Quốc hội bàn bạc tại kỳ họp tới.

Không có nhận xét nào: