Pages

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Hướng tới việc tháo gỡ dần dần lệnh trừng phạt Miến Điện

Việc chính quyền Miến Điện chấp nhận tổ chức bầu cử Quốc hội bổ sung với sự tham gia của đối lập, là một bước tiến hướng về dân chủ, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Việc chính quyền Miến Điện chấp nhận tổ chức bầu cử Quốc hội bổ sung với sự tham gia của đối lập, là một bước tiến hướng về dân chủ, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Paula Bronstein/Getty Images
Minh Anh
 
Tại vùng Đông Nam Á, Le Monde cho biết Hoa Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu đang chuẩn bị « hướng đến việc gỡ bỏ từ từ lệnh trừng phạt lên Miến Điện », sau chiến thắng vang dội của phe đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, trong đợt bầu cử bổ sung diễn ra hôm 01/04 vừa qua.
Theo nhận định của báo Le Monde, bầu cử bổ sung tại Miến Điện ngày 01/04 vừa qua đã làm hài lòng các quan sát viên nước ngoài. Kết quả này cũng đã nhanh chóng mang lại cho chính phủ Miến Điện nhiều tác động tích cực. Hoa Kỳ và châu Âu đã hoan nghênh tổng thống Thein Sein đã thực hiện tuyển cử « minh bạch ». Sắp tới, các nước phương Tây sẽ dỡ bỏ từ từ lệnh trừng phạt nhắm vào Miến Điện, được thi hành từ năm 1998.

Le Monde cho biết, sắp tới đây, Washington sẽ giảm nhẹ những trừng phạt. Như vậy, các doanh nghiệp Mỹ sẽ được quyền đầu tư hợp pháp vào quốc gia này. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt trong lãnh vực tài chính cũng sẽ được dỡ bỏ, dẫn đến việc cho phép sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, một phương thức chi trả đã bị cấm đoán từ năm 2003.
Trên phương diện ngoại giao, Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm cấp thị thực đối với một số quan chức Miến Điện. Song song đó, ngoại trưởng Mỹ Clinton tuyên bố sẽ nâng đại diện ngoại giao lên hàng đại sứ. Xin nhắc lại, quan hệ giữa hai nước đã bị cắt đứt kể từ khi chính quyền Miến Điện không công nhận kết quả thắng cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, vào năm 1990.
Về phần mình, Liên hiệp châu Âu cũng sẽ họp lại vào ngày 23/04, nhằm xác định lập trường chung. Một chuyên gia thuộc tập đoàn tư vấn Vriens et Partners cho biết « Châu Âu cũng sẽ cho hiệu chỉnh lại lệnh trừng phạt, nhất là sẽ thúc đẩy việc hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và cá nhân có quan hệ với chế độ trước, vẫn sẽ còn trong danh sách cấm làm đối tác với các doanh nghiệp châu Âu ».
Liên hiệp châu Âu cho rằng cần có một sự cân đối thích đáng giữa sự « tưởng thưởng » đối với chính quyền Miến Điện vì những tiến bộ đạt được và sự cần thiết kiểm soát nhịp độ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bởi vì, theo nhận xét của châu Âu, nếu đi quá nhanh có nguy cơ làm mất đi tính năng đòn bẩy, còn trong trường hợp có sự trì trệ, thậm chí là gây tổn hại đến những cam kết cải cách.
Mặt khác, một khi Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh trừng phạt thì các nhà đầu tư châu Âu vẫn còn bị ràng buộc. Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn chưa có lòng tin do vẫn Miến Điện còn thiếu khung pháp lý thích hợp và chưa có một hệ thống tài chính hiện đại. Nếu như vậy, việc này có nguy cơ nhấn chìm Miến Điện trong lâu dài.
Bài báo cho biết, tổng thống Thein Sein đã tiếp đón một phái đoàn Liên minh dân tộc Karen tại Rangun hôm thứ bảy vừa qua. Theo nhận định của bài viết, cuộc gặp gỡ lịch sử này có thể dự báo một sự bình thường hóa nào đó ngay trên những vùng nổi dậy tại Miến Điện.
Đây cũng chính là một yêu sách cơ bản của phương Tây : một khi chiến tranh sắc tộc vẫn còn tiếp diễn với những đòn tra tấn và đàn áp thường dân thì lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ hoàn toàn.
Giới trẻ tại Hàn Quốc được kêu gọi đi bỏ phiếu
Tại Đông Á, báo Le Figaro quan tâm đến bầu cử quốc hội tại Hàn Quốc, sẽ diễn ra vào ngày mai, thứ tư 11/04. Theo quan sát của tờ báo, « giới trẻ tại Hàn Quốc được kêu gọi đi bỏ phiếu ».
Le Figaro nhận xét, một ngày trước khi diễn ra tổng tuyển cử, một làn gió ngờ vực đang thổi qua chống lại các đảng phái và đe dọa phe bảo thủ của tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak.
Từ nhiều tháng nay, nhiều tín hiệu cho thấy có sự chối bỏ kiểu chính trị truyền thống. Đồng thời, việc giới trẻ quan tâm đến lá phiếu, đang làm rúng động giới cầm quyền Hàn Quốc, và khiến cho kết quả bầu cử càng khó đoán định.
Đối với nhà nghiên cứu Kim Jiyoon thuộc viện Asan, « người dân quá chán ngán với các chính trị gia cổ điển, lại hay tham nhũng. Đây chính là một cuộc khủng hoảng của nền dân chủ đại diện. Người dân muốn nhìn thấy nhiều nhân vật mới, có lý trí, ôn hòa và có uy tín ».
Le Figaro cho biết hiện nay, ông Ahn Cheol-soo là hiện thân cho niềm hy vọng mới của nền chính trị Hàn Quốc và đã trở thành kẻ thù số một của đảng bảo thủ Saneuri. Người đàn ông tuổi ngũ tuần này là nhà sáng lập doanh nghiệp công nghệ cao Ahnlab, chuyên cung cấp các phầm mềm chống virus vi tính miễn phí. Và ông cũng là một nhân vật nổi tiếng nhất trên cả nước.
Theo Le Figaro, vào tháng mười năm rồi, chính ông là người đã khiến cho Seoul ngả qua phe tả trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố. Ông đã ủng hộ ứng viên Park Won-seon, một nhà hoạt động tích cực mà công chúng ít được biết đến. Ông này đã giành chiến thắng bất ngờ, nhờ đã huy động mạnh mẽ giới trẻ tham gia đi bầu. Thành phần cử tri này đã không tham gia bỏ phiếu trong những đợt bầu cử trước đó. Thất bại này chính là một đòn cảnh cáo phe hữu.
Do đó, ngày mai, ông Ahn và phe đối lập hy vọng lập lại chiến công ở cấp độ quốc gia. Ông sẽ cho áp dụng cùng một chiến lược, từng cho phép họ chinh phục thủ đô giàu có, vốn là cứ địa của phe hữu. Ông Ahn kêu gọi « giới trẻ phải dẫn đường đi nhằm thiết lập một cấu trúc xã hội mới. Họ có thể làm được điều đó qua lá phiếu bầu ».
Bên cạnh đó, Le Figaro còn ghi nhận thành công của chương trình hài « Na Gom Su », phát trên mạng Internet và đã trở thành một trong những chương trình được tải nhiều nhất trên mạng iTunes. Điều này cho thấy ngọn lửa chính trị đang được thắp lại trong lòng giới trẻ Hàn Quốc.
Le Figaro cho biết, những người dẫn chương trình « Tôi là một con chồn hạt dẻ », thu hút đến 80% lượng khán giả dưới 40 tuổi, pha lẫn kiểu hài hước ngổ ngáo và phần tin đặc biệt để phản đối giới chính trị gia tham nhũng, mà người đứng đầu là Tổng thống Lee Myung-bak, được mệnh danh một cách khôi hài là « Đấng Cao cả ». Tuy nhiên, một trong bốn người dẫn chương trình đã bị kết án tù từ hôm 26/12, vì đã thốt ra « những lời cáo buộc giả » chống lại người đứng đầu Nhà nước.
Xăng dầu làm ô nhiễm nhiệm kỳ tổng thống Obama
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, vấn đề năng lượng đang trở thành chủ đề vận động tranh cử tổng thống Mỹ, khi mà giá xăng tăng gấp đôi chỉ trong vòng có ba năm. Đề tài này được báo Libération đề cập đến qua hàng tựa « Xăng dầu làm ô nhiễm nhiệm kỳ tổng thống Obama ».
Bài báo nhận xét, kể từ khi Barack Obama vào Nhà Trắng, giá xăng tăng gấp đôi từ 1,788 đô-la vào năm 2009 lên 3,9 đô-la/ga-lông như hiện nay (theo Mỹ : 1 ga-lông = 3,78 lít).
Để chống lại đối thủ của mình, Mitt Romney, ứng viên đảng cộng hòa, được cho là người có triển vọng nhất trong cuộc đối đầu với Obama, cam kết hỗ trợ 200 triệu đô-la để bảo vệ những ưu đãi về thuế của các nhà khai thác dầu.
Bài báo cho rằng, với việc giá xăng tăng gấp đôi, vấn đề năng lượng nay trở thành chủ đề chính cho tranh cử tổng thống. Phe Cộng hòa tại Mỹ cho rằng ông Obama là một nhà bảo vệ môi trường ngây thơ, do ông chỉ quan tâm đến năng lượng tái tạo.
Nắm chắc được bao nhiêu người Mỹ đang sử dụng xe ô-tô, phe Cộng Hòa nghĩ là có thể dựa vào luận điểm chính này để đẩy ông Obama ra khỏi Nhà Trắng.
Ông Obama phản công lại khi cho rằng « ngành công nghiệp dầu hỏa Mỹ đang nở rộ ». Ông cũng nhấn mạnh rằng khai thác dầu hỏa tại Mỹ đã không ngừng tăng lên dưới sự điều hành của ông để đạt đến mức 5,6 triệu thùng/ ngày vào năm 2011 (một con số kỷ lục chưa từng có kể từ năm 2003). Việc Nhà Trắng đang nhắm đến sử dụng nguồn dự trữ chiến lược, nhằm trấn an người tiêu thụ ngay trước ngày tuyển cử, cho thấy vấn đề này đang gây căng thẳng cho họ.
Giải thích cho việc giá xăng dầu tăng gấp đôi, một chuyên gia thuộc trang mạng Gasbuddy.com, chuyên săn lùng giá xăng tại các trạm bơm cho rằng, nguyên nhân còn đến từ khâu tinh chế. Ông nói : « Hàng năm vào mùa này, các nhà máy lọc dầu phải chuyển xăng mùa đông sang xăng mùa hè, khiến các nhà máy đó phải nằm yên trong một thời gian. Trong khi đó, khả năng lọc dầu thì cũ kỹ và xuống dốc từ nhiều thập niên nay. Bởi vì không ai muốn có nhà máy lọc dầu ở những nơi lân cận ».
Cũng theo ông này, giá xăng dầu có thể lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng này, sau đó sẽ đi xuống ở mức đầu năm. Nếu đúng như vậy, thì nó sẽ là một chủ đề ít nóng bỏng hơn cho việc tranh cử. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng ông Obama cũng phải gánh vác trọng trách trong việc giá xăng dầu tăng. Ông nhắc lại rằng khi còn là Thượng nghị sĩ, ông Obama đã từng hứa sẽ chấm dứt tình trạng gọi là lối thoát Enron, cho phép các hoạt động giao dịch thực hiện ở nước ngoài thoát được sự điều tiết của Hoa Kỳ. Nhưng những công ty nào có thể lợi dụng được sự đầu cơ này ? Chỉ có những quỹ đầu cơ hay những cơ sở tài chính như Morgan Stanley và Goldman Sachs. Đấy cũng lại là những nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama. Do đó, ông cũng không làm gì hết để hạn chế tình trạng đầu cơ này.
Tuy nhiên, báo Libération cũng nhận thấy rằng, giá xăng dầu tăng đã buộc người Mỹ phải thích ứng để bớt hoang phí. Lượng tiêu thụ xăng dầu giảm đi đáng kể từ nhiều năm gần đây. Một phần nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế, một phần họ sử dụng loại xe hơi tiết kiệm năng lượng và ít sử dụng xe hơn.
Một giáo sư thuộc một trường đào tạo quản trị cho biết « Giá xăng dầu tăng đã có một tác động quan trọng cho việc bán các loại xe tiết kiệm năng lượng. Khi mua một chiếc xe mới, người Mỹ cũng phải tính đến các chi phí trong dài hạn ».
Đời sống lứa đôi trước thử thách chính trị
Nhìn sang Pháp, cũng vẫn là chủ đề tranh cử tổng thống, nhưng báo Le Monde lại có một góc nhìn xã hội học khá thú vị qua bài viết đề tựa « Cuộc sống lứa đôi qua thử thách chính trị ».
Theo kết quả điều tra do viện OpinionWay thực hiện cho biết có đến 34% Pháp có lẽ cảm thấy hơi khó chịu khi phải sống chung với một người có quan điểm chính trị trái ngược với mình. Tỷ lệ này còn cao hơn ở những người ủng hộ phe tả (43%). Tuy nhiên, có đến 65% người được hỏi thì cho rằng không bị phiền, nếu có quan điểm chính trị đối lập.
Theo nhận định của ông Samuel Lepastier, chuyên gia về tâm thần học trẻ em và là nhà phân tích tâm lý, « Việc có ý kiến trái chiều nhau sẽ không gây ra vấn đề gì cho cặp vợ chồng với điều kiện có cùng quan điểm đạo đức ». Theo quan sát của ông, « yêu, chính là đi đến với người khác », do đó, ý kiến khác biệt « cũng có thể là một yếu tố lôi cuốn ».
Theo ông, « trong đời sống lứa đôi luôn có sự căng thẳng »
Ông Lepastier cũng nhận thấy rằng, sự xích lại gần nhau vẫn có thể, nếu như chính trị « đã mất đi giá trị thiêng liêng ».
Thế nhưng, theo quan sát của bà Anne Muxel, giáo sư hướng dẫn thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị của trường Sciences Po, thì số cặp đôi không cùng chung tiếng nói (tức là một người theo phe tả và người kia theo phe hữu) chiếm tỷ lệ thấp tại Pháp (14%). Trong tác phẩm « Anh, tôi và chính trị » do nhà xuất bản Seuil phát hành năm 2008, bà ghi rõ « ¾ người Pháp chuyển đổi hệ tư tưởng theo người bạn đời, hoặc theo phe tả (29%), hoặc theo hữu (29%), hoặc không theo phe nào hết (17%) ».
Như vậy, quan sát kết quả điều tra cho thấy về mặt lô-gích, một số đông người Pháp (40%) sẽ phải bỏ phiếu chọn giống như người bạn đời ngay ở vòng một bầu cử tổng thống Pháp sắp đến. Ngược lại, sẽ có khoảng 25% người sẽ không bỏ phiếu giống như nửa kia của mình.
Về tổng quan, điều tra cho biết có đến 94% cặp vợ chồng thảo luận thẳng thắn về bầu cử tổng thống. Duy nhất chỉ có 4% hộ gia đình cho rằng « chính trị là điều cấm kỵ ». Như vậy, người Pháp có thể chung sống với người mà mình yêu, mà không cần đặt nặng sự khác biệt trong quan điểm chính trị riêng.

Không có nhận xét nào: