Nguyễn Tường Thụy
4. Bới móc đời tư Bùi Thị Minh Hằng không phải là tầm của báo chí thủ đô.
Trong đợt tuyên truyền bôi nhọ Bùi Thị Minh Hăng này, ANTĐ đóng góp 2 bài (10 và 12/4), Hànộimới 2 bài (11 và 12/4) còn Truyền hình Hà Nội thì trong 4 buổi thời sự liên tiếp, từ 11 đến 14/4/2012. Quả là một sự “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay” tuy không đẹp mắt tí nào.
BTMH bị bắt ngày 27/11/2011, sau đó cô bị đưa đi cải tạo ở trại Thanh Hà theo quyết định của UBND Tp Hà Nội.
Quyết định này đang bị khiếu nại và nhà chức trách tìm mọi cách không cho cô kiện. Cứ giả sử việc bắt cô đi cải tạo là đúng luật đi thì đời tư của cô chẳng liên quan gì đến việc cô bị đưa đi cải tạo. Xét về hành vi vi phạm pháp luật, người ta có thể phạt hành chính, đưa đi cải tạo hay đi tù. Nhưng chuyện gia đình, chuyện chồng con của người ta lại là chuyện khác, là chuyện của mấy bà “buôn dưa lê” ngoài chợ.
Hẳn những ngày qua ở trong trại, cô được xem truyền hình, có thể được đọc cả những bài báo nói xấu cô. Cô là người hơn ai hết biết rõ những điều bịa đăt về mình, dù có uất ức cũng không thể lên tiếng.
Đã vậy, họ còn dày công điều tra để bới móc những chuyện chẳng nói lên điều gì như bỏ chồng, bán nhà ở Vũng Tàu. Thử hỏi hàng ngày có bao nhiêu cặp vợ chồng bỏ nhau, bao nhiêu người mua nhà, bán nhà? Những chuyện này họ có đưa hết lên mặt báo được không và đưa để làm gì?
Khôi hài hơn, họ còn tố BTMH từng ăn cắp gạo của mẹ đi bán hồi còn học lớp 3, lớp 4, rồi Hằng bị bố nọc ra đánh hồi còn trẻ con. Bới móc đến thế này thì hết chỗ nói.
Trong đủ thứ chuyện mà họ đưa ra, có những chuyện mà người đọc chỉ biết vậy. Trong số đó, tôi chú ý đến chuyện sau:
Trao đổi với chúng tôi, một người em của Hằng kể lại: “Cách đây không lâu, ông N.K.T (người đã từng bị xử lý hình sự – PV) từ Hà Nội lên gặp tôi. Ông ta đặt vấn đề: “Em tham gia với bọn anh đi, chịu trả lời phỏng vấn đi. Em chắc chắn sẽ được nhiều tiền hơn chị của em”. “Các ông sẽ trả cho tôi được bao nhiêu tiền?”. “Đủ để em thỏa mãn nhu cầu”. “Xin lỗi ông, tôi không cần thứ tiền bẩn thỉu ấy”. Cuộc đối đáp ngắn gọn nhưng quyết liệt của em gái Bùi Thị Minh Hằng khiến gã N.K.T thẹn mặt, chuồn thẳng về Hà Nội.
Chẳng biết người khác thế nào chứ tôi thấy thật khó tin. Chuyện kể cứ như là đi cầu hiền tài. Không biết người em của Hằng kể câu chuyện này với phóng viên báo ANTĐ là ai vì Hằng có 2 em gái là cô Hiền và cô Hà. Cũng không biết cô này có tài gì đặc biệt mà ông N.K.T. nào đó trả giá cao như vậy. Cô “không cần những đồng tiền bẩn thỉu”, nhưng 6 tháng trước, Vietnamnet có bài về cô Hà “Chạy việc” 4 tỷ không thành, còn đe trả thù”. Cũng không biết ông N.K.T. giàu có đến đâu. Nhưng giàu đến như bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng chỉ dám “mua” cử tri có 500 nghìn đồng mà cũng chỉ trong phạm vi 1300 người mà thôi.
Cuộc đời mỗi con người, ai chẳng có mảng tối. Ai dám bảo bản thân mình hoàn toàn trong sáng. Trong chúng ta, ai chẳng từng 1 lần nói đôi cha mẹ, 1 lần bị bố đánh hoặc 1 lần ăn trộm ổi của hàng xóm. Hàng ngày, lướt qua mạng, ta thường gặp phải những bài viết về đời tư của nhiều nhân vật nổi tiếng, những chuyện còn ghê gớm hơn nhiều so với chuyện của BTMH. Liệu các phóng viên này có dám đi điều tra rồi đưa lên mặt báo không?
Đồng ý rằng những mảng tối của con người cần được phanh phui nếu họ cố tình giấu giếm tổ chức để mưu toan một việc gì đó. Nhưng BTMH chẳng có ý đồ giấu giếm điều gì để vào Đảng hay ứng cử đại biểu quốc hội.
Trong trường hợp muốn bôi nhọ một ai đó, họ không thiếu gì cách làm. Con người dù khéo sống đến mấy cũng có người ghét. Kiếm vài ba người để phỏng vấn, ghi hình nói xấu một người nào đó chẳng có gì khó. Còn tố những gì ư? Ít ra thì cũng có chuyện ông này bà nọ không chào nhân dân, không tham gia quét rác đường phố …
Blogger Phương Bích cho rằng: “Cái thiếu đàng hoàng của một số báo đài “lề phải” là chuyên lợi dụng những mâu thuẫn gia đình để bôi nhọ nạn nhân, hòng lấp liếm việc làm sai trái của chính quyền”.
BTMH có một cuộc sống bất hạnh, một hoàn cảnh éo le. Cô là một phụ nữ đáng thương, cần được chia sẻ, an ủi, giúp đỡ, động viên. Thế nhưng báo chí thủ đô lại mở “chiến dịch” tuyên truyền, bới móc, bêu riếu đời tư của cô ấy. Sao họ không dành trang, dành thời lượng cho những vấn đề nóng bỏng của xã hội, những chuyện tham những, ức hiếp dân, chà đạp lên pháp luật vẫn diễn ra hàng ngày?
Báo chí nước ta do nhà nước quản lý, điều này ai cũng biết. Các phóng viên, nhà báo viết phải theo định hướng của cơ quan quản lý. Tuy vậy, vẫn có những nhà báo giữ được lương tâm nghề nghiệp. Trong khuôn khổ, họ vẫn tìm cách đưa ra những thông tin trung thực, có giá trị, gửi cho bạn đọc những thông điệp có ý nghĩa. (mời xem thêm Giọt nước mắt của lề phải của nhà báo Đoan Trang)
Ngược lại, có những người tự kiểm duyệt mình còn quá yêu cầu của cơ quan quản lý. Tệ hại hơn là họ rất biết lựa chiều để làm hài lòng cấp trên, những mong được chú ý, được đề bạt.
Đọc loạt bài về BTMH của báo chí thủ đô, ta lại thấy mùi đấu tố của thời cải cách ruộng đất, chỉ khác là chuyện đấu tố này không trực tiếp mà thông qua trang báo, màn hình. Thôi thì cũng đủ cả: mẹ tố con, chị tố em, em tố chị rồi con tố mẹ, qua bàn tay dàn dựng của các phóng viên.
Không phải ngẫu nhiên mà ba báo này cất giọng cùng một lúc. Hẳn việc này có chỉ đạo. Nếu bắt buộc phải làm, sao họ không viết cho trung thực? Qua nội dung những bài viết, bài phát, cho thấy những phóng viên này có lòng thù ghét BTMH rất ghê gớm. Họ viết bài với tất cả lòng nhiệt tình, tự nguyện chứ không hề miễn cưỡng.
Bôi nhọ, bới móc đời tư Bùi Thị Minh Hằng không phải là tầm của báo chí thủ đô. Nếu họ vẫn say sưa với việc này thì hy vọng người tiếp theo đừng là một phụ nữ cô thế, bất hạnh, đáng thương như Bùi Thị Minh Hằng.
22/04/2012
TƯỜNG THỤY
HẾT
Theo: Blog NTT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét