Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Một chế độ tàn ác nhất qua hai cuộc chiến



Photo courtesy of nguyenxuandienblog
Người dân Văn Giang trước ngày bị cưỡng chế

Gia Minh, biên tập viên RFA


Nhiều người dân Việt Nam từng trải qua hai cuộc chiến ‘chống Pháp và chống Mỹ’.
Thực dân, đế quốc từng bị cho là kẻ thù tại Việt Nam. Tuy nhiên nay chính những người từng trải qua hai cuộc chiến đó cho rằng nhà cầm quyền hiện nay còn ‘ác hơn cả đế quốc Mỹ’.

"Dã man hơn đế quốc Mỹ"

Cuộc chiến đưa đến chấm dứt tình trạng chia đôi đất nước gần nhất tại Việt Nam chấm dứt cách đây đã 37 năm. Có nhiều ý kiến cho rằng đất nước thay da đổi thịt rất nhiều, và vết thương chiến tranh đã lành lặn. Tuy vậy, có nhiều người vẫn khẳng định vết thương đó vẫn còn rỉ máu và khi vết thương cũ chưa lành lại có những vết cắt mới trên da thịt người dân.


Suốt những năm tháng chiến tranh, người ta phải đi sơ tán để tránh bom đạn. Khi chấm dứt tiếng súng, họ trở về quê nhà để tạo lập cuộc sống. Thế rồi những dự án phát triển được vạch ra. Nhiều người nằm trong vùng qui hoạch phải di dời đi nơi khác. Khi tiến hành hoạt động này, biết bao vụ việc do chính quyền các cấp địa phương gây ra khiến dân chúng ta thán.
Hành xử trong khi cưỡng chế thu hồi đất đối với nhiều người dân là một hành động mà họ cho là ‘dã man’ hơn cả thời ‘đế quốc Mỹ’ trước đây.
Một người dân bị mất đất thuật lại câu nói của những đồng bào cùng chung cảnh ngộ:
"Năm 2009, 80 hộ chúng tôi được chủ tịch thành phố, ông Trần Thế Dũng, tiếp. Tôi có ghi băng. Có những người là thương binh đi bộ đội chống Mỹ về phát biểu: lúc phá nhà dã man hơn đế quốc Mỹ, ác hơn đế quốc Mỹ; họ nói đi nói lại ba lần."
Những người phải thốt lên so sánh đó hầu hết là những người từng sinh sống tại những vùng chiến tranh ác liệt trước đây. Hằng ngày họ phải chạy lánh nạn bom đạn do máy bay Mỹ ném xuống. Và chính họ thấy đó là một tội ác khi truy đuổi những người dân như họ.
Trước những hành động xâm lăng đó của người nước ngoài, gia đình nhiều người dân cho con cái tham gia quân đội để đi chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược. Có người mất chồng, mất con trong chiến tranh và trở thành gia đình liệt sỹ được tổ quốc ghi công.
Có những người là thương binh đi bộ đội chống Mỹ về phát biểu: lúc phá nhà dã man hơn đế quốc Mỹ, ác hơn đế quốc Mỹ; họ nói đi nói lại ba lần.
Một dân oan
Có thể nói trong chiến tranh, khi đất nước bị cho là lâm nguy bởi ngoại xâm, người dân sẵn sàng hy sinh tất cả, đến giọt máu, hơi thở cuối cùng không hề bận tâm suy nghĩ.
Tuy nhiên, khi tài sản, đất đai mà họ sinh sống từ bao đời nay bị xung công một cách thiếu thuyết phục. Tiền bồi thường bị cắt xén, hay thậm chí bị ‘cướp trắng’; thì họ phản ứng. Nhưng chính quyền đã không nghe tiếng nói của người dân mà đưa lực lượng cưỡng chế đến phá dỡ nhà cửa, ruộng vườn trước sự chứng kiến vô
vọng của họ nên họ không thể ‘hy sinh’ trong im lặng như thời chiến tranh.

Khiếu kiện trong vô vọng


bat-dong-san1-300x207-250.jpg
Căn nhà của ông Đoàn Văn Vươn huyện Tiên Lãng sau vụ cưỡng chế hôm 05/1/2012
Họ đã phản ứng, đã khiếu kiện từ năm này qua năm khác với hy vọng công lý sẽ được thực thi nhưng rồi họ vẫn mỏi mòn.
Đó là tâm trạng của bà Võ thị Nhiều, gia đình liệt sỹ:

"Tôi có hai con trai đi làm nhiệm vụ Đảng giao, ở với Đảng. Tôi có tội lỗi gì mà đập nhà cửa, tài sản của tôi mà không lập văn bản. Họ còn nhét giẻ vào miệng tôi. Tôi yêu cầu Đảng về sửa lô đất hương hỏa của tôi, làm rõ mọi đường chứ tôi đau khổ lắm."
Hay bức xúc của vợ một thương binh chống Pháp:
"Bây giờ cán bộ của tỉnh đều ‘dã man’, ‘tàn bạo’ lắm, kể cả phường, xóm, kể cả Đảng, kể cả Thanh tra tiếp dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh. Họ ‘tàn bạo’ lắm, chẳng kể gì dân đâu. Họ chỉ kiếm lợi cho gia đình họ thôi, chứ gia đình mình họ không quan tâm đến. Theo ý tôi thì những thành phần đó Đảng, Chính phủ, Nhà Nước cần trừng trị đến nơi đến chốn, cho dân ‘ngước mặt lên với’."
Hầu như mọi thủ đoạn có thể sử dụng để buộc dân phải giao đất mà không được bồi thường thỏa đáng đều được sử dụng như câu chuyện của một người mẹ vì con đành phải nhận tiền bồi thường như sau:
"Họ đập phá nhà cửa tôi vào ngày 4/5/2004. Công an, bộ đội, dân quân đến đập 32 mét vuông mái bằng, ‘veranda’, một căn nhà hai gian rồi mọi dụng cụ tôi cho thuê bát đĩa đều bị đập mà không đền bù, cho đến nay. Năm 2011, con tôi học hết cấp 3, đi thi sư phạm, chính quyền không cho con tôi đi với lý do mẹ làm sai không nhận tiền hổ trợ, đền bù. Con tôi về khóc nói chỉ vì mấy triệu đồng mà mẹ không nhận làm ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của con. Tôi chết chồng, có bốn đứa con nên tôi thương con nên lấy mấy triệu về hổ trợ chứ không phải bồi thường đất nhà."

Dồn dân vào bước đường cùng


vangiang-250.jpg
Người dân huyện Văn Giang khiếu kiện đất đai của họ bị trưng thu bất hợp pháp nhưng không ai giải quyết
Người dân bức xúc tố cáo những thủ đoạn của các cấp chính quyền trong việc thu hồi đất đai của họ, vì nay họ thấy rõ những sai phạm và cách hành xử bất chấp luật pháp của chính quyền:

"Chúng tôi có làm gì mà công an, bộ đội, an ninh đến phá nhà chúng tôi. Quân đội để giữ nước, giữ nhà chứ sao đi phá hoại nhà dân. Chúng tôi đâu làm gì sai trái, đâu có cướp giật, tham ô của ai đâu. Chúng tôi đã đơn từ bao nhiêu năm nay, mà họ dồn chúng tôi vào bước đường cùng, chúng tôi biết làm thế nào?"
Trong chiến tranh sự sang giàu giữa những tầng lớp người dân không rõ nét; nhưng nay khi chấm dứt tiếng súng, bom đạn, các thành phố được xây dựng lại khang trang, các khu công nghiệp, nhà máy mọc lên, đường xá rộng rãi thẳng tắp, thì người ta lại thấy sự cách biệt giàu nghèo quá rõ.
Nhiều người trở nên giàu có nhờ vào những mảnh đất trước đây là ruộng nương, vườn tược hay thậm chí đất ‘chó ăn đá, gà ăn muối’, mà người muốn có thu nhập từ đất phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được cái ăn.
Người dân mất đất phải tha phương hay ngụ cư trên chính mảnh đất của bao đời cha ông cho đến họ sinh sống. Trước những bất công đó họ chỉ trông chờ vào công lý. Nhưng rồi luật pháp nằm trong tay kẻ mạnh, mà việc khiếu kiện dù có đúng và được trung ương có ý kiến đưa về địa phương giải quyết nhưng rồi như một trái banh, đá qua đá lại, lăn lên lăn xuống. Câu nói từ xưa của dân gian ‘con kiến mà kiện củ khoai’ lại đúng như thời xưa trước.
Chúng tôi đâu làm gì sai trái, đâu có cướp giật, tham ô của ai đâu. Chúng tôi đã đơn từ bao nhiêu năm nay, mà họ dồn chúng tôi vào bướcđường cùng, chúng tôi biết làm thế nào?
Một người dân
Bất bình, uất ức, có lúc người dân đã từng hợp lòng đứng dậy như ở Thái Bình hồi năm 1997. Gần đây vào ngày 5 tháng giêng năm 2012, gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng phải nổ súng hoa cải và bình ga tự chế khi lực lượng cưỡng chế tiến vào khu nhà và đất đầm mà họ phải bao năm bỏ công khai khẩn. Hôm ngày 24 tháng tư vừa qua, người dân tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên quyết giữ đất không giao cho chủ đầu tư làm khu đô thị sinh thái như được thông báo; nhưng rồi họ cũng bị lực lượng cưỡng chế ủi sạch ruộng vườn.
Thanh tra chính phủ vào đầu tháng tư vừa qua phải lên tiếng thừa nhận là số lượt người và đoàn người khiếu kiện đông người đã tăng hẳn lên. Cụ thể lượt khiếu nại tăng 50% so với tháng 2 và số đoàn đông người tăng 30%. Thanh tra chính phủ thừa nhận có từ 20-25% vụ khiếu kiện là đúng.
Theo Thanh tra chính phủ việc khiếu kiện đã xảy ra từ nhiều năm qua, mà địa phương không giải quyết đến nơi đến chốn, đùn đẩy, né tránh. Tham nhũng đất đai là căn bện mãn tính, và lòng tham đó khiến nhiều quan chức trở thành ‘dã man’ với chính những đồng bào của họ. Ngày càng có nhiều người quay lưng lại với nỗi khổ đau của những người dân mà họ nhân danh để tiến hành cách mạng. Sự dã man đó được chính người dân mô tả còn hơn cả ‘đế quốc Mỹ’ trước đây.

Không có nhận xét nào: