Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012
ONGC Ấn Độ có thể bỏ dự án thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)
Tập đoàn ONGC Videsh của Ấn Độ có thể trả lại Việt Nam một lô thăm dò dầu khí ngoài khơi miền trung Việt Nam mà họ đã trúng thầu khai thác từ năm 2006. Một viên chức cao cấp của tập đoàn này đã tiết lộ khả năng trên vào hôm nay, 24/04/2012 với nhật báo Mỹ Wall Street Journal.
Nguyên nhân được nêu lên mang tính chất thuần túy thương mại, chứ không liên quan đến sức ép của Bắc Kinh trên New Delhi.
Theo một quan chức điều hành cao cấp bộ phận đầu tư hải ngoại của tập đoàn dầu khí Nhà nước Ấn Độ Oil & Natural Gas Corp, đây là lô thăm dò mang số hiệu 128 tại vùng bồn trũng Phú Khánh ngoài Biển Đông. Vào năm 2006, ONGC đã được cấp phép thăm dò hai lô 127 và 128 trong khu vực này, nhưng mới đây đã phải trao trả lại lô 127 vì khoan thử mà không thấy dầu khí.
Về lô 128 còn lại, tập đoàn Ấn Độ mới đây đã phải tạm hoãn công việc thăm dò, vì không thể khoan giếng do các khó khó khăn trong việc neo lại ở một vùng đáy biển rất cứng. Họ dự trù khoan thử trở lại vào năm nay, sau khi thử nghiệm thành công các phương tiện neo mới.
Phát biểu với báo WSJ, viên chức xin ẩn danh này cho biết sẽ đề xuất hai phương án cho Hội đồng quản trị của tập đoàn. Một là tăng phần đầu tư cho việc thăm dò, vì phải chi phí thêm cho việc giải quyết các khó khăn trong việc khoan ; hai là từ bỏ hẳn lô thăm dò này, vì lẽ lô 127 liền kề đã không mang lại bất kỳ giọt dầu nào.
Quyết định của Hội đồng quản trị ONGC sau đó sẽ được chuyển lên cho bộ Dầu khí Ấn Độ để chuẩn y. Tuy nhiên, viên chức này không cho biết là vào lúc nào.
Đề nghị xét lại vấn đề thăm dò lô 128 ngoài khơi Việt Nam được đưa ra, sau khi Trung Quốc, vào năm ngoái, đã cảnh cáo ONGC là kế hoạch thăm dò của họ tại hai lô 127 và 128 hoàn toàn phi pháp, vì đó là vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, viên chức được tờ báo Mỹ trích dẫn, đã cho rằng, mọi đề nghị liên quan đến lô 128 hoàn toàn căn cứ vào các nguyên nhân thương mại, không liên can gì đến "yếu tố Trung Quốc".
Trọng Nghĩa(RFI).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét