Pages

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Úc hỗ trợ 10 người tỵ nạn TQ trên đường đến New Zealand

Chiếc tàu chở mười người Trung Quốc tới cảng Darwin (Úc).
Chiếc tàu chở mười người Trung Quốc tới cảng Darwin (Úc).
@ABC TV

Một nhóm 10 thuyền nhân Trung Quốc, tự nhận thuộc giáo phái Pháp Luân Công, trên đường chạy tỵ nạn sang New Zealand đã được chính quyền Úc giúp cho quá cảnh tại cảng Darwin. Hôm nay 10/04/2012, Canberra cho biết không thể bắt giữ hay ngăn cản những người Trung Quốc chạy tỵ nạn này.

AFP dẫn nguồn tin của đài phát thanh Úc ABC cho biết, 10 thuyền nhân Trung Quốc chạy tỵ nạn thuộc một gia đình có 2 con nhỏ. Họ đi trên một chiếc tàu nhỏ và không có kinh nghiệm đi biển, họ chỉ có một máy tính xách tay và một thiết bị định vị vệ tinh để dẫn đường. Một người trong nhóm tỵ nạn cho biết cách đây 1 tháng họ bị chính quyền Malaysia không tiếp nhận và đẩy trở lại ra ngoài khơi .

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, những thuyền nhân nói trên đã phát tín hiệu cấp cứu khi họ ở đi vào vùng biển của Úc trong tình trạng tàu bị hết nhiên liệu, cạn kiệt lương thực và đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Úc đưa vào cảng Darwin. Tại đây, cơ quan di trú Úc đã cấp cho họ visa tạm thời để có thời gian sửa chữa lại tàu trước khi tiếp tục hành trình. Thủ tướng Julia Gillard tuyên bố chính phủ Úc không thể ngăn cản những người này tiếp tục hành trình đến New Zealand xin tị nạn như mong muốn. Trong khi đó, bộ trưởng bộ Di trú New Zealand, Nathan Guy cũng khẳng định đã có thông tin là những người tỵ nạn này muốn đến New Zealand. Wellington cũng tỏ ra rất lo ngại về hoàn cảnh của những người chạy tỵ nạn và cho biết sẽ « tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền Úc » để theo dõi thông tin cũng như ý định của nhóm người tỵ nạn này.
Pháp Luân Công là một giáo phái thiền dưỡng sinh dựa trên các cơ sở giáo lý của đạo Phật và đạo Khổng. Phong trào Pháp Luân Công được hình thành và phát triển mạnh ở Trung Quốc từ năm 1992, sau đó đã lan rộng sang nhiều nước khác. Lo ngại sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị xã hội, năm 1999, chính quyền Bắc Kinh đã đặt phong trào này ra ngoài vòng pháp luật và coi Pháp Luân Công là một « tà đạo ». Từ đó đến nay các thành viên của giáo phái này luôn bị chính quyền Bắc Kinh truy bức, đàn áp mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy phong trào này tham gia các hoạt động chính trị.

Không có nhận xét nào: